Sai phạm ở dự án vốn vay gần 100 triệu USD: Dựng khống hồ sơ?
Theo tài liệu mà Tiền Phong có được, chỉ với 2 gói thầu được xem là nhỏ nhất của dự án này, Ban quản lí dự án và nhà thầu có dấu hiệu bắt tay làm khống hồ sơ.
Năm 2019, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Ngân hàng Thế giới (WB) cho tỉnh Quảng Bình vay 80 triệu USD để xây dựng hạ tầng môi trường đô thị và chống biến đổi khí hậu tại TP Đồng Hới. Chính phủ Việt Nam bỏ ra 16 triệu USD làm vốn đối ứng. Tổng toàn bộ dự án này có số vốn lên đến 96 triệu USD, do Ban quản lí Dự án (BQLDA) Môi trường và Biến đổi khí hậu Đồng Hới đại diện chủ đầu tư.
Để chuẩn bị cho việc triển khai xây dựng hạ tầng thuộc các hợp phần của dự án, ngày 4/12/2018, BQLDA Môi trường và Biến đổi khí hậu Đồng Hới (do ông Nguyễn Văn Thuận làm giám đốc) ký hợp đồng chỉ định thầu với Tổng Công ty Hợp tác kinh tế/ Quân khu 4 (ông Nguyễn Quang Vinh làm giám đốc) điều tra, khảo sát, lập phương án và dự toán rà phá bom mìn, vật nổ (RPBMVN) thuộc Dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải - Tiểu Dự án TP Đồng Hới. Giá trị hợp đồng hơn 277 triệu đồng.
Theo đó, bên B phải hoàn thành hồ sơ phương án, kỹ thuật thi công và dự toán RPBMVN được phê duyệt; báo cáo kết quả phương án kỹ thuật thi công và dự toán RPBMVN được Bộ tư lệnh Công binh thẩm định và được Bộ Quốc phòng phê duyệt; quyết định phê duyệt thi công và dự toán RPBMVN; bản vẽ kỹ thuật thi công, thuyết minh mặt bằng, phạm vi ranh giới rà phá bom mìn (RPBM) công trình gói thầu DH-3.1 và các biện pháp xử lí khác (nếu có) được phê duyệt. Thời hạn để hoàn thành các nội dung trong hợp đồng này là 10 ngày.
Ông Nguyễn Văn Thuận, Giám đốc BQLDA Môi trường và Biến đổi khí hậu TP Ðồng Hới ký hợp đồng và phê duyệt phương án rà phá bom mìn trong cùng một ngày.
Theo một chuyên gia về RPBM, đây là khối lượng công việc khổng lồ, trải rộng trên nhiều địa bàn, địa hình của TP Đồng Hới, rồi còn chờ thẩm định của Bộ Tư lệnh Công binh và phê duyệt của Bộ Quốc phòng… với thời gian 10 ngày bên B khó mà hoàn thành công việc. Tuy nhiên, ngay trong ngày ký hợp đồng (ngày 4/12/2018) ông Nguyễn Văn Thuận, Giám đốc BQLDA Môi trường và Biến đổi khí hậu TP Đồng Hới đã đặt bút ký phê duyệt đề cương nhiệm vụ điều tra, khảo sát, lập phương án và dự toán của gói thầu DH-3.1.
Ngày 21/12/2018, ông Nguyễn Văn Thuận ký 2 hợp đồng chỉ định thầu RPBM gồm các gói DH/NC1 và DH-3.1 trị giá lần lượt là 5,6 tỷ đồng và 8,5 tỷ đồng với Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn (Hà Nội), thời gian thực hiện trong vòng 1 tháng, trên diện tích hơn 60 ha.
Theo hồ sơ mà Tiền Phong có được từ ba nguồn độc lập xác tín cho thấy: Với gói DH/NC1, thông qua nhật ký công trường cho thấy, ngày 5/12/2018, Chi nhánh miền Trung Tổng Công ty Trường Sơn đã thành lập ban chỉ huy công trường, do ông Võ Công Nam làm chỉ huy trưởng và cho triển khai RPBMVN, tức là trước 16 ngày hai bên ký hợp đồng. Đặc biệt, ngày 18/12/2018, Bộ Quốc phòng mới chính thức phê duyệt quy mô, giải pháp kỹ thuật cho gói thầu RPBMVN nói trên bằng Quyết định số 5566/BQP. Điều này là chưa có tiền lệ, khi các thủ tục lựa chọn nhà thầu, quyết định thẩm định, phê duyệt phương án, nhiệm vụ của Bộ Tư lệnh Công binh, Bộ Quốc phòng chưa có. Tương tự, gói DH-3.1 cũng thi công trước khi ký hợp đồng.
Theo Quyết định số 5566/BQP ngày 18/12/2018 phê duyệt phương án thi công cho phép 6 đội tham gia RPBM ở các gói thầu thuộc BQLDA Môi trường và Biến đổi khí hậu TP Đồng Hới, thời gian thực hiện trong vòng 55 ngày. Tuy nhiên, do “cầm đèn chạy trước ô tô”, nhà thầu là Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn đã triển khai 8 đội trên hiện trường và thi công trong vòng 21 ngày, dẫn đến vi phạm phương án kỹ thuật được phê duyệt, vi phạm quy tắc an toàn RPBMVN, gây lãng phí nhân lực, vật lực và tiền bạc của Nhà nước.
Theo các hồ sơ liên quan và nhật ký công trường cho thấy, việc RPBMVN thuộc Dự án Môi trường và Biến đổi khí hậu TP Đồng Hới được chia thành hai giai đoạn cho đồng thời cả 2 gói DH/NC1 và DH-3.1 (từ ngày 6 đến ngày 15/12 và từ ngày 17 đến ngày 28, tổng cộng là 21 ngày). Theo đó, từ 7h30 đến 15h30 ngày 15/12/2018, các bên (ban chỉ huy thi công, đại diện tư vấn giám sát) đã kiểm tra xác suất về kết quả sau rà phá, cho thấy là đã rà phá xong, an toàn đối với khu vực kiểm tra 6.000m2, không sót tín hiệu. Như vậy thi công xong trước ngày 15/12/2018.
Ngày 16/12/2018, các bên tiến hành nghiệm thu giai đoạn 1, cho thấy cả 7 đội chỉ rà phá đến độ sâu 5m, mỗi đội đã rà phá chiều sâu 0-0,3m là 3ha; chiều sâu 0,3-5m là 3ha. Riêng đội 8 đã khoan 909 lỗ, tổng chiều sâu 4.545m (sâu 5m/lỗ).
Ngày 18/12/2018, Bộ Quốc phòng mới có quyết định 5566/QĐ-BQP về việc phê duyệt phương án kỹ thuật thi công, dự toán cho dự án WB Đồng Hới, trong đó nêu rõ: Rà phá đến độ sâu 5m, riêng khu vực khoan cọc nhồi và khu vực cọc cát xử lý đất yếu thì dò đến độ sâu 10m qua các lỗ khoan, trên diện tích 2,37 ha.
Từ ngày 18 đến 21/12/2018, Ban QLDA Đồng Hới thần tốc thực hiện các thủ tục: Lập, phê duyệt hồ sơ mời đề xuất, lễ mở hồ sơ đề xuất, đánh giá hồ sơ đề xuất, đàm phán, thương thảo, công bố kết quả lựa chọn nhà thầu, ký hợp đồng với nhà thầu là Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn trong vòng 4 ngày.
Ngày 29/12/2018 tiến hành nghiệm thu giai đoạn 2, từ ngày 17/12/2018 đến hết 28/12/2018 cho thấy: Sau 12 ngày thi công, cả 7 đội đều rà phá các độ sâu 0-0,3m; 0,3-3m; 3-5m; 5-10m. Riêng đội 8 đã khoan 1.071 lỗ, tổng chiều sâu 5.355m (sâu 5m/lỗ).
Vị chuyên gia về RPBM phân tích: Trong vòng 21 ngày thi công, nếu tính từ ngày 5/12 đã chia ra 2 giai đoạn (9+12 ngày), trong đó giai đoạn 2 mỗi đội đều cùng rà phá ở độ sâu 5-10m với diện tích 0,3ha/đội và cùng thực hiện các độ sâu khác với diện tích 4ha/đội. Diện tích cần rà phá có độ sâu 5-10m chỉ tập trung ở một khu vực rộng 2,36 ha. Như vậy điều này không logic, thực tế là trên mặt bằng cần phân chia thành các khu vực độc lập cho các đội thi công. Việc chia mỗi loại một ít cho các đội cùng tham gia có thể chỉ là cách làm giả để viết hồ sơ nghiệm thu cho nhanh.
Hơn nữa, với 21 ngày, 1 đơn vị thực hiện 2 gói thầu đã khoan tổng cộng 15.000m, tương đương 15km chiều sâu, và lắp đặt 15km ống nhựa đường kính 110mm để phục vụ công tác dò bom thì quả là thần tốc. Điều này không thể, vì quá trình khoan (nếu có) phải theo quy trình, thứ tự, tốc độ để không khoan dính bom, đảm bảo an toàn trong quá trình rà phá vật liệu nổ.
“Ðây là việc làm khống hồ sơ. Không lí gì ngay trong ngày ký hợp đồng, bên B có thể hoàn thành đề cương để bên A phê duyệt. Thời gian đâu để bên B đi hiện trường điều tra, khảo sát, chứ chưa nói đến việc còn phải nghiên cứu, tổng hợp kết quả điều tra, khảo sát để lên phương án RPBM” - một chuyên gia về rà phá bom mìn khẳng định.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận