Rút ngắn kỳ điều chỉnh giá xăng, người dân có được lợi?
Mới đây, Bộ Công Thương đề xuất không bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu và rút ngắn kỳ điều chỉnh giá xăng xuống 10 ngày/lần.
Cụ thể, theo nội dung tại dự thảo Nghị định sửa đổi, Bộ Công Thương đề xuất thời gian giữa hai lần điều chỉnh giá xăng dầu liên tiếp là 10 ngày hoặc giữ nguyên là 15 ngày như hiện tại.
Đối với các trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm giá cơ sở tăng gồm hai phương án tăng trên 10% và tăng trên 7%, Bộ Công Thương sẽ báo cáo Thủ tướng xem xét, cho ý kiến về biện pháp điều hành.
Trước đó, góp ý cho dự thảo Nghị định, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đề xuất rút ngắn tần suất điều chỉnh xuống còn 10 ngày để giá bán lẻ trong nước ngày càng tiệm cận với giá thế giới, tránh độ trễ trong việc điều chỉnh giá.
Ngoài đề xuất về thay đổi chu kỳ điều chỉnh giá xăng, Bộ Công Thương quy định cho thương nhân kinh doanh xăng dầu được chuyển nhượng không quá 35% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài.
Lý giải về vấn đề này, đại diện Bộ Công Thương phân tích, xăng dầu là mặt hàng chiến lược, ảnh hưởng lớn đến dân sinh, an ninh năng lượng, nên khi mở cửa lĩnh vực này cần tính toán rất kỹ thời điểm phù hợp.
Nhận định về chính sách trên, PGS. TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho biết, thị trường xăng dầu trong nước hiện nay thực tế nằm trong tay một vài "ông lớn", không có sự cạnh tranh.
Do có sự độc quyền như vậy, nhà nước phải can thiệp định giá, dẫn đến những câu chuyện giá xăng dầu trong nước tăng hoặc giảm trái chiều so với giá quốc tế. Tại một số thời điểm, điều này gây bức xúc và nghi vấn trong dư luận.
Theo đó, ông Long nhận định, bằng việc mở cửa cho doanh nghiệp (DN) nước ngoài sẽ tạo thị trường cạnh tranh thật sự. Khi đó, không có chuyện phải đến kỳ liên Bộ lại điều chỉnh giá xăng dầu, tất cả để thị trường quyết định.
"Càng nhiều cạnh tranh, giá xăng dầu sẽ càng hợp lý, minh bạch; chất lượng dịch vụ cũng sẽ được cải thiện mạnh mẽ; đảm bảo uy tín, chất lượng, thái độ người bán văn minh, lịch sự, làm hài lòng người mua… Mở cửa cho doanh nghiệp nước ngoài tham gia góp vốn vào các công ty bán lẻ xăng dầu, cả DN trong nước và người tiêu dùng đều được hưởng lợi", ông Long khẳng định.
Trên thực tế, theo thông tin từ đại diện Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương), sau quá trình cổ phần hóa năm vừa qua, nhiều công ty kinh doanh xăng dầu trong nước đã là công ty có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
"Thực tiễn đã có các trường hợp như vậy và Thủ tướng cũng có văn bản chỉ đạo Bộ Công Thương nghiên cứu để đồng nhất các văn bản quy phạm pháp luật cho phép các nhà đầu tư nước ngoài tham gia lĩnh vực xăng dầu. Cạnh đó, từ góc độ của pháp luật, khi gia nhập WTO mình không cam kết đối với lĩnh vực này, tức là mình có quyền mở cửa khi nào hệ thống phân phối ngành xăng dầu đã đủ mạnh.
Từ thực tiễn, từ cơ sở pháp lý và nhu cầu của DN Việt muốn có sự tham gia hợp tác của nhà đầu tư nước ngoài để thu hút thêm vốn, công nghệ một cách công khai, minh bạch", đại diện Vụ Thị trường trong nước lý giải.
Về việc tại sao chỉ được chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài không quá 35% số vốn, lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước cho biết thêm, Bộ Công Thương và ban soạn thảo đề xuất nhà đầu tư nước ngoài chỉ được sở hữu 35% vốn để các DN này không có quyền chi phối các vấn đề trong điều hành hoạt động xăng dầu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận