24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyễn Chung Chính
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Sàn giao dịch nợ xấu: Cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý

Điều quan trọng nhất đối với thị trường mua bán nợ tại Việt Nam đó là khuôn khổ pháp lý cho các chủ thể tham gia của thị trường.

Một lãnh đạo của Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) cho biết, NHNN Việt Nam đã ban hành văn bản số 2973/NHNN-TTGSNH chấp thuận chủ trương thành lập Sàn giao dịch nợ VAMC theo mô hình chi nhánh. Hiện nay, công ty này đang hoàn thiện những thủ tục cuối cùng để chính thức khai trương hoạt động Sàn giao dịch nợ trong thời gian tới.

Giới chuyên môn nhìn nhận việc đưa vào hoạt động Sàn giao dịch nợ VAMC là bước chuyển tiếp để phát triển thị trường mua bán nợ tập trung mà trong đó VAMC đóng vai trò là trung tâm.

Chia sẻ với phóng viên, TS. Đoàn Văn Thắng - Tổng giám đốc VAMC cho biết, dự kiến trong tháng 9/2021, Sàn giao dịch này đi vào hoạt động. Sau khi đi vào hoạt động, Sàn giao dịch nợ VAMC được dự báo sẽ thu hút sự quan tâm của các TCTD, các công ty mua bán nợ của các TCTD (AMC) và nhiều nhà đầu tư là tổ chức, cá nhân tham gia đăng ký thành viên, sử dụng dịch vụ và giao dịch trên sàn, qua đó hứa hẹn sẽ tạo lập một môi trường mua bán, xử lý nợ xấu sôi động, hiệu quả tại Việt Nam; từ đó góp phần xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu, thúc đẩy thị trường mua bán nợ phát triển.

Kỳ vọng trên có thể đạt được khi có rất nhiều hàng hóa đang được rao bán nhộn nhịp trên thị trường và tài sản khá đa dạng. BIDV là một trong những ngân hàng tích cực rao bán tài sản để thu hồi nợ. Chỉ trong tuần qua, ngân hàng này đã 7 lần thông báo bán đấu giá các khoản nợ và tài sản đảm bảo để thu hồi nợ với số dư hàng trăm tỷ đồng. Vietcombank đang phát mại tài sản bảo đảm của nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực dược, nhựa, may mặc, sản xuất nông nghiệp, xây dựng… Nhiều ngân hàng khác cũng đẩy mạnh rao bán ôtô trong bối cảnh dịch Covid-19, các ngành thương mại dịch vụ, du lịch, vận tải gặp khó khăn…

Song nếu chỉ có hàng hoá thì chưa đủ để thị trường mua bán nợ đi vào hoạt động. Điều quan trọng nhất đối với thị trường mua bán nợ tại Việt Nam đó là khuôn khổ pháp lý cho các chủ thể tham gia của thị trường. Chia sẻ cụ thể hơn về vấn đề này, lãnh đạo VAMC cho biết, hiện chính sách, khuôn khổ pháp lý điều chỉnh hoạt động của các chủ thể tham gia thị trường mua bán nợ vẫn chưa hoàn chỉnh, đồng bộ, mà nằm rải rác tại các văn bản khác nhau, bao gồm các nghị định, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư của các bộ, ngành. Do mỗi nhóm đối tượng lại có văn bản quy phạm pháp luật khác nhau điều chỉnh hoạt động mua bán nợ của nhóm đối tượng đó nên các quyền và nghĩa vụ của các nhóm đối tượng cũng có quy định khác nhau.

Vấn đề nữa là hệ thống thông tin về hàng hóa và các chủ thể tham gia còn thiếu, chưa được chuẩn hóa và chưa có một đơn vị làm đầu mối thu thập, phân loại, xác thực và quản lý thông tin. Các tổ chức định giá còn thiếu kinh nghiệm, chưa có đầy đủ thông tin, cơ sở pháp lý trong việc xác định giá trị khoản nợ xấu, giá khởi điểm của khoản nợ xấu. Hoạt động của các tổ chức bán đấu giá chưa chuyên nghiệp, đa phần có quy mô nhỏ, thiếu kinh nghiệm bán đấu giá khoản nợ xấu. Số doanh nghiệp thực chất hoạt động chuyên nghiệp về bán đấu giá tài sản trong tổng số doanh nghiệp có đăng ký hoạt động bán đấu giá tài sản là rất ít. Phần lớn doanh nghiệp còn lại có đăng ký hoạt động bán đấu giá tài sản nhưng trên thực tế chưa thực hiện phiên đấu giá nào.

Một khó khăn nữa cũng được lãnh đạo VAMC đề cập tới là việc mua bán nợ được thực hiện chủ yếu thông qua phương thức hợp đồng. Ngoài phương thức này, hiện chưa có cơ chế chuyển các khoản nợ thành một loại hàng hoá có thể chuyển nhượng hay giao dịch dễ dàng. Thực tế, tại một số thị trường mua bán nợ phát triển, “chứng khoán hoá” được sử dụng để biến các khoản nợ, đặc biệt là nợ xấu thành chứng khoán phát hành cho nhà đầu tư, qua đó để giải quyết nợ xấu một cách hiệu quả và tạo điều kiện phát triển cho thị trường mua bán nợ.

“Giao dịch mua bán nợ ở nước ta vẫn chủ yếu thông qua hợp đồng, còn ở các nước là giao dịch qua hình thức chứng khoán hóa. Bộ Tài chính xây dựng đề án này nhưng quá chậm, theo tôi cần phải nhanh hơn nữa việc chứng khoán hóa các khoản nợ xấu”, ông Đoàn Văn Thắng kiến nghị.

Liên quan đến vấn đề này, kinh tế trưởng BIDV TS. Cấn Văn Lực cho rằng, việc thiếu vắng thị trường mua bán nợ thực sự, chưa có các nghiệp vụ phái sinh cho khoản nợ xấu, trong đó có chứng khoán hóa, dẫn đến thiếu nhà đầu tư có năng lực, thiếu tính thanh khoản của các khoản nợ. Đây cũng là lý do làm giảm tính hấp dẫn, giá trị và nguồn lực để xử lý các khoản nợ này, khiến quá trình mua – bán nợ theo giá thị trường càng khó khăn.

Phải khẳng định rằng nợ xấu là vấn đề liên tục, luôn hiện hữu của ngành Ngân hàng. Đặc biệt áp lực nợ xấu đang tăng cao trước ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong khi đó, Nghị quyết 42 sẽ hết hiệu lực chỉ trong hơn 1 năm nữa, sẽ khiến áp lực xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD trong thời gian tới là rất lớn. Nên việc sớm lập “chợ” để người mua, bán có thể dễ dàng trao đổi hàng hoá nợ và tài sản với nhau, hỗ trợ các ngân hàng giải phóng nhanh nợ xấu tồn đọng. Vì vậy, ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đề nghị NHNN và các cơ quan có thẩm quyền sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về mua bán nợ, đồng thời có các chính sách ưu đãi cho các đơn vị mua, xử lý nợ xấu để góp phần đẩy mạnh hoạt động mua bán nợ.

“Tạo hành lang pháp lý đầy đủ với những quy định cụ thể rõ ràng có ý nghĩa rất quan trọng đối với hoạt động mua bán nợ xấu trên thị trường”, lãnh đạo VNBA nhấn mạnh.

Để hoạt động Sàn giao dịch mua bán nợ được vận hành suôn sẻ, lãnh đạo VAMC cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản nhằm mở rộng phạm vi, hoạt động đấu giá tài sản của VAMC phù hợp với Chiến lược phát triển của VAMC đến 2025, định hướng đến năm 2030 đã được NHNN phê duyệt.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả