Sắm Tết Online
Từ ngày mua cành đào từ miền Bắc về trưng Tết Dương lịch, chị Thu Hương (ngụ quận 7, TP Hồ Chí Minh) luôn thấy không khí Tết tràn ngập trong nhà. Năm nay, chị Hương có đào chơi Tết sớm nhờ đặt mua cành đào trên mạng mà không cần phải chờ có dịp người quen vào Nam mang giúp như mọi năm.
Tiện lợi, hiện đại
Chị Thu Hương cho biết, chị hay lên mạng xã hội (MXH) để săn lùng mua những cây hoa cảnh đẹp, đặc biệt là hoa hồng nhập khẩu. Mỗi lần đặt mua hoa, chị đều ưng ý vì hoa luôn tươi, nở rất to. Hầu như các shop bán hoa trên mạng chị đều ghé qua, nhưng shop nào tư vấn nhiệt tình, để lại nhiều phản hồi tốt của người mua là chị lựa chọn.
Do vậy, khi một shop hoa quen thuộc trên mạng vừa rao có hoa đào chuyển về TP Hồ Chí Minh trong ngày hôm sau, chị đặt luôn mà không cần suy nghĩ. Cành đào vừa “cập nhà” cũng là lúc cả gia đình chuẩn bị bước qua năm mới. Không khí Tết trong nhà cũng chộn rộn hẳn lên.
“Từ thực phẩm thiết yếu đến thời trang, từ đồ sống đến đồ nấu chín sẵn, từ rau vườn dưới quê đến thành phố, từ những món ăn ngày thường đến ngày Tết... đều được rao trên group. Vì vậy, ngày nào tôi cũng đặt mua thực phẩm, trái cây và yêu cầu giao đến nhà trong khung giờ tiện lợi nhất. Không chỉ thế, chỉ cần nhắn số tài khoản là trả tiền ngay mà không cần phải dùng tiền mặt, không mất tiền phí giao hàng. Tôi cảm thấy thật tiện khi đi chợ online. Vì thế, tôi đã đặt những bạn hàng quen những món ăn chuẩn bị cho ngày Tết, không phải tất bật đi chợ sắm Tết như trước”, chị Thoa chia sẻ.
Trong khi đó, anh Nguyễn Quân (ngụ tại quận 3) luôn lên các trang thương mại điện tử (TMĐT) để mua hàng. Theo anh Quân, từ khi dịch COVID-19 xảy ra, trang TMĐT là nơi anh hay đi “dạo” nhất. Chỉ cần muốn mua gì, từ hàng điện tử, thời trang đến đi chợ... anh cũng lên các trang TMĐT. Ưu điểm của các trang TMĐT là một món hàng có nhiều cửa hàng bán với giá thành khác nhau. Chỉ cần lựa chọn cửa hàng uy tín nhiều người mua, được đánh giá 5 sao nhiều nhất, nhiều phản hồi tích cực nhất, anh sẽ ghé mua hàng. Vì vậy, hầu như món hàng nào anh lựa chọn cũng đạt yêu cầu, ít khi phải thất vọng vì chất lượng không như ý.
“Để chuẩn bị trang hoàng nhà cửa đón Tết Nguyên đán, tôi vừa lên mạng đặt mua 1 bộ rèm mới của Nhật Bản với giá gần 1 triệu đồng; một số decal, đồ trang trí Tết và một số sản phẩm thiết yếu trong nhà... Là con trai, mua hàng trên mạng vẫn tiện hơn là đi dạo chợ bên ngoài”, anh Quân nói.
Thay đổi xu hướng vì dịch COVID-19
Không chỉ “khẩu vị” của người tiêu dùng thay đổi mà các doanh nghiệp, cửa hàng cá nhân cũng chuyển hướng và đẩy mạnh bán hàng online kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện. Thậm chí, để tăng sự tương tác với người mua, nhiều cửa hàng thường xuyên livestreams trên các trang MXH, TMĐT để bán được nhiều hơn.
Đại diện Sonkim Mode, một hãng thời trang với hơn 20 năm kinh nghiệm cho biết, mặc dù các nhãn hiệu VERA, JOCKEY, Misaki, JBuss... được nhiều người tiêu dùng biết đến ở các cửa hàng, trung tâm thương mại, thế nhưng từ khi dịch COVID-19 xảy ra, lượng khách mua giảm mạnh.
Để tăng doanh số bán hàng, đơn vị đã tập trung đẩy mạnh bán hàng trên trang TMĐT Shopee. Điều này không chỉ giúp đơn vị mở rộng kênh phân phối mà còn tiếp cận được nhiều đối tượng khách hàng khác nhau, giúp doanh số và doanh thu của đơn vị tăng cao, thậm chí cao hơn ở kênh bán lẻ truyền thống và các trang fanpape và website của cửa hàng. Thống kê năm 2020, doanh số bán hàng trên trang TMĐT này đã tăng 300% so với năm 2019.
Tuy không phải là doanh nghiệp có thương hiệu nổi tiếng, nhưng anh Lê Quang Thiện vẫn duy trì được cửa hàng thực phẩm của mình ở quận Tân Bình nhờ đưa lên các group bán hàng, trang TMĐT để mở rộng đối tượng khách hàng.
“Đúng là đại dịch COVID-19 khiến chúng tôi phải nhanh nhạy hơn với xu thế tiêu dùng mới. Thay vì chăm lo tập trung bán tại cửa hàng, chúng tôi đẩy mạnh bán hàng online, thuê thêm người chăm sóc cửa hàng online để tăng sự tương tác, giúp người mua biết đến cửa hàng nhiều hơn. Nhờ vậy, doanh số bán hàng trong năm 2020 không tụt giảm mà vẫn duy trì tăng trưởng, thậm chí có tháng tăng hơn 30% so với cùng kỳ”, anh Thiện chia sẻ.
Theo khảo sát của công ty Deloitte, từ khi dịch COVID-19 xuất hiện ở Việt Nam, xu hướng tiêu dùng mới đã tác động mạnh đến thị trường bán lẻ trong nước. Nếu như trước đây, doanh số bán hàng tại cửa hàng chiếm đến 97% tổng doanh số bán lẻ và bán hàng không qua cửa hàng (bao gồm cả thương mại điện tử) chỉ đóng góp khoảng 3%, thì hiện nay, hơn 50% người tiêu dùng Việt Nam đã giảm tần suất đến các siêu thị, cửa hàng tạp hóa và chợ, trong khi 25% trong số đó đã chuyển sang mua sắm trực tuyến.
Số liệu của CBRE Việt Nam cũng phản ánh, lượng khách đến tại các trung tâm mua sắm giảm khoảng 80% ở cả TP Hồ Chí Minh và Hà Nội trong thời gian dịch COVID-19. Đại diện trang TMĐT Shopee thừa nhận, không chỉ xu hướng mua hàng online ngày càng tăng trong mùa dịch COVID-19 mà ngay cả doanh nghiệp, người bán hàng cũng thay đổi theo xu hướng của người tiêu dùng, đặc biệt là trong giai đoạn “bình thường mới”.
Theo đó, người tiêu dùng chuyển sang sử dụng các nền tảng trực tuyến cho các nhu cầu thiết yếu hàng ngày như hàng tạp hóa, đồ gia dụng, đồ gia đình, đời sống... với lượng mua gấp 3,5 lần mỗi tháng.
Theo các trang TMĐT như Shopee, Lazada, Tiki... thời điểm trước Tết Nguyên đán, lượng người “đi chợ online” đã tăng mạnh nhằm chuẩn bị cho ngày Tết. Vì thế, các trang TMĐT này cũng đã tăng cường hợp tác với nhiều đối tác có thương hiệu tiêu dùng để tăng thêm lượng hàng phong phú, đa dạng; đồng thời mở thêm các hoạt động gia tăng tương tác giữa người mua và người bán với nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá... giúp người tiêu dùng thuận lợi và dễ dàng hơn khi sắm Tết.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận