menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Tiến Hoàng

Sàn thương mại điện tử là sân chơi mới đầy khó khăn với nông sản

Nông sản Việt chinh phục được thách thức này sẽ bước sang một trang mới.

Vải thiều bán trên các sàn thương mại điện tử đang được đón nhận tích cực từ phía người tiêu dùng, song để tăng sản lượng vải thiều cũng như nông sản nói chung phân phối trên các "chợ mạng" là không hề dễ, đặc biệt là trong bối cảnh dịch COVID-19. Đó là những "nút thắt" về chất lượng, mẫu mã, quá trình vận chuyển sản phẩm... làm sao vừa nhanh nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, hương vị.

Trong bối cảnh hiện nay, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhận định, tiêu thụ trái vải ở trong nước là quan trọng nhất, nhằm khai thác tiềm năng của thị trường gần 100 triệu dân. Nếu như những năm trước, tiêu thụ vải thiều tại thị trường trong nước chỉ chiếm 50% thì năm nay phải đẩy lên gấp rưỡi.

“Nhiều người dân Việt Nam, nhất là từ miền Trung đổ vào không dễ gì được sử dụng trái vải thiều miền Bắc. Tuy nhiên, thực tế trong thời gian qua, các địa phương cũng đã quan tâm nhưng vẫn chưa đúng mức. Do đó, mục tiêu của chúng ta là đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường trong nước. Đây cũng là cơ hội để tìm ra giải pháp tối ưu, quan tâm chăm lo thị trường và đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng trong nước”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Trong đó, Bộ Công Thương xác định việc đẩy mạnh quảng bá thương hiệu, bán nông sản qua kênh online là rất quan trọng.

Chị Minh Hà (người tiêu dùng tại quận 4, TP.HCM) chia sẻ, vừa đặt combo 3kg vải thiều trên một sàn thương mại điện tử. "Tính ra cả phí vận chuyển về tận nhà, giá chưa tới 50.000 đồng/kg. Sau khi thưởng thức, tôi thấy vị ngọt đều, quả mọng nước, không khác gì mua tươi tận vườn. Điều quan trọng là giá khá rẻ so với với ngoài chợ bán 70.000 đồng/kg", chị Hà nói.

Ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, theo số liệu cập nhật đến ngày 25/5, sàn thương mại điện tử Lazada đã tiêu thụ hơn 3 tấn vải, Sendo (sau 1 ngày chạy chương trình) đã tiêu thụ hơn 6 tấn vải thiều... Đây là con số không nhiều nhưng lại là tín hiệu cho thấy tiềm năng, cơ hội của vải thiều cũng như nông sản Việt Nam trên kênh phân phối online.

Tiềm năng là rất lớn, tuy nhiên đại diện Cục Xúc tiến thương mại cũng cho rằng đang còn rất nhiều rào cản, thách thức để đưa thêm nhiều mặt hàng nông sản tươi lên sàn TMĐT. Theo đó, sản phẩm nông sản tươi có đặc thù là dễ hỏng, vì vậy muốn sản phẩm tiêu thụ được thì phải đảm bảo khi được giao tới tay người tiêu dùng vẫn tươi ngon, đạt yêu cầu về chất lượng.

Ngoài chất lượng, hương vị phải thơm ngon, kích cỡ đồng đều, đi kèm giấy kiểm tra và chứng nhận nguồn gốc xuất xứ từ cơ quan chức năng, từ đó mới giúp người tiêu dùng tin tưởng đặt mua. Để đảm bảo chất lượng, nhà sản xuất gồm HTX, hộ nông dân, đơn vị tham gia chuỗi cung ứng cần hiểu, cam kết sản xuất đúng yêu cầu chất lượng và tiêu chuẩn sản phẩm.

Tuy nhiên, ông Chiến nhìn nhận, những vấn đề này cũng đang là thách thức với chính các HTX, hộ sản xuất, bà con nông dân khi chưa có kinh nghiệm kinh doanh qua môi trường điện tử. Trong khi đó, muốn bán hàng qua sàn thương mại điện tử thì yêu cầu đầu tiên là hộ sản xuất, HTX phải kiên định mục tiêu mà mình theo đuổi về chất lượng, mẫu mã, nâng cao trình độ sử dụng công nghệ với khách hàng online.

Theo bà Vũ Thị Minh Tú, Giám đốc Đối ngoại Lazada Việt Nam, dù xuất khẩu hay tiêu thụ nội địa, chuỗi cung ứng nông sản cần được tổ chức bài bản thì mới mong phát triển thị trường bền vững, không phải giải cứu. Vấn đề cần làm trong thời gian tới là hỗ trợ nông dân, HTX tiếp cận thị trường tốt hơn. Làm thế nào tổ chức chuỗi cung ứng nông sản từ nông trại tới bàn ăn, với nông sản tươi sống như vải thiều thì việc chuyển đổi số còn nhiều thách thức cần sự chung tay của các bên.

Thách thức nổi bật, về phía nhà bán hàng như người nông dân, HTX là khả năng tiếp cận, mức độ hiểu biết nắm bắt công nghệ còn hạn chế, khó khăn giới thiệu sản phẩm tới người dùng online. "Thời gian qua, các công việc như đóng gói sản phẩm sao cho đúng chuẩn, chụp ảnh làm sao để hấp dẫn đều được chúng tôi "cầm tay chỉ việc" cho nông dân, HTX. Nếu chúng ta làm tốt điều này thì khách hàng mới quay trở lại lần sau", bà Tú chia sẻ.

Mặt khác để đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử thì kênh phân phối cần đảm bảo năng lực kho bãi, hệ thống bảo quản lạnh, đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, thời gian giao hàng tới khách hàng. Từ đó, giảm thiểu rủi ro, khiếu nại của khách hàng, bởi chuyện giải quyết các khúc mắc từ phía người tiêu dùng sẽ rất khó khăn, phức tạp, tốn kém.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại