Sài Thành “đất vàng” phiêu lưu ký: Những hậu quả chưa thể đong đếm
Hàng ngàn tỷ đồng thất thoát chỉ là bề nổi, "cơn lốc đất vàng" còn cuốn đi nhiều cái lớn đó là mất cán bộ, xói mòn sự thượng tôn pháp luật và cao nhất là mất niềm tin của nhân dân.
Theo ý kiến của nhiều cán bộ hưu trí và lão thành cách mạng thì liên minh “công-tư-doanh” chính là một dạng “trục ma quỷ” sinh ra giữa lòng chế độ, một thứ “giặc nội xâm” rất nguy hiểm và khó tiêu diệt vì nhiều khi lâm vào thế “quân ta lại đánh quân mình”.
Nỗi đau “quân ta lại đánh quân mình”
Có thể nêu ví dụ như liên quan đến “đất vàng” tại số 8A Mạc Đĩnh Chi, quận 1, TP.HCM, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính và UBND TP.HCM tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm hành chính các tập thể, cá nhân có liên quan đã để xảy ra các thiếu sót, vi phạm trong quá trình tham mưu lập, phê duyệt phương án sắp xếp, xử lý bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Theo đó, dù đã qua “quy trình trên dưới” khi được sự cho phép của Bộ TN&MT, Bộ Tài chính và cả UBND TP.HCM nhưng việc chuyển đổi đất vàng 8A Mạc Đĩnh Chi vẫn “có vấn đề”.
Đáng nói hơn, sự việc được đưa ra ánh sáng cũng chính bởi ngay từ khi diễn ra sự việc này (tháng 7/2013) việc làm trên đã gặp phải phản ứng quyết liệt của các cựu cán bộ ngành khí tượng thủy văn. Vì thế, nhiều năm liền, các cựu cán bộ của ngành này đã gửi đơn thư tố cáo tới Thủ tướng Chính phủ cũng như các cơ quan liên quan cho rằng khu đất trên không thuộc đối tượng phải sắp xếp lại theo Quyết định 09/2007 của Thủ tướng về việc sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước.
Khi hàng loạt sai phạm được đưa ra ánh sáng vừa qua, ngân sách thất thoát có thể truy thu một phần hoặc toàn bộ theo các chế tài của luật pháp nhưng thứ rất khó có thể truy thu là niềm tin đã mất của chính những người từng đồng chí của nhau. Đau xót hơn, những người thực sự mất niềm tin một cách sâu sắc vào sự thượng tôn pháp luật chính là những người dân khi “cán bộ đi kiện” còn mãi không “thấu” huống chi là người dân bình thường.
Sự “nhờn” luật từ trong ý thức của cán bộ
Đối với thực trạng các cán bộ biết Luật mà vẫn vi phạm, vận dụng Luật “linh hoạt” một cách có chủ đích để “hô biến” đất “vàng” công sản, Giáo sư Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng trong thực tế căn bệnh “nhờn” luật đã và đang làm cho cán bộ có thẩm quyền dễ lạm quyền vì tư lợi.
Giáo sư Đặng Hùng Võ nêu dẫn chứng như đối với việc pháp luật quy định bảng giá đất phải phù hợp với giá đất trên thị trường, nhưng bảng giá đất của tất cả các địa phương hiện nay đều chỉ bằng khoảng 30% giá thị trường. Như vậy, tất cả các địa phương đều vi phạm pháp luật nhưng như không có chuyện gì xảy ra. Giá đất mà Nhà nước ban hành thấp luôn là cơ hội phù hợp để dẫn đến tham nhũng đất đai.
Luật pháp nói chung và Luật pháp liên quan đến đất đai nói riêng, đặc biệt là Luật đất đai vốn được xem là chiếc “vòng kim cô” để khắc chế lòng tham của những cán bộ có chức có quyền lợi dụng “ghế” của mình. Tuy nhiên, xuất phát từ những kẽ hở của hệ thống luật pháp, có thể do vô tình hoặc được cố ý cài cắm từ khi xây dựng luật cộng với sức cám dỗ của những món lợi có được khi làm sai, làm trái thì các cán bộ nhà nước đã cố tình nhờn luật và trở thành một mắc xích trong “trục ma quỷ: công-tư-doanh”.
Thực trạng trên đang từng ngày làm xói mòn lòng tin của nhân dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư quốc tế về một Việt Nam là “tổ của Đại Bàng” ít nhất là trong các chính sách về đất đai, bởi trong nền kinh tế thị trường, sai phạm xuất phát cán bộ (đại diện cho nhà nước) không thể lúc nào cũng “đè” doanh nghiệp ra để truy thu, nhất là khi doanh nghiệp trong giao kết mua bán “đất vàng” là một công ty cổ phần đại chúng hoặc liên doanh với nước ngoài.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận