Săn “sóng” chuyển sàn
Những mã cổ phiếu có “game” chuyển sàn luôn được nhà đầu tư săn đón, mặc dù không phải mã nào cũng đem lại lợi nhuận.
Sức hấp dẫn của “tân binh”
Ngày 10/2/2021, 1,12 tỷ cổ phiếu PGV của Tổng công ty Phát điện 3 - CTCP từ thị trường giao dịch cổ phiếu chưa niêm yết (UPCoM) được chuyển sang niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) với giá tham chiếu 39.480 đồng/cổ phiếu. Ngay trong ngày đầu “về nhà mới”, giá PGV tăng 6,33%, đạt 42.000 đồng/cổ phiếu.
Hiện tượng cổ phiếu tăng giá sau khi chuyển sàn gần như đã trở thành quy luật nên thường được nhà đầu tư canh mua trên sàn cũ ngay khi có thông tin rò rỉ đầu tiên.
Chẳng hạn, từ cuối tháng 7/2021, biết tin Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (mã chứng khoán HHV) sẽ chuyển từ UPCoM sang HOSE, nhà đầu tư Nguyễn Thành Nam (Hà Nội) đã mua cổ phiếu HHV khi đó có giá hơn 17.000 đồng/cổ phiếu và quyết định nắm giữ cho tới khi lên sàn mới. Thực tế, anh Nam lãi lớn khi HHV chào sàn HOSE ngày 20/1/2022 với giá tham chiếu 25.660 đồng/cổ phiếu và có giá đóng cửa cao hơn giá tham chiếu.
Cổ phiếu CTR của Tổng công ty cổ phần Công trình Viettel cũng mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư khi liên tiếp tăng giá trong thời gian trước khi chuyển sàn từ UPCoM lên HOSE ngày 23/2/2022.
Nhìn lại những cổ phiếu chuyển sàn cho thấy, nhiều mã không chỉ khuấy động sàn giao dịch ngay sau khi có thông tin, mà giá còn tiếp tục có diễn biến tăng sau đó.
Nhà đầu tư Lan Anh (Hà Nội) nhận xét, “lướt sóng cổ phiếu chuyển sàn đã trở thành gu của nhiều người”.
Lưu ý rủi ro đảo chiều
Theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, cổ phiếu chuyển sang sàn giao dịch có tiêu chí cao hơn cho thấy bước phát triển mới của doanh nghiệp. Việc này giúp doanh nghiệp gia tăng giá trị thương hiệu, có cơ hội tiếp cận nhà đầu tư hơn để tăng vốn và tăng thanh khoản cho cổ phiếu.
Đặc biệt, nhiều nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư nước ngoài chỉ giao dịch cổ phiếu niêm yết, nên doanh nghiệp trên UPCoM muốn tiếp cận nhà đầu tư loại này buộc phải “nâng cấp” nơi giao dịch.
Giao dịch trên UPCoM với mã chứng khoán HHV đã đảm bảo điều kiện huy động vốn để đầu tư và phát triển dự án. Nhưng với việc chuyển lên niêm yết trên HOSE, chúng tôi kỳ vọng, cổ phiếu sẽ tăng thanh khoản và tạo thuận lợi trong thu hút vốn đầu tư. Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả
Với nhà đầu tư, ông Minh nhìn nhận, gu đầu tư cổ phiếu chuyển sàn khá phổ biến, nhưng thường trong ngắn hạn. Nhà đầu tư kỳ vọng giá cổ phiếu sẽ tăng nhanh sau khi “về nhà mới”.
Điều này là có cơ sở, vì cổ phiếu được chuyển từ UPCoM lên HOSE hay HNX cho thấy hình ảnh của cổ phiếu được đánh giá tốt hơn và thời điểm chuyển sàn thì lợi nhuận doanh nghiệp thường khả quan.
Tuy nhiên, đà tăng giá của những cổ phiếu đó hầu hết chỉ diễn ra trong thời gian ngắn. Để tìm được những mã tăng giá bền vững trong dài hạn, nhà đầu tư cần lưu ý câu chuyện riêng của từng doanh nghiệp, trong đó đặc biệt chú ý đến mục đích chuyển sàn.
Ví dụ, doanh nghiệp ở UPCoM tiến hành cơ cấu lại tình hình tài chính song song với kế hoạch niêm yết trên HOSE với mục đích huy động vốn cho nhà đầu tư chiến lược để mở rộng sản xuất - kinh doanh, hoặc triển khai dự án mới, thì giá cổ phiếu có thể tăng kéo dài cho đến khi chốt được giá chào bán cho nhà đầu tư chiến lược. Thậm chí, giá cổ phiếu có xu hướng tăng dài hạn nếu doanh nghiệp sử dụng tốt nguồn vốn huy động thêm.
Đối với những doanh nghiệp chuyển sàn nhưng không có kế hoạch phát triển cụ thể thì sau khi tăng nóng, cổ phiếu dễ đảo chiều, nhà đầu tư không thoát hàng kịp sẽ đối diện với nguy cơ thua lỗ.
Trường hợp cổ phiếu GVR của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, hay cổ phiếu ABS của Công ty cổ phần Nông nghiệp Bình Thuận trong năm 2020 là những ví dụ điển hình.
Cụ thể, 4 tỷ cổ phiếu GVR rời UPCoM lên HOSE với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 11.570 đồng/cổ phiếu. Dù thanh khoản ở sàn mới tăng mạnh, nhưng giá cổ phiếu lại nhiều lần về dưới mệnh giá và duy trì ở mức thấp trong nhiều tháng.
Trong khi đó, cổ phiếu ABS chào sàn với giá tham chiếu 10.800 đồng/cổ phiếu, sau đó có 16 phiên tăng trần liên tiếp lên 28.160 đồng/cổ phiếu, nhưng nhanh chóng giảm sâu 15 phiên, trong đó có 13 phiên giảm sàn, xuống vùng 12.000 đồng/cổ phiếu.
“Khi lướt sóng các cổ phiếu chuyển sàn, nhà đầu tư phải chấp nhận rủi ro giá đổi chiều. Tuy nhiên, nếu thị trường tốt, việc săn tìm cổ phiếu chuyển sàn tốt rồi nắm giữ dài hạn sẽ mang lại lợi nhuận bền vững”, chuyên gia phân tích của Chứng khoán Yuanta nói.
Lọc tìm cơ hội
Theo Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), các cổ phiếu từ UPCoM và HNX chuyển sang HOSE thường có mức định giá cao hơn trước, do thanh khoản được cải thiện và pháp luật yêu cầu cao hơn về công bố thông tin. Làn sóng chuyển sàn giúp đánh giá lại giá trị cổ phiếu và là dịp tốt để nhà đầu tư lọc tìm cơ hội giải ngân mới.
Trong hai tuần đầu năm 2022, HOSE có 7 mã chứng khoán mới lên niêm yết là chứng chỉ quỹ ETF KIM Growth VN30, cổ phiếu VAT của Công ty cổ phần VT Vạn Xuân, cổ phiếu BIG của Big Invest Group, cổ phiếu ODE của Tập đoàn Truyền thông và Giải trí ODE, cổ phiếu GMH của Công ty cổ phần Minh Hưng Quảng Trị, cổ phiếu EVF của Công ty Tài chính Điện lực (EVN Finance), cổ phiếu HMR của Công ty cổ phần Đá Hoàng Mai.
Trong đó, trước khi lên HOSE, mã EVF từng rất “nóng” trên UPCoM, nhất là khi doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng cao. Năm 2021, EVN Finance lãi sau thuế 330 tỷ đồng, tăng 44% so với năm 2020.
Ngày 23/2/2022, cổ phiếu CTR chào sàn HOSE với giá tham chiếu 85.400 đồng/cổ phiếu, tính đến cuối tuần qua (25/2) tăng lên 89.600 đồng/cổ phiếu.
Được biết, lợi nhuận của doanh nghiệp tăng trưởng liên tục từ năm 2016 đến nay. Trong 11 tháng đầu năm 2021, doanh nghiệp đạt doanh thu 6.780 tỷ đồng, vượt 3% kế hoạch năm; lợi nhuận trước thuế 406 tỷ đồng, vượt 16% kế hoạch năm và cao hơn 18% so với cả năm 2020.
Hiện 2 công ty chứng khoán có kế hoạch chuyển sàn từ UPCoM lên HOSE trong năm 2022 là Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (mã chứng khoán CSI) và Chứng khoán Thành Công (mã chứng khoán TCI).
Tương tự, một ngân hàng có kế hoạch chuyển sàn là Ngân hàng thương mại cổ phần Nam Á (NamABank, mã chứng khoán NAB). Năm 2021, lợi nhuận trước và sau thuế của NamABank đạt lần lượt 1.799 tỷ đồng và 1.434 tỷ đồng, vượt 28% kế hoạch và tăng 79% so với năm 2020.
Xa hơn, chuỗi cầm đồ F88 dự định niêm yết trên HOSE vào năm 2024, với mục tiêu giá trị vốn hoá đạt 1 tỷ USD.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận