24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Thu Miên
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Samsung, Toshiba dừng đầu tư các dự án nhiệt điện than

Các đơn vị tài chính của Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) vừa cam kết dừng tất cả hoạt động đầu tư ở các dự án than mới. Cam kết được đưa khi Samsung, tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc, vấp phải làn sóng chỉ trích mạnh mẽ vì những khoản đầu tư khổng lồ ở các dự án liên quan đến nhiên liệu hóa thạch.

Các nghiên cứu ước tính hai thành viên của Tập đoàn Samsung là Samsung Life Insurance và Samsung Fire & Marine Insurance, hai công ty bảo hiểm nhân thọ và tài sản lớn nhất Hàn Quốc, đã tài trợ 14 tỉ đô la Mỹ cho các dự án nhiên liệu hóa thạch trong thập kỷ qua và có khoảng 2,2 tỉ đô la đang đầu tư ở các dự án than. Dù vậy, hai công ty này cho biết họ đã hạn chế tài trợ trực tiếp cho các dự án than kể từ tháng 6-2018.

Hôm 12-11, Samsung Life Insurance và Samsung Fire & Marine Insurance tuyên bố họ sẽ không đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp được phát hành để huy động vốn xây dựng các nhà máy nhiệt điện than hoặc cung cấp các chính sách bảo hiểm rủi ro cho các dư án như vậy.

Tuyên bố chung của các đơn vị tài chính thuộc Samsung cam kết mở rộng đầu tư đối với các dự án năng lượng tái tạo và thân thiện với môi trường bao gồm xe điện. Họ sẽ báo cáo những thay đổi này cho hội đồng quản trị của họ trong tháng 12 này và sẽ thúc đẩy mạnh sẽ chính sách mới.

Công ty chứng khoán Samsung Securities và Công ty Quản lý tài sản Samsung, cũng thuộc tập đoàn Samsung, cho biết họ sẽ xây dựng các hướng dẫn đầu tư chú trọng đến các vấn đề quản trị, xã hội và môi trường để ngăn chặn các khoản đầu tư mới ở lĩnh vực khai thác than và nhà máy nhiệt điện than kể từ tháng 12.

Động thái trên diễn ra sau khi hồi tháng 10, Công ty thương mại và xây dựng Samsung C&T, một thành viên khác của của Tập đoàn Samsung, ra thông báo dừng đầu tư mới vào các dự án than bao gồm các hoạt động xây dựng nhà máy nhiệt điện than hoặc kinh doanh than.

Cũng vào tháng trước, Samsung Electronics, công ty con danh giá nhất của Samsung và nhà sản xuất chip và smartphone lớn nhất thế giới, cam kết với các nhà đầu tư rằng công ty này sẽ mở rộng các dự án đầu tư chú trọng các vấn đề quản trị, xã hội và môi trường.

Các tổ chức vận động môi trường gia tăng áp lực

Giới đầu tư hoan nghênh động thái dừng đầu tư các dự án liên quan đến than của Samsung và kỳ vọng các công ty và tập đoàn tài chính khác của Hàn Quốc sẽ noi theo, đặc biệt là sau khi Tổng thống Hàn Quốc, Moon Jae-in, cam kết hồi cuối tháng 10 rằng Hàn Quốc sẽ đạt mục tiêu zero ròng về khí thải carbon vào năm 2050 và sẽ chi tiêu 8.000 tỉ won (7,2 tỉ đô la Mỹ) cho tăng trưởng xanh.

Park Yoo-kyung, cố vấn ở Quỹ hưu trí APG Asset Management (Hà Lan), nói: “Tuyên bố của Samsung là bước tiến tích cực để phản hồi các yêu cầu của giới đầu tư”.

Tuy vậy, các tổ chức dân sự bao gồm Liên hiệp các phong trào môi trường Hàn Quốc (KFEM) tiếp tục kêu gọi Samsung dừng đầu tư các các dự án than hiện tại và đưa ra các kế hoạch chi tiết để thực hiện các cam kết mới nhất.

Hôm 10-11, KEFM đã tổ chức cuộc biểu tình ở Seoul đã yêu cầu các công ty con của Samsung phải dừng hoạt động đầu tư liên quan đến than.

Thông báo của KEFM cho biết: “Mỗi năm, có đến 1.000 người chết do không khí ô nhiễm phát ra từ 40 nhà máy nhiệt điện than mà Samsung Life Insurance và Samsung Fire & Marine Insurance đầu tư. Có đến 33.000 người tử vong trong suốt quãng thời gian 31 năm hoạt động ở các nhà máy nhiệt điện than này”. Các con số này được ước tính dựa trên phân tích của Trung tâm nghiên cứu năng lượng và không khí sạch (Phần Lan).

Hồi tháng 7 vừa qua, Samsung Securities cho biết sẽ không tiếp tục tài trợ vốn cho dự án xây dựng cảng than của Tập đoàn Adani (Ấn Độ) ở Queensland, Úc. Quyết định này được đưa ra sau khi một tổ chức bảo vệ môi trường ở Úc dọa sẽ vận động tẩy chay các sản phẩm của Samsung Electronics nếu Samsung Securities tham gia dự án này.

Giới phân tích nhận định bất chấp sức ép ngày càng lớn, các công ty Hàn Quốc rất khó để ‘cai’ hoàn toàn nhiên liệu hóa thạch vì nhiều nhà sản xuất công nghệ cao, sử dụng nhiều năng lượng vẫn phụ thuộc vào điện than.
Hàn Quốc là nền kinh tế lớn thứ 12 của thế giới và là nước xả khí thải carbon lớn thứ 7 thế giới. Các nguồn năng lượng tái tạo chỉ chiếm 5% trong cơ cấu năng lượng nước này. Đây là tỷ lệ thấp nhất trong số các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), theo dữ liệu của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA).

Toshiba dừng xây dựng nhà máy nhiệt điện than mới

Hôm 11-11, Tập đoàn công nghệ và kỹ thuật Toshiba (Nhật Bản) thông báo sẽ dừng nhận các đơn hàng xây dựng nhà máy nhiệt điện than mới giữa lúc tập đoàn này đang tăng tốc đầu tư phát triển năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, Toshiba sẽ tiếp tục sản xuất tuốc-bin hơi nước, cung cấp dịch vụ bảo dưỡng cho các nhà máy nhiệt điện than hiện hành và hoàn thiện công việc xây dựng ở 10 nhà máy nhiệt điện than đã được đặt hàng. Toshiba đang có các đơn hàng lắp đặt thiết bị ở các nhà máy nhiệt điện than tại Indonesia và Ấn Độ.

Samsung, Toshiba dừng đầu tư các dự án nhiệt điện than
Toshiba tuyên bố dừng nhận các đơn hàng xây dựng nhà máy nhiệt điện than mới. Ảnh: AFP/AP

“Nhu cầu các nhà máy nhiệt điện than đang giảm. Chúng tôi bắt đầu xem xét dừng xây dựng nhà máy nhiệt điện than mới vào năm ngoái và cuối cùng đã ra quyết định này sau khi chính phủ Nhật Bản cam kết mục tiêu đạt zero ròng về khí thải carbon vào năm 2050”, Chủ tịch Toshiba, Nobuaki Kurumatani, nói.

Kurumatani ước tính đầu tư cho năng lượng tái tạo ở Nhật Bản có thể đạt 80.000 tỉ yen (760 tỉ đô la) trong một thập kỷ tới nhờ các nỗ lực giảm khí thải carbon.

Nhận định về động thái nói trên của Toshiba, Llewelyn Hughes, trợ lý giáo sư ở Trường Chính sách Công Crawford thuộc Đại học quốc gia Úc, cho rằng Toshiba cần thay đổi chiến lược để tận dụng các lĩnh vực tăng trưởng. Ông nói: “Toshiba có thể tiến hành thay đổi này vì đây là một công ty đầu tư đa ngành nên việc thoát ra khỏi lĩnh vực than không phải là vấn đề sống còn đối với họ”.

Người phát ngôn của Toshiba cho biết Toshiba sẽ tăng đầu tư cho năng lượng tái tạo gấp năm lần lên mức 160 tỉ yen (1,52 tỉ đô la) trong hai năm tới và đặt mục giảm khí thải carbon 50% vào năm 2030.

Hôm 10-11, Siemens Energy (Đức), công ty vừa tách khỏi Tập đoàn Siemens để hoạt động độc lập vào đầu năm nay, thông báo dừng đầu tư vào các dự án than mới để tập trung phát triển các trang trại điện gió, công nghệ truyền tải điện và thế hệ điện khí mới.
Việc Tập đoàn Siemens tham gia đầu tư ở nhiều dự án nhiên liệu rắn, đặc biệt là dự án mỏ than của tập đoàn Adani (Ấn Độ) ở Úc đã khiến tập đoàn hứng chịu sự chỉ trích dữ dội của tổ chức vận động bảo vệ khí hậu Fridays for Future (Đức)
Để xoa dịu, Giám đốc điều hành Siemens là Joe Kaeser đã mời Luisa Neubauer, người phát ngôn của Fridays for Future, ngồi vào ghế của ban giám kiểm soát của Siemens Energy. Tuy nhiên, Neubauer từ chối và đề nghị ông Kaeser nên bổ nhiệm một nhà khoa học ngồi vào ghế này.

Theo Bloomberg, Finacial Times

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả