24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Quang Long
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

SaigonTech tố SCB đấu giá tài sản trái pháp luật, tòa nhà ngàn tỷ, định giá chỉ hơn ... 190 tỷ đồng

Đưa ra hàng loạt lý do cho rằng SCB thu giữ tài sản đảm bảo TSĐB trái pháp luật, vi phạm nghiêm trọng về xử lý, bán đấu giá TSĐB, có dấu hiệu dìm giá chủ tòa nhà SaigonTech cương quyết không bàn giao và cũng không có ý định bàn giao tài sản là tòa nhà có diện tích sử dụng hơn 5.600 m2

Như Dân Việt đã thông tin, sau khi bỏ hơn 19 tỷ đồng tham giá đấu giá tài sản thanh lý là Tòa nhà SaigonTech từ Ngân hàng thương mại - cổ phần Sài Gòn (SCB), sau đó đóng thêm hàng chục tỷ đồng để hoàn thành nghĩa vụ của người trúng đấu giá. Nhưng đến nay (21/12), Trường cao đẳng Đại Việt Sài Gòn vẫn không được tiếp cận với khối tài sản này. Vì sao?

SaigonTech tố SCB đấu giá tài sản trái pháp luật, tòa nhà ngàn tỷ, định giá chỉ hơn ... 190 tỷ đồng
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (Ảnh: IT)

Cơ sở nào để SCB "siết nợ" chủ tòa nhà SaigonTech?

Theo tìm hiểu của Dân Việt, chủ sở hữu tòa nhà SaigonTech là Công ty cổ phần Quản trị Tài nguyên Tri Thức (IRM).

Năm 2008, IRM vay vốn của SCB để đầu tư - xây dựng Trường cao đẳng nghề Sài Gòn (SaigonTech), theo Hợp đồng tín dụng số 36/TD/SCB-TB/08, với số tiền 248 tỷ đồng (vay trong 120 tháng). Để thế chấp cho khoản vay này, IRM dùng TSĐB gồm: Quyền sử dụng 5.646 m2 đất tại lô số 14 (Khu công viên phần mềm Quang Trung); toàn bộ tài sản hình thành trong tương lai (tòa nhà, trang thiết bị…) tại lô số 14. Ngoài ra, IRM cũng thế chấp thêm quyền sử dụng 51.044m2 đất hình thành trong tương lai tại xã Long Thới, huyện Nhà Bè, TP.HCM.

Chưa kể, bà Nguyễn Thị Út Em (Chủ tịch Hội đồng thành viên của IRM) cũng là bên bảo lãnh cho IRM, đồng ý thế chấp tài sản là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại địa chỉ 74 Trần Quốc Thảo (P.7, Q.3, TP.HCM) để bảo lãnh cho khoản vay này của IRM.

Đến ngày 8/3/2010, IRM tiếp tục ký hợp đồng thế chấp số 06/HĐTC-SCB-CNTB.10, đồng ý dùng tài sản xây dựng trên khu đất này để đảm bảo cho nghĩa vụ trả nợ với SCB.

Tuy nhiên, theo SCB sau khi IRM được cấp vốn, đã dần mất khả năng thanh toán và đến thời điểm hiện tại, khoản nợ này đã phát sinh thành nợ xấu (theo quy định tại Điều 4, Nghị quyết số 42/2017/QH14), với tổng dư nợ hơn 600 tỷ đồng.

"Sau rất nhiều lần thương lượng, vận động và thuyết phục IRM trong suốt 10 năm nhưng không hiệu quả, SCB đã triển khai thủ tục thu giữ TSĐB này để thu hồi nợ" - SCB giải thích trong văn bản gửi các cơ quan chức năng (Bộ Giáo dục - Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các ban ngành tại TP.HCM).

SaigonTech tố SCB đấu giá tài sản trái pháp luật, tòa nhà ngàn tỷ, định giá chỉ hơn ... 190 tỷ đồng
Sau khi đấu giá xong, SCB mới nhờ các bộ, ngành tác động với IRM để đơn vị này bàn giao tài sản đảm bảo cho đơn vị trúng đấu giá (Ảnh: Quốc Hải)

Mặt khác, tại các văn bản gửi cơ quan chức năng này, ông Trương Khánh Hoàng - phó Tổng Giám đốc SCB - cho biết thêm về việc thu hồi TSĐB là tòa nhà SaigonTech. Theo đó, ngày 4/5/2020 SCB phát đi thông báo để thu hồi nợ là tòa nhà SaigonTech đến IRM. Đến ngày 27/5, dưới sự chứng kiến của lực lượng an ninh kinh tế Công an TP.HCM, Ban quản lý Công viên phần mềm Quang Trung, UBND và Công an quận 12, SCB đã triển khai thu giữ tài sản này.

Đáng chú ý, tại buổi thu giữ, đại diện IRM không đến tham dự, nhưng SCB lại khẳng định "đã thu giữ thành" với tài sản trên (?).

Ngày 23/7, SCB phát đi thông báo về kết quả thẩm định giá và tổ chức đấu giá tòa nhà SaigonTech đến IRM. Thông tin này sau đó đã thu hút sự quan tâm của dư luận, khi lần đầu tiên, một tòa nhà là trụ sở ngôi trường được rao bán đấu giá với giá khởi điểm gần 200 tỷ đồng…

Để có cái nhìn đa chiều về vụ việc, chúng tôi đã gửi hàng loạt câu hỏi cho SCB, hỏi về tính pháp lý của việc đấu giá tòa nhà SaigonTech, về những tố cáo của đại diện IRM rằng SCB dìm giá tài sản… Tuy nhiên, sau 3 ngày gửi thông tin, SCB hiện vẫn chưa có phản hồi. Liên lạc với phía SCB, đơn vị này cho biết đang gửi thông tin cho các bộ phận liên quan và sẽ có thông tin phản hồi sớm.

"Chúng tôi không bàn giao và cũng không có ý định bàn giao"

Liên quan đến việc bàn giao tài sản đấu giá là tòa nhà SaigonTech, ông Hồ Quang Trung - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Quản trị Tài nguyên Tri Thức nhấn mạnh rằng, "đây là việc làm trái pháp luật của SCB".

Theo lý giải của ông Hồ Quang Trung, trên thực tế Hợp đồng tín dụng số 36 và 06, giữa SCB và IRM, hoàn toàn không có bất cứ nội dung nào cho phép SCB được thu giữ TSĐB. Do đó, việc SCB cho rằng, có quyền thu giữ TSĐB theo Nghị quyết 42/2017/QH14 là hoàn toàn không có cơ sở.

SaigonTech tố SCB đấu giá tài sản trái pháp luật, tòa nhà ngàn tỷ, định giá chỉ hơn ... 190 tỷ đồng
Tòa nhà SaigonTech tại Khu công viên phần mềm Quang Trung (Q.12, TP.HCM)

Ngoài ra, ông Hồ Quang Trung cũng cho rằng SCB vi phạm nghiêm trọng pháp luật về xử lý, bán đấu giá TSĐB. Việc đấu giá có dấu hiệu dìm giá, vi phạm nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của IRM.

Dẫn chứng về việc này, ông Trung cho rằng, trong trường hợp đưa TSĐB ra đấu giá thì IRM là bên có quyền xác định giá khởi điểm tài sản, hoặc ủy quyền cho tổ chức đấu giá tài sản xác định. Song trên thực tế IRM chưa từng xác định hoặc ủy quyền, chỉ định bất cứ cá nhân, tổ chức nào xác định giá khởi điểm của TSĐB.

"SCB đã tự ý chỉ định bên thứ 3 xác định giá trị TSĐB và dùng giá này làm giá khởi điểm đấu giá. Giá khởi điểm này không có sự đồng ý của IRM là không có giá trị pháp lý. Và cuộc đấu giá dựa trên mức giá khởi điểm này là không có giá trị" - ông Trung khẳng định.

Đặc biệt, theo ông Trung, SCB có dấu hiệu dìm giá vì khối TSĐB này cách nay hơn 10 năm được chính SCB xác định có giá trị hơn 200 tỷ đồng tại các hợp đồng thế chấp; nên không thể có chuyện định giá chỉ 190,63 tỷ đồng.

"Các ngân hàng cho vay bao giờ cũng định giá tài sản thế chấp thấp hơn 30-50% để đảm bảo thu hồi nợ vay. Như vậy, có thể thấy giá trị thực của TSĐB này 10 năm trước đã vào khoảng 300 tỷ đồng. Mặt khác, do TP.HCM là địa bàn kinh tế phát triển hàng đầu cả nước nên giá bất động sản sẽ tăng ít nhất 3 lần sau mỗi chu kỳ 10 năm. Do đó, giá trị thực tế của khối tài sản này hiện có thể lên tới khoảng… 1.000 tỷ đồng", ông Trung dẫn giải.

Hiện, IRM đã kiện vụ việc lên tòa án và Tòa án Nhân dân Q.Gò Vấp đã có quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời về việc cấm chuyển dịch quyền về tài sản với TSĐB này.

"Ngân hàng nào mà làm ăn thiếu chuyên nghiệp vậy?" - TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng đã bật thốt như thế khi nghe về trường hợp thu hồi và xử lý TSĐB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB). Theo ông Hiếu, ngân hàng ra đấu giá mà có người trúng đấu giá thì theo lý phải giao toàn bộ tài sản hữu hình, và các giấu tờ liên quan, chủ quyền… ở trên tài sản đó.

"Đây là một chuyện không thể chấp nhận được. Nhưng theo tôi, đáng lý ra phía công ty đứng ra đấu giá phải làm công tác làm sao để bên giữ tài sản đấu giá phải bàn giao tài sản cho người đấu giá thành công", ông Hiếu cho hay.

Cũng theo ông Hiếu, cách giải quyết hiện nay là người đấu giá thành công có quyền đòi lại tiền và đòi lại tất cả những thiệt hại liên quan; hoặc chờ ra tòa giải quyết vụ việc này.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả