Sàn thương mại lúng túng với việc nộp thuế thay
Các sàn thương mại điện tử muốn có cơ chế khuyến khích thực hiện việc khai, nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh online
Kê khai, nộp thuế thay đối tác
Thông tư số 40/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thuế giá trị gia tăng, thu nhập cá nhân và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh sẽ chính thức có hiệu lực kể từ 1/8/2021. Trong đó có quy định tổ chức là chủ sở hữu sàn thương mại điện tử có trách nhiệm kê khai thay, nộp thuế thay cho những cá nhân kinh doanh trên sàn; đồng thời phải cung cấp các thông tin liên quan đến hoạt động kinh doanh của cá nhân thông qua sàn theo yêu cầu của cơ quan thuế theo quy định của pháp luật như: họ tên; số định danh cá nhân hoặc chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu; mã số thuế; địa chỉ; email; số điện thoại liên lạc; hàng hoá, dịch vụ cung cấp; doanh thu kinh doanh; tài khoản ngân hàng của người bán…
Bà Nguyễn Thị Lan Anh - Vụ trưởng Vụ quản lý thuế DNNVV, hộ kinh doanh và cá nhân thuộc Tổng cục Thuế cho biết, việc cung cấp thông tin dữ liệu sẽ được thực hiện theo tháng. Thông tin các sàn thương mại cung cấp cho cơ quan thuế là những thông tin các sàn đã có sẵn và đã thực hiện theo quy định hiện hành về thương mại điện tử.
Tuy nhiên từ nay đến khi Thông tư 40 chính thức có hiệu lực chỉ còn hơn một tháng, các sàn thương mại điện tử phải hoàn thiện dữ liệu điện tử của đối tác cung cấp cho cơ quan thuế. Theo ông Nguyễn Ngọc Dũng - Trưởng văn phòng Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom) tại TP.HCM, yêu cầu bắt buộc các sàn thương mại điện tử cung cấp thông tin khách hàng cho cơ quan thuế trong vòng hơn 1 tháng là điều thiếu tính khả thi và sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Hiện nay số lượng giao dịch thương mại điện tử hàng ngày rất lớn, các sàn thương mại điện tử cũng chưa thể hoàn thiện được dữ liệu khách hàng của mình. Chưa kể các thông tin nhạy cảm như doanh thu kinh doanh, số tài khoản ngân hàng đều không dễ dàng kiểm tra và cung cấp cho cơ quan thuế.
Vecom cũng lo ngại những quy định về giao dịch thương mại điện tử trong Thông tư 40 sẽ vướng khi hướng dẫn thực hiện và không tạo được môi trường cho lĩnh vực này phát triển. Do các hướng dẫn trong thông tư không đồng nhất với các cuộc làm việc trước đó giữa cơ quan soạn thảo quy định với các doanh nghiệp. Đặc biệt, lo ngại hơn khi Nghị định 52/2013/NĐ-CP quy định về thương mại điện tử không có quy định bắt buộc các sàn bán lẻ trực tuyến phải kê khai thay, nộp thuế thay cho người bán.
Trước đó, vào giữa tháng 6/2021, Tổng cục Thuế đã làm việc với Vecom và Lazada, Sendo, Shopee, Tiki, Viettel Post và Vietnam Post về các nội dung liên quan. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp đều cho rằng, yêu cầu của ngành thuế đối với việc khai báo thông tin khách hàng chậm nhất trước ngày 1/8 là quá ngắn, không đủ thời gian để các sàn chuẩn bị hệ thống thu thập và hoàn thiện dữ liệu.
Doanh nghiệp lúng túng
Thế nhưng điều mà các sàn thương mại điện tử băn khoăn nhất là quy định về nộp thuế thay cho đối tác. Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền - Phó tổng giám đốc Ernst & Young Việt Nam cho rằng, từ trước đến nay chưa từng có quy định về việc kê khai và nộp thuế thay. Thông thường cá nhân kinh doanh sẽ tự khai và nộp thuế tại địa phương nơi đặt địa điểm kinh doanh. Trong khi đó các sàn thương mại điện tử có trụ sở ở địa phương khác, vì thế việc khai nộp sẽ rất khó khăn, thậm chí mâu thuẫn với những quy định hiện hành của Luật Quản lý Thuế.
Trong khi đó, các trang thương mại điện tử như chotot.vn, batdongsan.com.vn... cũng cho biết, họ không phải đơn vị “trả thu nhập”, doanh nghiệp cung cấp hạ tầng công nghệ để kết nối người bán với người mua, những đơn vị này sẽ không phải kê khai, khấu trừ thuế thu nhập của người bán. Trong khi nếu áp dụng theo những quy định mới các tài khoản mạng xã hội (kể cả của các nhà cung cấp nước ngoài) cũng đều phải kê khai và nộp thuế thay cho các cá nhân kinh doanh, rất khó thực hiện vì không thể kiểm chứng được thông tin doanh thu.
Theo Vecom việc bắt buộc các sàn thương mại điện tử phải kê khai và nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh trên sàn sẽ khiến các sàn phải khấu trừ thuế từ toàn bộ doanh thu của cá nhân. Điều này dẫn tới bất bình đẳng giữa các đối tượng là cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại và cá nhân kinh doanh theo hình thức truyền thống cũng như các hình thức trực tuyến khác. Từ đó, “sẽ tạo rào cản đối với sự tiếp cận thương mại điện tử đối với cá nhân kinh doanh, hộ gia đình kinh doanh nhỏ. Việc này cũng đi ngược lại chủ trương khuyến khích phát triển thương mại điện tử và kinh tế số của Chính phủ”, ông Nguyễn Ngọc Dũng nói.
Để đảm bảo tính công bằng và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, Vecom cho rằng, Tổng cục Thuế cần đưa ra một lộ trình phù hợp để áp dụng một số quy định mới và cần xây dựng mã ngành đối với thương mại điện tử. Đồng thời, ban hành thêm những quy định để quản lý chặt các cá nhân bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội như: Google, Facebook, Youtube, TikTok… nhằm đảm bảo công bằng giữa các sàn thương mại điện tử.
Về lâu dài ngành thuế cũng cần nghiên cứu các cơ chế khuyến khích động viên và hỗ trợ tài chính cho các sàn thương mại điện tử đã thực hiện tốt việc khai, nộp thuế thay cho khách hàng. Đồng thời nghiên cứu hạ các mức thuế suất phù hợp với thực tiễn thu nhập của cá nhân, hộ gia đình buôn bán trên các sàn thương mại điện tử. Từ đó duy trì tăng trưởng của thị trường thương mại điện tử và mở rộng nguồn thu ngân sách từ buôn bán trực tuyến.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận