Saigonbank: 'Chậm liệu có chắc?...'
Đứng trước nhiều sức ép hội nhập, tăng vốn, niêm yết, cổ đông lớn tháo chạy… liệu Saigonbank có còn “chậm mà chắc” như phương châm đã được bao đời Ban lãnh đạo đặt ra trong suốt hơn 30 năm hoạt động của mình.
Là một trong những nhà băng thuộc chiếu dưới trong hệ thống ngân hàng Việt Nam, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank, OTC: SGB) với số vốn điều lệ chỉ xấp xỉ bằng vốn pháp định của một ngân hàng thương mại đã duy trì quy mô ít ỏi với 90 đơn vị (33 chi nhánh, 55 phòng giao dịch, 1 trung tâm kinh doanh thẻ và 1 công ty con) trong suốt nhiều năm.
Nhà băng này dường như rất thầm lặng, không ồn ào, không nổi trội kể cả khi các ngân hàng bước vào đợt tái cơ cấu, sáp nhập, tăng vốn nóng. Thậm chí kể cả khi ngân hàng “nhà người ta” báo lãi khủng thì Saigonbank vẫn lẳng lặng, từ tốn như phương châm “chậm mà chắc” luôn được các đời lãnh đạo Ngân hàng này nhắc đến trong các kỳ Đại hội.
Saigonbank là ngân hàng cổ phần đầu tiên được thành lập trong hệ thống ngân hàng cổ phần tại Việt Nam từ năm 1987 với số vốn điều lệ ban đầu 650 triệu đồng.
Trong giai đoạn tan rã của các Hợp tác xã tín dụng, Trung tâm tín dụnng 1991-1997, Saigonbank cũng đã có những thay đổi tích cực để tránh được nguy cơ đổ vỡ và tăng vốn điều lệ dần qua từng năm.
Tuy nhiên, mãi đến cuối năm 2011, Ngân hàng mới phát hành cổ phần tăng vốn điều lệ từ mức 2,460 tỷ đồng lên 2,960 tỷ đồng và một đợt nữa vào tháng 9/2012 lên 3,080 tỷ đồng. Hồi năm 2014, Saigonbank đã từng có kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 3,080 tỷ đồng lên 4,000 tỷ đồng và thậm chí năm 2016, NHNN đã từng đồng ý cho nhà băng này tăng vốn điều lệ từ 3,080 tỷ đồng lên 4,080 tỷ đồng, tuy nhiên phương án này đến nay vẫn chưa thực hiện được và số vốn điều lệ 3,080 tỷ đồng được duy trì suốt từ năm 2012 cho đến nay đã gần 8 năm. Kể cả trong ĐHĐCĐ thường niên 2020 vừa qua, vẫn không hề thấy kế hoạch tăng vốn điều lệ trong các tờ trình.
Trong khi các ngân hàng khác bước vào cuộc đua tăng vốn nóng nhằm đảm bảo tuân thủ tỷ lệ an toàn vốn theo đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thì dường như Saigonbank vẫn dậm chân tại chỗ và chưa có động thái gì cho kế hoạch tăng vốn trong suốt nhiều năm liền.
Không tăng vốn nhưng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (hệ số CAR) của Ngân hàng này đều trên 9% theo quy định của Thông tư 36/2014/TT-NHNN.
Phương châm “chậm mà chắc” mà Saigonbank theo đuổi đã bộc lộ được cái “chậm”, nhưng “chắc” hay không thì vẫn còn rất nhiều vấn đề cần xem xét.
Trong suốt 10 năm gần đây nhất, cả tổng tài sản, dư nợ cho vay và huy động vốn của Saigonbank lặng lẽ tăng trưởng từng chút một, trung bình từ 4-6%/năm.
Cho đến 30/06/2020, tổng tài sản của Saigonbank giảm 10% so với đầu năm 2020, đạt 20,569 tỷ đồng. Trong đó, cho vay khách hàng giảm 5%, đạt gần 14,151 tỷ đồng; tiền gửi của khách hàng tăng 2% so với đầu năm, đạt gần 15,982 tỷ đồng. Xu hướng sụt giảm này có thể sẽ còn tiếp diễn khi năm tài chính 2020 khép lại bởi tình hình kinh tế trong nước đang đối mặt với viễn cảnh bất định trước diễn biến khó lường của dịch Covid-19.
Không chỉ quy mô trên bảng cân đối kế toán, mà trên bảng kết quả hoạt động kinh doanh của nhà băng này cũng là vấn đề đáng để bàn khi dường như lợi nhuận đang tạo thành một đường thẳng dốc ngược.
Sau giai đoạn tăng trưởng vượt bật năm 2010, lợi nhuận của Saigonbank bước vào chu kỳ giảm dài sau đó.
Nhìn vào cơ cấu thu nhập hoạt động những năm qua, có thể thấy Saigonbank vẫn là ngân hàng hoạt động thuần theo phương thức truyền thống. Hoạt động tín dụng vẫn đem về nguồn thu chính cho Saigonbank khi thu nhập lãi thuần luôn chiếm tỷ trọng từ 78 - 92%. Còn lại là hoạt động phi tín dụng nhưng chiếm tỷ trọng không cao, không quá 10%.
Trong hoạt động phi tín dụng, khác với đa phần các ngân hàng khác, hoạt động dịch vụ thường chiếm tỷ trọng cao nhất, nhưng Saigonbank lại có tỷ trọng của thu nhập khác cao nhất, chiếm từ 4-14% tổng thu nhập hoạt động, xếp sau đó mới là lãi từ hoạt động dịch vụ, thường chiếm từ 3-5% tổng thu nhập hoạt động.
Trong khi các nhà băng khác đẩy mạnh các nguồn thu ngoài lãi, tìm về các sản phẩm có tính thanh khoản cao, ít rủi ro hơn như chứng khoán đầu tư, kinh doanh ngoại hối… nhằm giảm thiểu sự phuộc thuộc vào một nguồn duy nhất là tín dụng, thì hầu như hoạt động kinh doanh chứng khoán đầu tư của Saigonbank những năm gần đây không hề ghi nhận, và hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh lại có năm báo lỗ (năm 2012, 2016).
Bản thân Ban lãnh đạo Saigonbank cũng từng thừa nhận, trong những năm qua, do hạn chế nguồn vốn đầu tư cho hệ thống công nghệ thông tin nên không đáp ứng được yêu cầu phát triển công nghệ, sản phẩm mới trong lĩnh vực ngân hàng hiện nay.
Trong thời gian qua, Saigonbank cũng đã thực hiện các giải pháp để xử lý nợ xấu và giúp tỷ lệ nợ giảm đáng kể. Việc duy trì tỷ lệ nợ xấu dưới 3% trong 10 năm qua có thể xem là điểm cộng của Saigonbank.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2020, ông Vũ Quang Lãm – Chủ tịch HĐQT của Saigonbank cho biết, sau 3 năm dồn lực, xử lý nợ xấu thì đúng ra năm nay Ngân hàng sẽ chia lợi nhuận với tỷ lệ 4% nhưng vẫn xin phép cổ đông để dành chưa chia. Ngân hàng sẽ trình các cấp có thẩm quyền để có thể chia cổ tức trong đầu năm 2021. Năm nay, cơ quan có thẩm quyền yêu cầu các ngân hàng giữ lại lợi nhuận để đảm bảo năng lực tài chính.
Saigonbank cũng từng là nhà băng gây chú ý khi biến động nhân sự cấp cao trong suốt thời gian dài và từng “vắng chủ” trong hơn 1 năm.
Còn nhớ hồi cuối năm 2015, cùng một thời gian, cả Chủ tịch Nguyễn Phước Minh và Tổng Giám đốc Trần Thị Việt Anh đều thôi nhiệm để về hưu. Khi đó, ông Trần Quốc Hải (Thành viên HĐQT) được bầu thay thế vị trí Chủ tịch HĐQT và ông Vũ Quang Lãm (Thành viên HĐQT) được bầu thay thế cho bà Ánh.
Và chỉ 2 năm sau đó, đến giữa năm 2017, với lý do sức khỏe, ông Trần Quốc Hải cũng rời khỏi vị trí này. Ông Phạm Văn Thông được bầu vào vị trí “ghế nóng” Saigonbank và đại diện Văn phòng Thành ủy TPHCM sở hữu hơn 56 triệu cp Saigonbank (tương đương 18.18% vốn điều lệ). Nhưng đến giữa năm 2018, ông Phạm Văn Thông bị Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đề nghị cho thôi chức Chủ tịch Saigonbank do sai phạm liên quan đến chuyển nhượng phần đất đền bù tại dự án Khu dân cư Phước Kiển, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè và một số dự án khác. Ông Vũ Quang Lãm đảm nhiệm chức danh Quyền Chủ tịch HĐQT từ ngày 19/06/2018.
Cuối tháng 08/2018, Saigonbank tổ chức ĐHĐCĐ bất thường để bầu nhân sự cấp cao, song không có kết quả. Tiếp đến, ông Nguyễn Minh Trí lại từ nhiệm vị trí Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2013-2017 do không còn là người đại diện phần vốn góp theo ủy quyền của cổ đông là tổ chức.
Liên tiếp biến động các vị trí nhân sự cấp cao, cho đến ĐHĐCĐ bất thường diễn ra vào ngày 04/10/2019, ông Vũ Quang Lãm mới chính thức trở thành Chủ tịch HĐQT Saigonbank sau 1 năm ngân hàng này bỏ trống ghế Chủ tịch. Song dong đó, Đại hội bất thường này, Saigonbank cũng đã bổ nhiệm 3 nhân sự mới trong ban điều hành, gồm ông Trần Thanh Giang giữ chức danh Tổng giám đốc, ông Trần Quốc Thanh và ông Phạm Hoàng Hồng Thịnh giữ chức Phó Tổng giám đốc.
Cũng với những biến động nhân sự ở bộ máy thượng tầng, cơ cấu cổ đông Saigonbank cũng có nhiều biến động ngay sau đó.
Đầu tiên là vào tháng 11/2017, Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) đã bán đấu giá 13.2 triệu cp SGB với giá đấu thành công bình quân lên tới 20,100 đồng/cp.
Theo ngay sau đó, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) cũng tổ chức bán đấu giá thoái vốn hơn 15 triệu cp SGB vào tháng 03/2019, tương đương 4.91% số lượng cổ phiếu đang lưu hành tại Saigonbank và thu về hơn 305 tỷ đồng.
Và đến đầu năm 2020 này, CTCP Điện tử Biên Hòa (Belco) đăng ký bán đấu giá toàn bộ gần 1.5 triệu cp SGB, tương đương 0.49% vốn.
Tính đến hiện tại ngày 29/05/2020, cổ đông lớn nhất của Saigonbank là Văn phòng Thành ủy TP.HCM nắm 18.18% vốn. Bên cạnh đó, Công ty TNHH MTV Xây dựng và kinh doanh nhà Phú Nhuận nắm giữ 16.64% và Công ty TNHH MTV Du lịch Thương mại Kỳ Hòa nắm 16.35%, kế đến là Công ty TNHH MTV dầu khí TPHCM (Saigon Petro) với tỷ lệ sở hữu 14.08%. Bốn đơn vị này đang nắm giữ 65.25% vốn của Saigonbank.
Tính đến 31/05/2020, tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài tại Saigonbank là 4.997% vốn điều lệ, tương ứng gần 15.4 triệu cp.
Saigonbank đang là cái tên được nhắc đến nhiều nhất khi sẽ là ngân hàng thứ hai giao dịch trên sàn UPCoM trong năm 2020 sau Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVB).
Việc niêm yết của các cổ phiếu ngân hàng không phải chỉ mới năm nay mới được chú ý. Nhưng vì theo định hướng đến hết năm 2020, toàn bộ các NHTM niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chính thức trong Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” của Thủ tướng Chính phủ, nhưng đã hết nửa năm 2020 trôi qua, mới chỉ có BVB chính thức giao dịch trên UPCoM trong số hơn 15 ngân hàng chưa niêm yết.
Các ngân hàng hiện vẫn đang oằn mình chia sẻ với khó khăn của nền kinh tế khi dịch Covid-19 ập đến từ đầu năm 2020. Do đó, những gương mặt đăng ký giao dịch tên sàn UPCoM hoặc niêm yết đều trở thành tâm điểm cho các nhà đầu tư chú ý. Và Saigonbank cõ lẽ cũng không ngoại lệ khi cổ phiếu ngân hàng luôn được đánh giá nằm trong nhóm cổ phiếu dẫn dắt thị trường.
Trong số 308 triệu cp SGB vừa được HNX chấp thuận đăng ký giao dịch trên UPCoM, có hơn 201 triệu cp bị hạn chế chuyển nhượng theo luật. Trong đó, các thành viên HĐQT Saigonbank nắm giữ gần 151 triệu cp, tương đương 48.9% vốn điều lệ và gần 50.4 triệu cp, tương đương 16.35% vốn do Công ty TNHH MTV Du lịch TM Kỳ Hòa sở hữu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận