Rừng "chảy máu" tại dự án 25.000 tỉ đồng: Xem xét, xử lý trách nhiệm các bên liên quan
Ngày 30-3, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Lâm Đồng đã có công văn trả lời Báo Người Lao Động sau loạt bài phản ánh về việc để mất rừng với diện tích lớn tại dự án Khu Đô thị du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Đại Ninh (KĐT Đại Ninh) của Công ty CP Đầu tư Du lịch Sài Gòn - Đại Ninh (Công ty Sài Gòn - Đại Ninh).
Theo công văn trả lời Báo Người Lao Động, Sở NN-PTNT cho biết dự án này được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2010 với tổng diện tích 3.595 ha, tổng vốn 25.243 tỉ đồng, trong đó diện tích đất có rừng là hơn 1.050 ha. Sau 10 năm, qua thanh tra, ngày 13-4-2020, UBND tỉnh Lâm Đồng kết luận chủ đầu tư dự án đã làm mất hơn 257 ha rừng cùng 111 ha đất rừng để bị lấn chiếm.
UBND tỉnh Lâm Đồng đã yêu cầu Công ty Sài Gòn - Đại Ninh phải bồi thường số tiền gần 18,8 tỉ đồng cho 257 ha rừng bị mất và trồng lại rừng thay thế. Đến nay, số tiền bồi thường đã được Công ty Sài Gòn - Đại Ninh nộp vào ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, chủ đầu tư chỉ mới triển khai giải tỏa hơn 7,5 ha, trồng lại rừng 13,4 ha; còn lại diện tích đất trống 2,2 ha và gần 234 ha là… rẫy cà phê.
Từ năm 2020 đến nay, trên khu vực do Công ty Sài Gòn - Đại Ninh quản lý, 30 vụ phá rừng, khai thác rừng trái phép tiếp tục xảy ra. Theo Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, đối với các vụ vi phạm nêu trên, Hạt Kiểm lâm Đức Trọng đã ban hành quyết định xử lý 9 vụ với tổng số tiền phạt 52 triệu đồng. Trong đó, Công ty Sài Gòn - Đại Ninh bị xử phạt 2 vụ với số tiền 45 triệu đồng do thực hiện không đầy đủ các hoạt động quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng trên diện tích được thuê, để xảy ra phá rừng trái pháp luật.
Với 21 vụ phá rừng còn lại, theo ông Võ Danh Tuyên, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, sở đã giao Chi cục Kiểm lâm chỉ đạo Hạt Kiểm lâm Đức Trọng theo dõi, nếu cây rừng có dấu hiệu chết thì ban hành quyết định xử lý. Sở cũng đề nghị UBND huyện Đức Trọng khẩn trương lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính về hành vi lấn chiếm đất lâm nghiệp để khôi phục rừng theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh.
Với những vụ phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật gây thiệt hại lớn nhưng không được phát hiện, ngăn chặn kịp thời, Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết sẽ chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, kỷ luật các tập thể, cá nhân liên quan của Hạt Kiểm lâm Đức Trọng. Sở sẽ có văn bản đề nghị UBND huyện Đức Trọng xem xét trách nhiệm của các tập thể và cá nhân liên quan thuộc UBND cấp xã nơi xảy ra vi phạm để xử lý.
Theo tiến độ được đưa ra ban đầu thì đến năm 2018, dự án KĐT Đại Ninh sẽ hoàn thành với tổng vốn đầu tư 25.243 tỉ đồng. Cuối năm 2021, Công ty Sài Gòn - Đại Ninh đã có văn bản đề nghị điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án tăng thêm 5.048 tỉ đồng, thành hơn 30.291 tỉ đồng và đề nghị điều chỉnh tiến độ thực hiện. Tuy nhiên, đề nghị này chưa được cơ quan thẩm quyền phê duyệt.
Theo báo cáo của Sở Tài chính tỉnh Lâm Đồng, đến cuối năm 2021, Công ty Sài Gòn - Đại Ninh mới đầu tư vào dự án khoảng 2.000 tỉ đồng, chỉ xây dựng một số công trình nhà điều hành, nhà làm việc cho nhân viên và đường giao thông nội bộ. Hiện trạng dự án vẫn chưa có sự thay đổi. Đến đầu tháng 1-2023, liên quan dự án KĐT Đại Ninh, ông Nguyễn Cao Trí, Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn - Đại Ninh, có văn bản gửi lãnh đạo Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường về dự kiến tiến độ thực hiện và phân kỳ đầu tư. Trong đó, phân kỳ I là xây dựng cơ sở hạ tầng kéo dài 5 năm, từ 2022-2026; phân kỳ II sẽ kéo dài 10-15 năm trong giai đoạn 2023-2037.
Trong khi đó, theo Công văn điều chỉnh số 725 ngày 28-1-2022, UBND tỉnh Lâm Đồng thống nhất chủ trương cho Công ty Sài Gòn - Đại Ninh được gia hạn thời gian đưa đất vào sử dụng 24 tháng kể từ ngày ký công văn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận