'Samsung Rising': Quyền lực và sự trỗi dậy của gia tộc Lee
Trong cuốn sách này, nhà báo Geoffrey Cain đã phơi bày cả mặt tốt và mặt chưa tốt của Samsung trong những thập kỷ sinh tồn đầu tiên.
Rất lâu trước khi bộ phim Parasite (tên tiếng Việt là Kí sinh trùng) giành được giải Oscar cho Phim hay nhất và một số nhóm nhạc Kpop được trình diễn trong chương trình nổi tiếng của Mỹ The Tonight Show, thì hầu khắp thế giới đã biết đến nhà xuất khẩu nổi tiếng nhất của Hàn Quốc là Samsung.
Ngày nay, Samsung là một cái tên quen thuộc về đồ gia dụng và là một “ông lớn” về sản xuất điện thoại thông minh, thậm chí còn lớn hơn Apple. Nhưng liệu người dùng của Samsung có chú ý đến con đường dẫn tới đỉnh cao của đế chế này, đi qua những thỏa thuận bí mật, nhiều phen điều chỉnh giá cả, các cáo buộc hối lộ, trốn thuế và trên hết, tất cả những điều này đều nằm dưới sự kiểm soát của một gia tộc siêu giàu, siêu kín kẽ và được cho là sẵn sàng dùng nhiều phương thức để duy trì sức mạnh. Tất cả những điều này đều được Cain khắc hoạ chi tiết trong cuốn Samsung Rising: The Inside Story of the South Korean Gaint That Set Out to Beat Apple and Conquer Tech.
Vươn lên cùng sự trỗi dậy của Hàn Quốc
Samsung được thành lập vào năm 1938 và chỉ là một cửa hàng bán rau và cá khô. Sau chiến tranh, Hàn Quốc là một nước nghèo. Và người sáng lập Samsung, ông Lee Byung Chul, dần mở rộng Samsung sang kinh doanh đường, tài chính, hóa chất, điện tử và rất nhiều mặt hàng khác để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng lúc đó. Ở vai trò người đứng đầu, ông Lee Byung Chul cảm thấy mình đang xây dựng không chỉ là một doanh nghiệp, mà là toàn bộ đất nước Hàn Quốc đi cùng với Samsung.
Tham vọng chinh phục và đứng đầu thế giới đã trở thành một mục tiêu phát triển của Samsung, cũng như sự tôn sùng không thể nghi ngờ của công ty với việc thực thi kỷ luật theo phong cách quân đội. Cain đã khắc hoạ một video mà ông được xem, theo đó, nhiều nhân viên Samsung xếp thành đội hình diễu hành, giơ cao các tấm bảng và chuyển động chúng để tạo thành các hình khối. Một nhân viên đã chia sẻ với Cain: “Rất ngạc nhiên, hơi kinh hoàng và lạ lùng”.
Các nhà lãnh đạo Hàn Quốc đều vui mừng khi hỗ trợ chiến lược của Samsung. Vào thập niên 1960, công ty này đã trở thành một biểu tượng cho việc nhận được sự giúp đỡ của giới chính trị có thể giúp ích cho việc kinh doanh tốt như thế nào. Cho đến nay, Chủ tịch Samsung, ông Lee Kun Hee, đã hai lần được tổng thống ân xá cho các lần truy tố liên quan đến hành vi phạm tội cổ cồn trắng. Ngày nay, trên khắp các ngành nghề ở Hàn Quốc, khó có thể thoát khỏi ảnh hưởng của Samsung, hiện trải dài từ ngành sản xuất thiết bị đến bệnh viện và thậm chí cả lĩnh vực nghệ thuật (một người thừa kế của Samsung, Miky Lee, là nhà sản xuất điều hành của phim Parasite).
Những chi tiết bí ẩn về gia tộc Lee
Tác giả Cain đã sống ở Hàn Quốc trong nhiều năm, từ 2009-2016 và vì thế câu chuyện về Samsung của ông khách quan, sôi nổi và có nhiều chi tiết vốn thường bị tập đoàn này ẩn giấu đi khỏi tầm nhìn của công chúng. Điển hình là Samsung không công khai nhiều điều về thời kì ông Lee Kun Hee dẫn dắt đế chế này. Dù Cain đã phỏng vấn được một thành viên của gia tộc này thì họ vẫn là một sự hiện diện hiếm hoi trong các trang sách của ông.
Còn tộc trưởng ốm yếu Kun Hee là một người cô độc, thích nuôi chó và dành thời gian rảnh rỗi của mình trên những chiếc xe thể thao ở đường đua riêng của Samsung. Cain cũng viết về con trai và người thừa kế của ông Kun-hee là Lee Jae Yong. Trong cuốn sách, Jae Yong được coi là người “có nhiều quyền lợi hơn điều ông được hưởng”.
Những đấu đá bất tận, bi kịch và âm mưu của gia tộc này luôn là những đề tài thu hút nhiều bàn tán của người Hàn Quốc. Dưới thời kì Chủ tịch Lee Kun Hee chuyển giao dần quyền lực cho "Thái tử" Lee Jae Yong, hiện là Phó Chủ tịch tập đoàn Samsung, đế chế này đã vướng vào nhiều rắc rối trong những năm gần đây. Vào năm 2017, tòa án Hàn Quốc đã ra phán quyết rằng Samsung có liên quan tới việc cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hee bị tuyên phạt nhiều tội danh, trong đó có việc nhận tiền để các tập đoàn lớn nhận được ưu đãi kinh doanh. Lee Jae Yong đã bị bắt giữ, truy tố và phán án tù 5 năm. Sau khi ngồi tù một năm, Jae Yong được hưởng án treo và được trả tự do.
Bất chấp việc Chủ tịch Lee Kun Hee có vấn đề về sức khoẻ và việc Phó Chủ tịch vướng vào kiện tụng, vào khoảng năm 2017, Samsung vẫn đạt lợi nhuận kỷ lục.
Như Cain đã viết: “Nếu đế chế này công bố được lợi nhuận kỷ lục trong khi vị vua đang chờ phải ngồi tù, vậy thì có vấn đề gì đâu khi có một vị vua chuẩn bị lên ngai?”. Và tác giả đã nhận được câu trả lời khi trò chuyện với một cựu lãnh đạo của Samsung: “Khi gia đình Lee gặp khủng hoảng, đế chế của chúng tôi không còn là một đế chế. Chúng tôi trở nên giống như bất kỳ tập đoàn nào”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận