'Sân sau' của giới nhà giàu Hà Nội
Tỉnh Hoà Bình đang nổi lên là lựa chọn hàng đầu đối với người Hà Nội muốn sở hữu ngôi nhà thứ hai.
Nếu như huyện Ba Vì và Sóc Sơn trước đây là điểm đến hấp dẫn nhất để xây ngôi nhà thứ hai thì giới nhà giàu Hà Nội thời gian gần đây ưa thích biệt thự và căn hộ nghỉ dưỡng biển. Tuy nhiên, một nhóm không nhỏ những người rủng rỉnh tiền bạc lại lựa chọn những tỉnh lân cận để xây nhà nghỉ dưỡng cuối tuần, trong đó Hoà Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc đang lọt vào tầm ngắm của nhà đầu tư.
Theo ông Nguyễn Thọ Tuyển, những nơi được giới nhà giàu lựa chọn xây ngôi nhà thứ hai thường có không khí trong lành; cảnh quan đẹp như có đồi núi, hồ, sông, suối; và đặc biệt có vị trí cách trung tâm thủ đô dưới 1,5 giờ lái xe ô tô.
Dựa trên những tiêu chí này, tỉnh Hoà Bình được ông Tuyển lựa chọn là điểm đến hàng đầu để phát triển bất động sản nghỉ dưỡng ven đô.
Về vị trí, Hoà Bình rất gần Hà Nội, chỉ mất 30 – 90 phút đi từ Trung tâm Hội nghị quốc gia qua Đại lộ Thăng Long là có thể tiếp cận được phần lớn với các huyện của tỉnh.
Ngoài ra, Hà Nội vừa công bố quy hoạch thành phố vệ tinh Hoà Lạc với định hướng trở thành một thành phố công nghệ hiện đại và trọng tâm là khu công nghệ cao Hoà Lạc. Với triển vọng trở thành “thung lũng Silicon của Việt Nam”, khu vực này sẽ thu hút hàng trăm nghìn chuyên gia và cán bộ trong – ngoài nước, kéo theo nhu cầu lưu trú dài dạn và nghỉ ngơi rất lớn.
Về cảnh quan, Hoà Bình có địa hình đồi núi phong phú, cảnh quan thiên nhiên đẹp với sông, suối, hồ, thác nước và nhiều khu rừng nguyên sinh. Đây được coi là tài sản bằng vàng mà hàng triệu năm thiên nhiên để lại. Với cảnh quan và địa hình đa dạng thì việc thiết kế các mô hình nghỉ dưỡng trở nên khả thi và đúng cấu trúc hơn.
Về văn hoá, phần lớn dân số Hoà Bình là người Mường với nhiều nét đẹp văn hoá nổi bật. Đây là một lực lượng có thể làm dịch vụ rất tốt và có bản sắc rất riêng.
Về thế và thời của Hoà Bình, tỉnh có hai thế mạnh chính là thuỷ điện và lâm nghiệp nhưng hiện tại, cả hai thế mạnh này đều không phải là mũi nhọn của tỉnh. Hoà Bình rất khó phát triển mạnh về công nghiệp do địa hình, hạ tầng giao thông và khả năng liên kết vùng. Các lãnh đạo của Hoà Bình đang rất tập trung theo hướng phát triển du lịch nghỉ dưỡng và nông nghiệp sạch. Đây được coi là một hướng đi đúng đắn và dài hạn.
Ông Tuyển cũng đánh giá đội ngũ cán bộ của tỉnh Hoà Bình là những người chân thật, yêu quê hương, cởi mở và đồng hành với doanh nghiệp. Đây là một điều rất đáng quý để các doanh nghiệp lớn có thể đặt nền móng và dồn tâm huyết, tiền bạc vào Hoà Bình.
Về giá cả, do Hoa Bình là tỉnh đi sau làn sóng phát triển bất động sản của các tỉnh nên hiện tại mặt bằng giá bất động sản còn rất thấp. Điều này khiến cả các chủ đầu tư và các nhà đầu tư đều hứng thú vì chắc chắn đầu tư vào Hoà Bình sẽ có biên lợi nhuận cao.
Trên thực tế, đã có khá nhiều người Hà Nội mua những khu đất lớn ở các huyện Lương Sơn và Kỳ Sơn của tỉnh Hoà Bình từ nhiều năm trước để làm trang trại nghỉ ngơi cuối tuần. Tuy nhiên, cũng giống như Ba Vì và Sóc Sơn của Hà Nội, phong trào mua trang trại nghỉ ngơi dần lụi tàn do phải thuê người chăm sóc và những người thích xu hướng này cũng ít đi. Thay vào đó, hiện nay xuất hiện xu hướng các nhà đầu tư cùng mua đất riêng lẻ ở một khu vực và thuê một công ty xây dựng theo mẫu chung, hình thành nên các “xóm Hà Nội” ở Hoà Bình.
Xu hướng thứ hai đã bắt đầu manh nha là sự xuất hiện của những khu đô thị du lịch được quy hoạch đồng bộ, chuyên nghiệp, có đầy đủ tiện ích phục vụ du lịch. Điển hình là dự án Ivory Lâm Sơn ở huyện Kỳ Sơn hay Legacy Hill ở huyện Lương Sơn.
Bên cạnh Lương Sơn và Kỳ Sơn, hồ Hoà Bình cũng đang đứng trước cơ hội trở thành điểm đến nghỉ dưỡng cao cấp cho người Hà Nội và người dân ở vùng núi trung du Bắc Bộ. Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển khu du lịch quốc gia hồ Hoà Bình với mục tiêu đón 1,6 triệu lượt khách, mang lại doanh thu 1.800 tỷ đồng vào năm 2030.
Sau khi quy hoạch được duyệt, khu du lịch quốc gia hồ Hoà Bình đã thu hút được nhiều doanh nghiệp đến khảo sát cơ hội đầu tư. Cho đến nay, đã có hơn chục dự án du lịch với tổng vốn khoảng 3.300 tỷ đồng đăng ký đầu tư vào khu vực này.
Hiện nay, tỉnh Hoà Bình đang đầu tư 746 tỷ đồng để nâng cấp tỉnh lộ 435 dài hơn 21km từ xã Bình Thanh, huyện Cao Phong chạy dọc ven hồ Hoà Bình đến địa phận xã Ngòi Hoa, huyện Tân Lạc. Trước động thái này, một số nhà đầu tư đã tự tin triển khai dự án du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao ven hồ Hoà Bình.
Trong đó, tại khu vực xã Bình Thanh, Công ty CP Beru Group đang triển khai dự án khu du lịch nghỉ dưỡng Parahills trên diện tích 67.000m2. Tại đây, chủ đầu tư dự kiến sẽ xây dựng 135 căn biệt thự, hai khối khách sạn cùng hệ thống dịch vụ tiện ích được quản lý vận hành bởi một thương hiệu khách sạn toàn cầu.
“Có thể nói, Hoà Bình đang có “thiên thời, địa lợi, nhân hoà” để có thể phát triển bất động sản nghỉ dưỡng ven đô. Trong bối cảnh dịch bệnh thế này, Hoà Bình còn đóng vai trò là “nơi rút lui” của người Hà Nội”, ông Tuyển đánh giá.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận