Sàng lọc thông tin để lựa chọn cổ phiếu đầu tư
Chọn doanh nghiệp có thông tin tốt hỗ trợ giá cổ phiếu
Chọn cổ phiếu có tin tốt
Sau khi duy trì tỷ lệ tiền mặt ở mức cao, anh Hưng, một nhà đầu tư tại Hà Nội trong tuần qua quyết định mua vào dần một số cổ phiếu được cho là sẽ hưởng lợi từ xu hướng tăng của giá hàng hóa cơ bản. Trong nhóm dầu khí, anh kỳ vọng Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) sẽ có lợi nhuận tăng trưởng cao, nhất là quý I, dù thị giá đã tăng mạnh so với trước.
Nhà đầu tư này còn quan tâm đến nhóm cổ phiếu dịch vụ tài chính - ngân hàng như MBB, CTG, STB, cổ phiếu thép HPG, NKG, SMC, cổ phiếu cao su DRI, cổ phiếu bán lẻ MWG, PNJ…
Với lĩnh vực dệt may, các doanh nghiệp có thị trường xuất khẩu đa dạng dự kiến cũng có kết quả kinh doanh khả quan. Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM) cho biết, 2 tháng đầu năm 2021, TCM đạt 25 triệu USD (575 tỷ đồng) doanh thu, tăng 18% và 1,72 triệu USD (40 tỷ đồng) lợi nhuận, tăng 110% so với cùng kỳ năm 2020. Năm nay, Công ty đặt kế hoạch doanh thu 4.218 tỷ đồng, lợi nhuận ròng 290 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay, lần lượt tăng 22% và 5% so với năm ngoái.
Trong bối cảnh thị trường hàng hóa đang có xu hướng tăng và thị trường chứng khoán thế giới tiếp tục tăng điểm, không ít nhà đầu tư khác có kế hoạch đầu tư tương tự như anh Hưng, thay vì chờ đợi thị trường điều chỉnh rồi mới giải ngân.
Thực tế, thị trường chứng khoán thời gian qua chịu tác động của nhiều thông tin tích cực cũng như tiêu cực và khó có thể đo lường mức độ ảnh hưởng như thế nào. Từ giữa tháng 2 đến giữa tháng 3/2021, VN-Index có diễn biến đi ngang
Việc chỉ số “mất động lực”, chưa thể vượt đỉnh quá khứ như kỳ vọng trước đó khiến tâm lý nhà đầu tư dao động, e ngại thị trường sẽ có một đợt điều chỉnh sâu trước khi thực sự bứt phá trở lại.
Tuy nhiên, đây là khoảng thời gian để nhà đầu tư chọn lọc cổ phiếu kỹ càng hơn, tập trung vào các cổ phiếu không chỉ thuộc ngành nghề có triển vọng khả quan như ngân hàng, hóa chất, thép, dịch vụ chứng khoán, dầu khí, bất động sản..., mà doanh nghiệp có những chuyển biến cụ thể trong hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Cổ phiếu “nóng” liệu có còn hấp dẫn?
Năm ngoái, có những cổ phiếu ghi nhận mức tăng giá phi mã như DIG, BCG, TCM.... Trong nhóm cổ phiếu chứng khoán, cổ phiếu VND, AGR, VIX đang có thị giá cao gần 3 lần so với cùng kỳ. Các cổ phiếu “nóng” thu hút sự quan tâm nhiều nhà đầu tư, nhưng liệu có còn dư địa tăng?
Một số môi giới vẫn đang có những đánh giá khả quan đối với cổ phiếu DIG của Tổng công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng. Trong tháng 3 này, DIG có kế hoạch phát hành 10% cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020, qua đó tăng vốn điều lệ từ 3.185 tỷ đồng lên 3.503 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp lên kế hoạch phát hành cổ phiếu chia cổ tức năm 2020 trong quý II - III/2021, tỷ lệ tối thiểu 18% và phát hành cổ phiếu ESOP, cổ phiếu riêng lẻ và trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ.
DIG dự kiến thu xếp vốn vay trung và dài hạn 1.900 tỷ đồng cho dự án Bắc Vũng Tàu, 490 tỷ đồng cho dự án Vị Thanh, Hậu Giang, 270 tỷ đồng cho dự án Lam Hạ, Hà Nam, hoàn thành thủ tục giải ngân 980 tỷ đồng cho dự án Long Tân, Đồng Nai.
Năm 2020, DIG ghi nhận doanh thu thuần và lãi ròng lần lượt tăng 16% và 49% so với năm 2019, đạt 2.489 tỷ đồng và 631 tỷ đồng. Công ty đặt mục tiêu từ nay cho đến năm 2025 sẽ tăng vốn điều lệ lên 10.000 tỷ đồng để đạt trạng thái cân bằng tài chính với tỷ lệ nợ phải trả so với vốn chủ sở hữu dưới 200%, tỷ lệ vay nợ so với vốn chủ sở hữu dưới 100%.
Đáng chú ý, cổ phiếu HPG của Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát nằm trong danh mục yêu thích của rất nhiều nhà đầu tư khi giá có xu hướng tăng từ tháng 4 năm ngoái đến nay, hiện đạt trên 47.000 đồng/cổ phiếu, gấp hơn 3 lần.
Năm 2020, doanh nghiệp ngành thép này đạt doanh thu 91.279 tỷ đồng, tăng gần 50%; lợi nhuận trước thuế hơn 15.354 tỷ đồng, gần gấp 2 so với năm 2019.
Không ít công ty chứng khoán đánh giá, HPG vẫn còn dư địa tăng trưởng. Chẳng hạn, Công ty Chứng khoán BSC dự báo, năm 2021, HPG có thể đạt 116.437 tỷ đồng doanh thu, tăng 29,2%; 18.981 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng hơn 40% so với năm 2020.
Cổ phiếu BSR cũng tăng giá mạnh trong vòng 1 năm qua, từ hơn 6.000 đồng/cổ phiếu lên gần 17.000 đồng/cổ phiếu. Tổng giám đốc BSR Bùi Minh Tiến chia sẻ, trong 2 tháng đầu năm 2021, Công ty đạt xấp xỉ 1.200 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng hơn 80% so với mục tiêu 864 tỷ đồng cả năm, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ hơn 2.300 tỷ đồng.
“Với đà hồi phục của giá dầu thế giới cũng như giá xăng dầu trong nước, doanh nghiệp kỳ vọng lợi nhuận năm 2021 sẽ tăng trưởng mạnh so với năm 2020”, ông Tiến nói.
Ở nhóm công ty chứng khoán, hầu hết mã cổ phiếu có xu hướng tăng giá từ quý III/2020 đến nay. Thanh khoản thị trường chứng khoán lập kỷ lục và duy trì ở mức cao có tác động tích cực đến các mảng kinh doanh của nhóm công ty này, từ môi giới tới cho vay giao dịch ký quỹ.
Bên cạnh đó, danh mục tự doanh của nhiều công ty đạt kết quả khả quan. Giá cổ phiếu chứng khoán có tiếp tục tăng hay không được nhìn nhận sẽ phụ thuộc rất lớn vào diễn biến thị trường, cũng như khả năng khắc phục tình trạng nghẽn lệnh của HOSE.
Một số doanh nghiệp ngành thực phẩm, tiêu dùng thiết yếu được dự báo có kết quả kinh doanh tốt trong quý I/2021 như DBC, KDC… Trong đó, riêng tháng 1, KDC ước đạt 90 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, gấp hơn 3 lần cùng kỳ năm ngoái. Mục tiêu năm 2021 của KDC là đạt doanh thu thuần 11.500 tỷ đồng, tăng 38%; lợi nhuận trước thuế 800 tỷ đồng, tăng 91,5% so với năm 2020.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận