Sản xuất máy thở không phải là việc dễ với các hãng ô tô
Đến lúc này đã có Ford, Toyota, Tesla và GM tuyên bố sẽ sản xuất máy thở, phục vụ cho chống dịch Covid-19.
Trong chiến tranh, các nhà sản xuất ô tô tại Mỹ từng nhiều lần được yêu cầu tham gia sản xuất các mặt hàng phục vụ yêu cầu của chính phủ. Ví dụ Ford từng phải chế tạo máy bay ném bom còn GM chế tạo tàu đổ bộ.
Và tương tự vậy, lúc này nước Mỹ đang cần máy thở để chống dịch Covid-19, các nhà sản xuất ô tô sẽ lại được yêu cầu tham gia.
Vào thứ 6 tuần trước (27/3), Tổng thống Donald Trump đã dùng Đạo luật Sản xuất Quốc phòng để buộc GM phải chấp nhận, thực hiện ưu tiên các đơn hàng máy thở của chính phủ Mỹ. Trước đó Ford, Toyota và Tesla cũng tuyên bố sẽ tạm đóng cửa các dây chuyền sản xuất ô tô để tham gia làm máy thở.
Nhưng chuyển từ làm ô tô sang làm máy thở không phải là việc dễ. CNN cho rằng thiết bị y tế này là một cỗ máy phức tạp, phải dùng phần mềm và phần cứng chuyên dụng. Ngoài ra muốn làm được máy thở, các công ty ô tô cũng sẽ gặp nhiều rào cản như sở hữu trí tuệ, nhân sự có chuyên môn, được các cơ quan có thẩm quyền ở Mỹ chấp nhận sản phẩm.
Để khắc phục các vấn đề này, một số hãng xe đã quyết định hợp tác với các công ty y tế, công ty chuyên làm máy thở để đẩy nhanh quá trình phát triển sản phẩm.
Vấn đề thời gian
Hiện nay, bệnh nhân nhiễm Covid-19 đang chiếm gần hết các bệnh viện ở New York. Chính phủ Mỹ lo ngại sẽ xảy ra thảm cảnh như ở Ý. Các bác sỹ buộc phải chọn xem bệnh nhân nào có khả năng cứu sống nhiều hơn mới được dùng máy thở.
Thống đốc New York Andrew Cuomo cho biết: “Số lượng máy thở chúng tôi cần là rất lớn. Các bệnh viện đã phải thử cho hai bệnh nhân dùng chung một máy thở”. Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins cho biết nước này có sẵn khoảng 160.000 máy nhưng nhu cầu có thể lên đến 740.000 máy.
Trong điều trị Covid-19, máy thở sẽ được dùng khi phổi của bệnh nhân mất khả năng hoạt động. Máy thở sẽ cung cấp oxy cho phổi và giảm nồng độ CO2, từ đó phổi của bệnh nhân sẽ được nghỉ.
Các hãng xe có thể làm được gì?
Không phải mọi máy thở đều giống nhau. Một số loại máy có thiết kế phức tạp hơn nhiều các máy khác. Trong điều trị Covid-19, nếu bệnh nhân đang ở giai đoạn nặng, phổi của họ sẽ cứng lại và cần một chiếc máy thở có giá hơn 1 tỷ đồng để cung cấp oxy cho họ.
Giá máy đắt như vậy là do chiếc máy đó cần được thiết kế riêng cho bệnh nhân và cần được chuyên gia y tế có chuyên môn vận hành.
Và theo Phó chủ tịch Medtronic, một trong những công ty chuyên sản xuất các loại máy riêng biệt này, việc lắp ráp các máy phức tạp như thế nên để cho các công ty làm máy thở lâu năm, có kinh nghiệm thực hiện.
Ông cho rằng: “Đây là những máy để cứu người, nó không được phép ngừng chạy. Do vậy kinh nghiệm trong quá trình sản xuất là rất quan trọng”. Các nhà sản xuất ô tô không thể sản xuất nhanh được những thiết bị như vậy.
Nhưng thực tế thì dù Medtronic đã tăng tới 40% sản lượng máy thở của mình bằng cách huy động nhà máy làm việc 24/24, công suất của hãng vẫn không đáp ứng được nhu cầu điều trị. Do vậy công ty này vẫn muốn các hãng xe hơi tham gia sản xuất cùng mình.
Các hãng xe cho biết họ đã làm việc với các nhà sản xuất máy thở. GM đã làm việc với Ventec để sản xuất 80.000 máy từ tháng 4. Ford lại làm việc với GE Health để thay đổi một số chi tiết trong máy thở của GE, giúp máy dễ sản xuất hơn từ đó tăng năng suất.
Với Medtronic, hãng máy thở này cho rằng với những người bệnh ít nguy kịch, họ có thể tạo ra những máy thở đơn giản hơn và cung cấp giấy phép nguồn mở, cho phép các nhà sản xuất khác có thể tạo ra những máy này.
Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cho biết họ sẽ nới lỏng các điều kiện để được sản xuất thiết bị y tế như máy thở cho các hãng ngoài ngành. Nhưng cảnh báo các nhà sản xuất máy thở truyền thống vẫn phải thận trọng khi làm việc với các bên thứ ba. FDA cảnh báo nguy cơ trở thành thảm họa nếu các nhà sản xuất không có kinh nghiệm gây ra sai sót trong quá trình sản xuất.
Một rào cản với các hãng ô tô khi làm máy thở là các sở hữu trí tuệ. Thường các chi tiết quan trọng trong máy thở đều đã được bảo hộ sở hữu trí tuệ hoặc thuộc nhóm bí mật kinh doanh.
Các hãng thiết bị y tế đều không muốn mất bí mật của mình. Do vậy theo luật tại Mỹ, mức độ bảo vệ sở hữu trí tuệ cao nhất nhưng vẫn đúng Luật Sản xuất Quốc phòng là khi để Nhà Trắng trực tiếp chỉ đạo sản xuất.
Nhưng khi làm bất kỳ sản phẩm nào ở quy mô lớn và thời gian ngắn, đều sẽ có hàng loạt vấn đề phát sinh. Và chắc chắn công nhân lắp ráp điều hòa ô tô không thể ngay lập tức chuyển sang gia công máy thở.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận