Rút ra được gì từ việc Phương Tây trừng phạt Nga?
Tờ "The Hill" ngày 3/4 dẫn lời nhà phân tích người Nga Egor Kotkin nhận định rằng "đòn trừng phạt kinh tế" (của phương Tây) đối với Nga sau khi Moskva tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi tháng 2/2022 cho thấy phương Tây vẫn duy trì sức mạnh ở lĩnh vực kinh tế.
Bình luận trên một chương trình truyền hình của tờ "The Hill", nhà phân tích người Nga nói rằng "cán cân quyền lực, sức mạnh sản xuất, kinh tế, dân số đang chuyển dịch rất nhiều ra bên ngoài phương Tây. Tuy nhiên, phần còn lại của thế giới đang nhìn vào trường hợp nước Nga để thấy phương Tây vẫn kiểm soát phần lớn các mối quan hệ thông qua sức mạnh kinh tế". Ông cho biết thêm rằng kể cả khi một quốc gia có chủ quyền đề cập đến hành động bạo lực như chiến tranh hoặc những hành động đàn áp trong nước, thậm chí không liên quan đến phương Tây, vẫn có thể bị tác động - thậm chí bị tàn phá - về mặt kinh tế. Mặc dù vậy, ông Kotkin nói rằng sự ủng hộ ở trong nước đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin đang ngày càng gia tăng như thời điểm Nga sáp nhập bán đảo Crimea hồi năm 2014 và cũng giống như sự ủng hộ đối với cựu Tổng thống George W. Bush sau cuộc tấn công khủng bố 11/9. Ông cho biết thêm rằng người dân Nga coi các đòn trừng phạt kinh tế đối với Nga là một cuộc chiến theo hình thức khác và cuộc chiến này vẫn sẽ còn tiếp diễn.
Trong khi đó, các nghị sĩ lưỡng đảng của Quốc hội Mỹ đang thảo luận về đề xuất ngân sách quốc phòng trị giá 813,3 tỷ USD mà Tổng thống Joe Biden đưa ra cho năm tài khóa 2023. Đây là một trong những khoản đầu tư lớn nhất hàng năm dành cho Bộ Quốc phòng Mỹ. Đảng Cộng hòa tương đối thống nhất trong các đề nghị tăng cường đầu tư quốc phòng trong bối cảnh mối đe dọa từ Trung Quốc tăng lên, Mỹ đang hỗ trợ Ukraine và các nước đồng minh ứng phó với Nga cũng như xu hướng tăng lạm phát của nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, sự khác biệt lại đến từ Đảng Dân chủ. Các đảng viên dân chủ tự do không ủng hộ tăng đầu tư cho Lầu Năm góc vì việc này đã ảnh hưởng đến ngân sách quốc gia của Mỹ trong những năm qua. Các đảng viên trung dung nhìn vấn đề từ lăng kính cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ - thời điểm Đảng Dân chủ có thể gặp khó khăn - do đó những nghị sỹ Đảng Dân chủ sẽ muốn được nhìn nhận là những người ủng hộ chính sách quốc phòng của Mỹ. Theo Thượng nghị sĩ Richard Blumenthal của Đảng Dân chủ, khoản đầu tư này là cần thiết do Mỹ cần tập trung vào tăng cường an ninh cho chính mình và tiếp tục hỗ trợ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Ukraine trong bối cảnh tình hình an ninh thế giới ngày càng nhiều bất ổn.
Con số 813,3 tỷ USD của gói đề xuất vừa qua của Tổng thống Biden cao hơn 4% so với con số 782 tỷ USD được phê duyệt cho năm tài khóa 2022. Trong số đó, 773 tỷ USD sẽ là khoản đầu tư dành cho Bộ Quốc phòng cho năm tài khóa 2023 (tăng 4,1% so với năm tài khóa 2022), phần còn lại dành cho các chương trình liên quan đến an ninh trong các dự án khác của chính phủ liên bang như các chương trình về an ninh hạt nhân quốc gia hoặc của Bộ Năng lượng. Khi tính thêm yếu tố lạm phát, con số đầu tư sẽ thực tăng khoảng 1,5%.
Quốc hội Mỹ sẽ là cơ quan có tiếng nói quyết định về khoản ngân sách này. Dự đoán con số thông qua có thể còn cao hơn con số do Tổng thống Biden đề xuất. Đây là tình huống đã xảy ra hồi năm 2021, khi Tổng thống Biden đề xuất ngân sách 752,9 tỷ USD cho quốc phòng (trong đó 715 tỷ USD dành cho Lầu Năm Góc) và Quốc hội cuối cùng đã thông qua con số lần lượt là 782 tỷ USD và 742,3 tỷ USD. Các nguy cơ an ninh có thể ảnh hưởng đến quyết định lần này của Quốc hội Mỹ gồm hiện đại hóa hạt nhân, những mối đe dọa của Trung Quốc và việc Nga xâm lược Ukraine.
Trong một diễn biến khác, Ấn Độ chịu sức ép của Mỹ và phương Tây về việc phải có lập trường mạnh mẽ hơn đối với Nga. Theo "The Hill" ngày 2/4 , các quan chức cấp cao của Mỹ, Nga và châu Âu tuần qua đã tới Ấn Độ, hội đàm với những người đồng cấp nước này, thể hiện nỗ lực của Mỹ và đồng minh nhằm lôi kéo New Delhi thể hiện lập trường rõ ràng hơn về cuộc khủng hoảng Ukraine hiện nay. Trong các trao đổi với quan chức Ấn Độ, ông Daleep Singh - Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ phụ trách Kinh tế Quốc tế đồng thời là "kiến trúc sư trưởng" của các quyết định trừng phạt kinh tế của Chính quyền Biden - đã chỉ trích việc Ấn Độ nhập khẩu dầu mỏ và quá phụ thuộc vào vũ khí của Nga. Tại buổi họp báo, ông Singh khẳng định Mỹ không muốn chứng kiến "sự tăng trưởng chóng mặt" trong chiều hướng nhập khẩu dầu từ Nga, sẵn sàng hỗ trợ Ấn Độ đa dạng nguồn cung năng lượng cũng như quốc phòng.
Gần đây, cả chính quyền và Quốc hội Mỹ đều thể hiện "bức xúc" khi Ấn Độ dường như vẫn đứng ở bên lề cuộc vận động gây sức ép đối với Nga. Ấn Độ bỏ phiếu trắng đối với các nghị quyết tại Liên hợp quốc nhằm lên án Nga cũng như không trừng phạt Kremlin. Giới chuyên gia cho rằng mặc dù quan hệ Mỹ-Ấn đã cải thiện trong những năm gần đây (kể cả dưới thới chính quyền tiền nhiệm của Tổng thống Donald Trump), nhưng Ấn Độ vẫn muốn duy trì mối quan hệ truyền thống với Nga. Giới chức Mỹ đang tranh cãi nhiều về việc liệu có đưa ra quyết định trừng phạt của Quốc hội Mỹ đối với Ấn Độ về việc mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga hay không. Thượng nghị sĩ Todd Young đảng Cộng hòa cho biết đã đề nghị New Delhi hiểu rằng Ấn Độ là thành viên quan trọng của nhóm Bộ tứ, đang cùng Mỹ ứng phó với Trung Quốc ở châu Á và toàn cầu, nhưng mối quan hệ quốc phòng Ấn-Nga sẽ có ảnh hưởng đến chính an ninh của Ấn Độ trong thời gian tới. Tuy nhiên, ông Derek Grossman - nhà phân tích quốc phòng của RAND Corporation - hoài nghi khả năng Mỹ sẽ trừng phạt Ấn Độ.
Ngoài Mỹ, Ngoại trưởng Anh Liz Truss, cố vấn của thủ tướng Đức là Jens Plotner và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng tới Ấn Độ tuần qua. Ngoại trưởng Lavrov tới Ấn Độ hôm 31/3, dự cuộc họp kéo dài 2 ngày với quan chức Ấn Độ với nhiệm vụ đảm bảo việc giao dịch dầu mỏ sẽ được tiến hành bằng đồng ruble và rupee để tránh lệnh trừng phạt tài chính của Mỹ và phương Tây.
Theo The Hill
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận