Sản xuất co kéo trước “bão giá” nguyên, nhiên liệu
Chi phí tăng đè nặng lên doanh nghiệp
Giá nhập khẩu các mặt hàng chiến lược, thiết yếu (xăng dầu, khí đốt, lương thực) và nguyên vật liệu sản xuất (than, gỗ, phân bón, titan, nhôm…) tiếp tục tăng cao, một số mặt hàng chạm các mốc kỷ lục đã ảnh hưởng đến hoạt động của nhiều ngành sản xuất công nghiệp.
Số liệu từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho thấy, kim ngạch nhập khẩu các nhóm hàng năng lượng tăng cao, một phần do sản lượng nhập khẩu tăng, một phần do nguồn cung khan hiếm, nên giá đầu vào tăng mạnh. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu than đá tăng 109,8% so với cùng kỳ năm 2021; xăng dầu tăng 123,2%; dầu thô tăng 46,8%; khí đốt hóa lỏng tăng 65,2%...
Ngoài ra, kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng khác cũng tăng mạnh: lúa mỳ tăng 39,5% (chủ yếu do tăng giá); nguyên phụ liệu thuốc lá tăng 72,4%; hóa chất tăng 30,2%; phân bón tăng 48% (riêng urê tăng 107,9%); cao su các loại tăng 32,9%; máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 28,6%; phôi thép tăng 39%...
Ở trong nước, giá xăng dầu vượt 32.000 đồng/lít vào chiều 13/5, đánh dấu kỳ tăng giá thứ 6 liên tiếp trong 2 tháng qua, đẩy giá nhiều loại nguyên, nhiên liệu phục vụ sản xuất tăng phi mã, gây thêm sức ép cho doanh nghiệp.
Linh hoạt đưa ra các giải pháp để kéo giảm chi phí, nhưng khó khăn vẫn đè nặng lên doanh nghiệp, vì so với cùng kỳ năm 2021, giá nguyên liệu sản xuất đã tăng 10 - 20%.
Riêng mặt hàng xi măng trong 2 tháng qua đã có 2 đợt tăng giá bán, tổng mức tăng bình quân cả 2 đợt vào khoảng 150.000 - 230.000 đồng/tấn, tùy thương hiệu.
Ông Lê Trung Kiên, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Xi măng Vicem Hoàng Mai chia sẻ, than tăng giá mạnh, nhập than cũng không dễ, doanh nghiệp một mặt sử dụng các loại than cám phẩm cấp thấp nhằm hạ chi phí, đồng thời sửa chữa, cải tạo chiều sâu, xử lý nút thắt công đoạn lò nung clinker tại dây chuyền sản xuất nhằm giảm tiêu hao nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào.
Bộ Công thương đánh giá, sản xuất công nghiệp 5 tháng đầu năm 2022 tiếp tục được khôi phục ở hầu hết các ngành, nhu cầu và sản lượng sản xuất đều tăng, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đã hoạt động trở lại, các chuỗi cung ứng cơ bản thông suốt. Tuy nhiên, ở một số ngành sản xuất, tình trạng nguyên vật liệu khan hiếm, giá tăng cao đã kìm hãm gia tăng sản lượng sản xuất.
Báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 6/2022 của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam khuyến nghị, các cấp có thẩm quyền nên thận trọng với rủi ro lạm phát liên quan đến xu hướng giá nhiên liệu và hàng hóa nhập khẩu tiếp tục tăng.
Báo cáo cho biết, nền kinh tế tại Việt Nam tiếp tục duy trì đà phục hồi mạnh mẽ bất chấp tình trạng bất định toàn cầu gia tăng liên quan đến cuộc xung đột kéo dài tại Ukraine, giá hàng hóa thế giới tăng cao. Tuy nhiên, sản xuất máy móc, thiết bị giảm tốc, tốc độ tăng trưởng giảm từ 26,6% (so với cùng kỳ năm 2021) trong tháng 3 xuống còn 6,1% trong tháng 4 và chỉ đạt 3,7% trong tháng 5.
Theo WB, xu hướng chững lại này có thể liên quan đến gián đoạn chuỗi cung ứng và thiếu nguyên vật liệu đầu vào nhập khẩu do chính sách kiểm soát Covid-19 của Trung Quốc.
Số liệu của Bộ Công thương cũng chỉ rõ, 5 tháng đầu năm, sản phẩm sản xuất của một số ngành giảm: phân DAP giảm 33,7%; quặng Apatit giảm 19,8%; máy công cụ giảm 14,9%; điện thoại di động giảm 6,1%; ti vi giảm 18,2%.
Đảm bảo nguồn cung nhiên liệu không bị gián đoạn
Để đảm bảo nguồn cung nguyên, nhiên liệu cho các ngành sản xuất, thời gian qua, Bộ Công thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp trong ngành năng lượng theo dõi sát nguồn cung - cầu dầu thô, than nhập khẩu; đánh giá để có các phương án vận hành ổn định, hiệu quả, tối ưu công suất nhà máy; đảm bảo nguồn cung nhiên liệu không bị gián đoạn.
Cùng với đó, rà soát, đánh giá nhu cầu trong nước đối với các mặt hàng chiến lược như phân bón, xăng dầu, than... để có biện pháp điều hành phù hợp hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tận dụng được cơ hội về giá để xuất khẩu và đảm bảo nguồn cung đủ cho nhu cầu tiêu dùng, sản xuất trong nước, đặc biệt trong trường hợp giá cả nguyên vật liệu tăng quá cao.
Cuộc xung đột Nga - Ukraine càng khiến sức ép lạm phát gia tăng bởi nỗi lo thiếu nguồn cung năng lượng từ Nga và hoạt động sản xuất lương thực bị gián đoạn trong khi chuỗi cung ứng tiếp tục đối mặt các thách thức liên quan đến dịch bệnh...
Theo thống kê của Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS), hơn 50% nền kinh tế đang phát triển có tỷ lệ lạm phát thường niên trên 7%; khoảng 60% nền kinh tế phát triển có tỷ lệ lạm phát thường niên cao hơn 5% (là tỷ lệ cao nhất kể từ thập niên 1980). Lạm phát ở một số nước châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Philippines, Thái Lan, Hàn Quốc... gần đây tăng mạnh hơn dự báo.
Nguồn: Sưu tầm
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận