Sàn thương mại điện tử Việt “lép vế”, cần ứng phó thế nào?
Các sàn thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam đang bị “lép vế” trước các đối thủ ngoại.
Theo nhiều chuyên gia, dù còn gặp nhiều khó khăn, các sàn TMĐT Việt Nam vẫn có thể lật ngược tình thế nếu có chiến lược đúng đắn.
Nỗi lo mất thị phần
Mặc dù nhu cầu hàng tiêu dùng cao, nhưng các nhà sản xuất Việt Nam lại hoàn toàn “lép vế” so với hàng hóa Trung Quốc. Không khó để nhận ra các mặt hàng lưu thông trên các sàn TMĐT trong nước đều gắn mác OEM – nhà sản xuất thiết bị gốc - thực chất là hàng hóa Trung Quốc được nhập khẩu theo đường tiểu ngạch.
“Hàng hóa Trung Quốc còn có nhiều ưu thế, như giá rẻ, mẫu mã đẹp, cộng thêm chi phí giao hàng thấp, thời gian nhanh chóng khiến người tiêu dùng Việt Nam khó có lựa chọn nào tốt hơn”, ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Công ty 4Tech chuyên về giải pháp vận hành sàn TMĐT, thừa nhận.
Sâu xa hơn còn là sự áp đảo của các nền tảng TMĐT nước ngoài tại thị trường TMĐT Việt Nam. Khoảng 72% thị phần TMĐT Việt Nam đang nằm trong tay Shopee – một công ty có trụ sở tại Singapore trực thuộc SEA Group. Thế nhưng, cổ đông lớn nhất của tập đoàn này lại là tập đoàn Tencent (Trung Quốc). Hai cái tên lớn khác cũng có các tập đoàn Trung Quốc đứng sau là Lazada (với Alibaba là cổ đông lớn nhất) và TikTok Shop (thuộc ByteDance).
“Trong 3 năm tới, thị phần của Shopee khó có thể bị đe dọa bởi bất cứ cái tên nào khác. Nhờ nền tảng vững chắc của Shopee mà mỗi động thái của họ giờ đây còn mang tính dẫn dắt thị trường”, ông Thành phân tích và nhấn mạnh, các nền tảng Việt, như Tiki hay Sendo đang bị áp đảo trong thị trường đầy tiềm năng này.
Tiki hay Sendo đang bị áp đảo trên thị trường thương mại điện tử Việt Nam.
Cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn trong tương lai khi nhiều doanh nghiệp TMĐT nước ngoài khác cũng đang có kế hoạch tham gia thị trường TMĐT Việt Nam.
Cần giải pháp ứng phó
Theo nhiều chuyên gia, nâng cao năng lực logistics là một trong những “chìa khóa” giúp ngành TMĐT Việt Nam có những đột phá trong tương lai. ““Hàng hóa Việt Nam nếu so về chất lượng không thua kém gì với Trung Quốc, thậm chí một số loại hàng hóa còn có phần vượt trội. Nhưng chúng ta thua kém họ ở khâu logistics, có khi chúng ta đi sau họ hàng chục năm”, ông Thành cho biết.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), dù các doanh nghiệp logistics Việt Nam đông đảo về số lượng (89%) nhưng chỉ chiếm 30% thị phần. Những điểm yếu cố hữu của ngành này, theo các chuyên gia, vẫn là quy mô nhỏ, thiếu kinh nghiệm trong quản lý và thiếu liên kết giữa các khâu trong chuỗi cung ứng.
Cũng bởi vậy, nhiều mặt hàng có sức tiêu thụ cao như nông sản, thực phẩm của Việt Nam có nhu cầu rất lớn nhưng khó đến tay người tiêu dùng trong nước, làm giảm bớt cơ hội kinh doanh và sức hút kinh doanh trên sàn TMĐT đối với nhà sản xuất.
Trong khi đó, các doanh nghiệp nước ngoài với nguồn lực mạnh mẽ không ngừng đầu tư vào kho bãi và các trạm trung chuyển hàng hóa, tạo ra một mạng lưới vận chuyển chuyên nghiệp và nhanh chóng. “Đó là cơ sở để các nhãn hàng Trung Quốc có thể đưa ra những sản phẩm có phí vận chuyển 0 đồng và đến tay người tiêu dùng Việt Nam trong 2-3 ngày”, ông Thành chia sẻ.
Theo dự báo của CBRE, với quy mô ngành TMĐT đạt hơn 30 tỷ USD vào năm 2025, Việt Nam sẽ cần hơn 2 triệu m2 kho bãi. Tuy nhiên, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp logistics thừa nhận cơ sở hạ tầng hiện nay vẫn chưa hoàn thiện, đồng bộ, đặc biệt hệ thống kho bãi còn phân tán, thiếu tính kết nối; tốc độ xử lý đơn hàng chậm và tốn nhiều chi phí.
Do đó, các doanh nghiệp trong ngành cần nhanh chóng ứng dụng công nghệ tự động hóa để xây dựng các nhà kho “thông minh” hoặc số hóa quy trình quản lý đơn hàng để tăng năng suất.
Trên thực tế, việc đầu tư cơ sở hạ tầng logistics cần phải càng nhanh càng tốt khi công nghệ luôn đi trước cơ sở vật lý rất nhiều. Điều này cho thấy sự hỗ trợ của Nhà nước là vô cùng cần thiết. “Chính sách hỗ trợ từ chính phủ Trung Quốc là một trong các yếu tố tiên quyết giúp các thương nhân nước này dễ dàng thâm nhập thị trường toàn cầu. Các chính sách này bao gồm các ưu đãi về thuế, phí cho doanh nghiệp, cũng như tạo ra những hợp tác phi thuế quan có lợi cho hàng hóa của họ”, ông Thành nhận định.
Bên cạnh đó, xây dựng ngành dịch vụ phụ trợ cho TMĐT cũng là một giải pháp khác cần được đẩy mạnh. Trung Quốc rất mạnh ở mảng truyền thông và hình ảnh sản phẩm, được cho là yếu tố quan trọng góp phần thu hút khách Việt. Chưa kể tới dịch vụ cho thuê MC, KOL, KOC cho dịch vụ livestreaming bán hàng cũng đã được chuyên nghiệp hóa.
Do đó, ông Thành cho rằng Việt Nam nên chú trọng hơn vào việc xây dựng các chương trình đào tạo “thực chiến” về TMĐT cho các doanh nghiệp, qua đó sẽ cung cấp các kiến thức thực tế giúp cải thiện năng lực cạnh tranh với các doanh nghiệp Trung Quốc.
Ngoài ra, cuộc đua TMĐT “đốt tiền” rất lớn, để lấy được 1% thị phần cần chi ít nhất 6 triệu USD mỗi năm, tạo sức ép lớn cho các startups Việt Nam đang phải gọi từng vòng vốn để hoạt động, trong khi sàn ngoại được hậu thuẫn rất lớn về nguồn vốn từ các tập đoàn mẹ. Đây là điều mà Chính phủ cần có chính sách ưu đãi vốn cho các startups TMĐT.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận