Sản phẩm thép Việt Nam vào Mỹ vẫn có đường hưởng miễn trừ khai báo
Lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) đối với các sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam nay không phải là chuyện mới. Mỹ đã đưa nhiều sản phẩm nhập từ Việt Nam vào danh mục theo dõi để đảm bảo hiệu lực thực thi các biện pháp phòng vệ thương mại mà nước này và hàng từ Việt Nam càng cần phải thận trọng hơn.
Theo Cục phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), lẩn tránh biện pháp PVTM có thể hiểu là hành vi thay đổi nguồn gốc hàng hóa để được hưởng thuế suất thấp. Đối với Việt Nam, các vụ việc nước ngoài khởi xướng điều tra “lẩn tránh thuế” đối với hàng hóa xuất khẩu thường thuộc các trường hợp: (i) hàng hóa của nước đang bị áp dụng biện pháp PVTM được chuyển tải sang Việt Nam để lấy xuất xứ Việt Nam nhằm lẩn tránh thuế PVTM; (ii) hàng hóa lấy xuất xứ Việt Nam để hưởng thuế suất ưu đãi theo các hiệp định thương mại tự do (FTA) hoặc các quy định ưu đãi thuế quan (như GSP).
Các vụ điều tra chống lẩn tránh biện pháp PVTM đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam đang có xu hướng gia tăng. Tính đến tháng 12-2019 đã có 20 vụ điều tra chống lẩn tránh được khởi xướng đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam. Hầu hết các vụ đều đi đến kết luận là có tồn tại hành vi lẩn tránh và sau đó bị áp dụng biện pháp PVTM.
Trong số các vụ việc bị nước ngoài điều tra chống lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ, sản phẩm thép bị khởi kiện nhiều nhất với 6 vụ, chiếm tỷ lệ 30%. Hầu hết, các vụ việc điều tra lẩn tránh thuế với sản phẩm thép đều do Mỹ tiến hành, trong đó, riêng với sản phẩm thép chống ăn mòn (CORE) và thép cán nguội (CRS), Mỹ đã điều tra tổng cộng năm vụ việc.
Gần đây nhất, tháng 12-2019, Mỹ đã ban hành kết luận cuối cùng vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế với thép CORE, CRS với cáo buộc lẩn tránh biện pháp PVTM đang áp dụng với Hàn Quốc và Đài Loan-Trung Quốc. Trong tất cả các vụ việc nói trên, Mỹ đều kết luận thép CORE và CRS của Việt Nam được sản xuất từ nguyên liệu nhập khẩu từ các nước/vùng lãnh thổ là lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại Mỹ đang áp dụng do mức độ đầu tư; chuyển đổi trong quá trình sản xuất sản phẩm thép này tại Việt Nam là không đáng kể. Với kết luận tồn tại lẩn tránh thuế, Mỹ sẽ áp dụng mức thuế chống lẩn tránh tương đương với mức thuế đang áp dụng cho hàng hóa của Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan-Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ.
Cục phòng vệ thương mại dẫn quan điểm của Mỹ cho biết mục tiêu áp thuế chống lẩn tránh không phải là thép của Việt Nam mà để đảm bảo hiệu lực thực thi các biện pháp phòng vệ thương mại đang áp dụng. Sản phẩm thép CORE, CRS được sản xuất từ nguyên liệu của Việt Nam hoặc nguyên liệu nhập khẩu từ các nguồn khác (không phải từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan-Trung Quốc) sẽ được phép sử dụng cơ chế khai báo để hưởng miễn trừ áp dụng biện pháp chống lẩn tránh thuế. Do đó, trên thực tế, kết luận của các vụ việc chống lẩn tránh có thể sẽ không tác động đáng kể đến tình hình xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận