Sai phạm tại nhiều dự án ở Thái Nguyên: Yêu cầu xử lý hơn 145 tỷ đồng
Cùng với việc chỉ ra hàng loạt sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng và khai thác tài nguyên khoáng sản tại Thái Nguyên (giai đoạn 2010 -2018), Thanh tra Chính phủ yêu cầu địa phương này xử lý về tài chính hơn 145 tỷ đồng.
15 dự án hết hạn khai thác nhưng không đóng mỏ
Tại kết luận thanh tra, Thanh tra Chính phủ (TTCP) chỉ rõ trách nhiệm của UBND tỉnh Thái Nguyên và các Sở TNMT, Công thương, Xây dựng trong việc chưa kịp thời điều chỉnh khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản cho phù hợp với kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối 2016 - 2020; lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác chế biến khoáng sản giai đoạn 2010-2020 không xác định diện tích, tạo độ… vi phạm Luật Khoáng sản 2010.
Đáng chú ý, trong giai đoạn từ năm 2010-2018, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 38 dự án do UBND tỉnh cấp giấy phép đã hết thời hạn nhưng vẫn còn 15 mỏ chưa làm thủ tục đóng cửa mỏ theo quy định.
Qua thanh tra trực tiếp 17 mỏ khoáng sản (than, mangan, chì kẽm), TTCP phát hiện tình trạng nợ tiền thuế, khai thác mỏ mà không ký hợp đồng thuế đất… Điển hình, tại dự án đầu tư khai thác mỏ than Bá Sơn, xã Sơn Cẩm và Cổ Lũng, huyện Phú Lương, những doanh nghiệp là chủ dự án chưa thực hiện làm thủ tục để ký hợp đồng thuê đất đối với tổng diện tích 55,9 ha đang được giao quản lý. Những doanh nghiệp này cũng kê khai nộp thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường thiếu khối lượng với tổng số tiền còn phải nộp ngân sách là 71,5 triệu đồng; chưa nộp tiền cấp quyền khai thác 571 triệu đồng.
Tại dự án khai thác mỏ chì kẽm Bó Tòong - Lũng Áp (xã Sảng Mộc, huyện Võ Nhai) , chủ đầu tư dự án tiến hành hoạt động khai thác khoáng sản khi chưa có quyết định giao đất, thuê đất; còn nợ đọng tổng số nợ gần 3,5 tỷ đồng.
Tại dự án đầu tư khai thác mỏ than Cát Nê, TTCP phát hiện việc điều chỉnh về chất lượng, hàm lượng than của mỏ từ loại than cám về loại than phụ phẩm để tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản khi chưa có ý kiến của Bộ TNMT. “Ngoài ra, Công ty thực hiện khai thác mỏ than Cát Nê chưa hoàn thành các công trình về bảo vệ môi trường nhưng đã hoạt động khai thác là vi phạm pháp luật. Cùng với đó, công ty nợ đọng tiền ký quỹ bảo vệ, phục hồi môi trường là gần 700 triệu đồng” - TTCP kết luận.
Từ kết quả thanh tra, TTCP kiến nghị giao Thanh tra tỉnh Thái Nguyên kiểm tra, rà soát để thu hồi về ngân sách tỉnh Thái Nguyên 51 tỷ đồng tiền thuế, phí doanh nghiệp nợ đọng và tiền sai phạm phát hiện qua thanh tra tại 13 dự án mỏ trên địa bàn tỉnh này.
Kiến nghị rà soát lại giá đất ở dự án 2.100 tỷ đồng
Đáng chú ý, tại kết luận thanh tra, TTCP kiến nghị địa phương kiểm tra, xác định lại giá đất đã giao cho doanh nghiệp thực hiện dự án Khu tổ hợp thương mại, dịch vụ trường học và nhà ở Gia Sàng (Thái Hưng Eco City, dự án có tổng mức đầu tư 2.100 tỷ đồng - PV) và dự án Khu nhà ở kết hợp thương mại, dịch vụ phường Quang Trung, TP Thái Nguyên.
Về dự án Thái Hưng Eco City, TTCP cho biết, Công ty cổ phần thương mại Thái Hưng trúng đấu giá tài sản bán đấu giá bao gồm toàn bộ nhà xưởng, kho bãi, vật kiến trúc gắn liền với đất thuê của Nhà nước thu tiền hàng năm trên diện tích đất 226.862m2 đất, mục đích sử dụng là sản xuất kinh doanh. Sau đó được UBND tỉnh Thái Nguyên cho phép chuyển đổi mục đích 214.000m2 đất từ đất sản xuất kinh doanh sang đất xây dựng khu đô thị là phù hợp kế hoạch sử dụng đất.
Tuy nhiên, TTCP yêu cầu Công ty cổ phần thương mại Thái Hưng khẩn trương thực hiện di dời, cải tạo, nâng cấp nhà máy luyện cán thép Gia Sàng trên khu đất của Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên theo đúng cam kết. Đồng thời đề nghị UBND tỉnh kiểm tra, rà soát lại giá đất giao cho Công ty cổ phần thương mại Thái Hưng theo từng vị trí, đảm bảo chính xác, đúng quy định, phù hợp với giá thị trường.
Còn tại dự án Dự án khu nhà ở kết hợp thương mại, dịch vụ phường Quang Trung, TP Thái Nguyên, TTCP cho rằng, UBND tỉnh Thái Nguyên xác định dự án có mục đích sử dụng đất là thương mại dịch vụ là không phù hợp với điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của TP Thái Nguyên và quy hoạch sử dụng đất (thuộc loại đất ở tại đô thị) được Chính phủ phê duyệt, vi phạm Luật Đất đai năm 2013.
Ngoài ra, dự án này chưa được Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; UBND tỉnh Thái Nguyên không thực hiện bán đấu giá quyền sử dụng đất, tài sản trên đất khu vực bến xe khách Thái Nguyên (cũ); phê duyệt kết quả sơ tuyển, nhà đầu tư khi chưa có tờ trình phê duyệt; xác định giá đất theo phương pháp so sánh trực tiếp tại chứng thư định giá đất số 189/CT-ĐGĐ ngày 22/9/2017 chưa đúng quy định…
Đáng chú ý, TTCP cảnh báo có nguy cơ gây thất thu ngân sách nhà nước trong việc UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành Quyết định số 3147/QĐ-UBND ngày 13/10/2017 xác định giá đất ở là 17,5 triệu đồng/m2; đất thương mại dịch vụ là 14,8 triệu đồng/m2 chưa phù hợp với khung giá đất của tỉnh.
Không chỉ vậy, UBND tỉnh Thái Nguyên còn đối trừ hơn 5,9 tỷ đồng tiền bồi thường GPMB vào số tiền sử dụng đất không có căn cứ pháp luật. Sau khi TTCP vào cuộc, doanh nghiệp thực hiện dự án đã nộp số tiền này.
Cùng với yêu cầu tổ chức kiểm điểm trách nhiệm cá nhân liên quan sai phạm, TTCP còn yêu cầu UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức xử lý về tài chính số tiền hơn 145 tỷ đồng, trong đó điều chỉnh tổng mức đầu tư, ký phụ lục điều chỉnh giá trị dự án với tổng số tiền làm tròn số là 79 tỷ đồng; Điều chỉnh, giảm trừ 12 tỷ đồng đối với 6 dự án…
Đáng chú ý, TTCP cảnh báo có nguy cơ gây thất thu ngân sách nhà nước trong việc UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành Quyết định số 3147/QĐ-UBND ngày 13/10/2017 xác định giá đất ở là 17,5 triệu đồng/m2; đất thương mại dịch vụ là 14,8 triệu đồng/m2 chưa phù hợp với khung giá đất của tỉnh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận