Sàn thương mại điện tử “đứng ngồi không yên” vì Thông tư 40
Sàn thương mại điện tử (TMĐT) khai và nộp thuế thay cho người kinh doanh là một trong những nội dung thu hút sự chú ý, quan tâm của dư luận sau khi Thông tư 40/2021/TT-BTC chính thức được ban hành.
Thông tư 40/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được ban hành ngày 1/6/2021. Thông tư có một số quy định tới việc các sàn thương mại điện tử phải khai và nộp thuế thay các cá nhân kinh doanh trên sàn cũng như cung cấp nhiều thông tin tới cơ quan quản lý thuế.
Cụ thể, điều 8, khoản 1, điểm đ Thông tư này quy định: "Tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử thực hiện việc khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân theo lộ trình của cơ quan thuế".
Thông tư ngay khi được ban hành đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều bởi dù có thể tạo thuận lợi cho các cơ quan quản lý thuế nhưng được cho là sẽ “gây khó” cho các sàn TMĐT. Nhiều người cho rằng, Thông tư cần được xem xét kỹ lưỡng và có thể cần được điều chỉnh phù hợp với thực tế.
Gây áp lực cho các sàn TMĐT
Căn cứ pháp lý của Thông tư là một trong những vấn đề gây nhiều tranh cãi khi Luật thuế thu nhập cá nhân quy định các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tự kê khai, khấu trừ, nộp thuế. Luật quản lý thuế cũng quy định cá nhân kinh doanh phải tự kê khai và nộp thuế tại nơi họ đặt địa điểm kinh doanh.
Về bản chất, một sàn TMĐT không phải là một đơn vị trả thu nhập. Đây thực ra là một cái chợ công nghệ do doanh nghiệp sở hữu cung cấp để bên bán và bên mua kết nối với nhau, thực hiện được giao dịch tiện lợi với chi phí thấp nhất.
Ngoài ra, hiện pháp luật quy định cá nhân kinh doanh có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm thì được miễn thuế nhưng để các sàn TMĐT biết được chính xác doanh thu, thu nhập thực tế của người bán thì không khác gì “nhiệm vụ bất khả thi”. Sàn TMĐT sẽ phát sinh thêm chi phí và phải bổ sung nguồn lực lớn nếu thực hiện quy định này.
Chưa nói đến thời gian có hiệu lực là ngày 1/8/2021, chỉ trong vòng hai tháng sau khi ban hành, được cho là quá ngắn và gấp gáp để các sàn sắp xếp về công nghệ, bố trí thêm nhân lực thực hiện yêu cầu của cơ quan thuế. Bên cạnh đó, với các doanh nghiệp công nghệ xuyên quốc gia đang sở hữu các sàn TMĐT, việc điều chỉnh hệ thống hạ tầng để đáp ứng quy định riêng như Việt Nam là không hề đơn giản.
Luật quản lý thuế quy định cá nhân kinh doanh phải kê khai và nộp thuế tại nơi họ đặt địa điểm kinh doanh, trong khi các doanh nghiệp sàn phải khai tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, liệu có phù hợp với luật và có tạo chồng chéo?
Hàng loạt câu hỏi đặt ra mà doanh nghiệp không trả lời được. Điều mà doanh nghiệp biết chắc chắn là chi phí thực hiện quy định này sẽ cực kỳ lớn.
Gỡ “vướng” thế nào?
Để gỡ “vướng” cho các sàn TMĐT sau khi Thông tư số 40 được ban hành, mới đây Tổng cục Thuế đã phối hợp cùng Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức buổi họp online đầu tiên trao đổi về các quy định của Thông tư cũng như lắng nghe ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp chịu sự tác động của Thông tư này.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam đã lưu ý đây là lần đầu tiên Hiệp hội và các hội viên được tiếp cận tới Thông tư này. Lãnh đạo VECOM nhấn mạnh các nội dung kiến nghị trong công văn của VECOM gửi tới Bộ Tài chính ngày 7/6/2021. Các kiến nghị này xuất phát từ đóng góp của các sàn giao dịch TMĐT và các bên liên quan.
“Mong muốn của VECOM là đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên, vừa tuân thủ Luật quản lý thuế, vừa tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ sàn thương mại điện tử và đặc biệt là tính khả thi của các quy định pháp luật mới”, ông Dũng nhấn mạnh.
Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho rằng Thông tư 40/2021/TT-BTC có nhiều nội dung mới so với bản dự thảo đăng tải đầu tiên ngày 12/03/2021 nhưng Ban soạn thảo chưa tổ chức lấy ý kiến của các bên liên quan và các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp.
Do đó, một số quy định trong Thông tư chưa có tính khả thi cao và có thể gây ra nhiều tác động lớn đối với hoạt động kinh doanh của các sàn thương mại điện tử cũng như hàng trăm nghìn cá nhân kinh doanh trên sàn.
Cùng với kiến nghị của VECOM, đại diện các sàn giao dịch TMĐT cũng mong muốn được giải đáp thắc mắc về nội dung qui định cũng như nghĩa vụ của các sàn, bao gồm chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử phải khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh.
Theo đại diện các sàn TMĐT, sàn giao dịch thương mại điện tử không phải là đơn vị “trả thu nhập” mà chỉ cung cấp hạ tầng công nghệ để kết nối người bán và người mua, giúp họ thực hiện giao dịch. Vì vậy không thuộc đối tượng có nghĩa vụ kê khai, khấu trừ thuế thu nhập của người bán theo quy định tại khoản 1, Điều 24 của Luật Thuế thu nhập cá nhân.
Trong các trách nhiệm của sàn TMĐT theo quy định tại Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử, không có trách nhiệm phải kê khai thay, nộp thuế thay cho người bán. Nghị định 52 cũng nêu rõ người bán trên sàn giao dịch TMĐT có trách nhiệm “thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật”.
Một trong những nội dung trong dự thảo Nghị định sửa đổi thay thế Nghị định 52 coi các mạng xã hội cung cấp dịch vụ bán hàng là sàn TMĐT, như vậy nếu theo Thông tư 40/2021/TT-BTC các mạng xã hội kể cả của các nhà cung cấp nước ngoài cũng phải kê khai và nộp thuế thay cho các cá nhân kinh doanh.
Lộ trình dự kiến triển khai áp dụng các yêu cầu với các sàn TMĐT, theo Thông tư 40/2021/TT-BTC sẽ có hiệu lực từ ngày 01/08/2021, đây là khoảng thời gian quá ngắn để các sàn có thể kịp chuẩn bị hệ thống cho việc thu thập dữ liệu và báo cáo theo yêu cầu của cơ quan thuế. Đại diện các sàn rất mong muốn cơ quan thuế cần làm rõ các yêu cầu cụ thể và lộ trình áp dụng, đồng thời trao đổi cụ thể với các sàn để nắm được các khó khăn mà các sàn sẽ gặp phải trong thực tế. Trong trường hợp cần thiết, lộ trình áp dụng cần được cân nhắc thay đổi để đảm bảo các sàn có đầy đủ thông tin và hệ thống để triển khai đồng bộ, nhất quán.
Chung quan điểm với một số khó khăn mà các sàn gặp phải khi áp dụng quy định này, đại diện một số sàn cũng chỉ ra một số khó khăn khác như trường hợp các sàn TMĐT không tham gia trực tiếp vào giao dịch mua bán. Có một số sàn không tham gia trực tiếp vào giao dịch giữa người mua và người bán (ví dụ: Chotot.vn, Batdongsan.com.vn, v.v…). Các sàn này chỉ đóng vai trò là nơi để người tham gia đăng tin mua bán hàng hóa và dịch vụ. Do vậy, các sàn này không thể kiểm soát cũng như không có thông tin về doanh thu, tài khoản 3 ngân hàng, căn cước công dân, mã số thuế, địa chỉ người bán.
Để phù hợp với thực tiễn, cơ quan thuế nên cân nhắc chỉ áp dụng yêu cầu cung cấp thông tin và khai thuế, nộp thuế thay đối với các sàn có thực hiện chức năng là trung gian thanh toán giữa người mua và người bán.
Tiếp thu ý kiến đóng góp của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, các sàn giao dịch TMĐT và các bên tham gia, lãnh đạo Tổng cục Thuế ghi nhận và giao Vụ DNNCN và các bộ phận liên quan rà soát lộ trình triển khai dự kiến, lên kế hoạch hỗ trợ triển khai thử nghiệm tại một số sàn TMĐT cũng như lấy ý kiến đóng góp của các bộ ngành liên quan, nếu cần thiết có thể điều chỉnh cho phù hợp.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận