Run rẩy trong chung cư mùa bão
Các cửa kính căn hộ tôi ở bắt đầu rung lên, rồi giật bần bật theo từng hồi gió trong cơn bão tối 7/9.
Tôi gia cố cửa bằng băng keo rồi đẩy tất cả đồ vật nặng về phía các cửa kính. Cùng với gió, mưa nặng hạt chảy thành dòng ngấm qua các kẽ hở bắt đầu rỉ vào nhà. Chúng tôi huy động khăn, túi nilon bịt tất cả khe nước trên các khuôn, hèm, gioăng cao su. Nhưng rồi gió ngày càng mạnh, mưa ngày càng lớn. Mất điện. Nước phun thành tia qua các khe ghép nối khung và khuôn cửa từ mọi hướng. Chúng tôi bất lực, lui vào nơi an toàn nhất trong nhà, run rẩy chờ bão qua.
Phải mất cả buổi sáng hôm sau, chúng tôi mới lau dọn xong bãi chiến trường ngổn ngang sau bão.
Căn hộ nhà tôi nằm trên tầng 23 một tòa chung cư ở Hà Nội, mới chỉ đưa vào sử dụng 4-5 năm.
Nhiều gia đình khác, ở tâm bão Quảng Ninh, Hải Phòng, thậm chí còn hoảng sợ hơn chúng tôi, khi gió dữ cuốn phăng kết cấu cửa sổ và vách kính lớn. Nhiều chung cư dột, sập trần tầng sảnh thang máy, thậm chí nứt cả tường...
Siêu bão Yagi đã làm lộ ra nhiều vấn đề về chất lượng thi công và các tiêu chí an toàn của hệ thống kết cấu bao che, đặc biệt là hệ kết cấu cửa sổ, vách, cửa bằng khung kim loại và kính mặt tiền ở các chung cư cao tầng.
Khác với các loại nhà ở thông thường, chung cư là cấu trúc nhà ở có sự khác biệt lớn về có khối tích, chiều cao, cấu trúc tổ chức. Khi có thời tiết bất thường, đặc biệt là giông bão với gió lốc giật mạnh và mưa lớn, áp lực tải trọng đa dạng và phức tạp sẽ tác động đến hệ thống kết cấu bao che bên ngoài công trình. Nếu xảy ra sự cố mất an toàn thì thiệt hại thường khá lớn. Sự an toàn và ổn định của hệ kết cấu cửa sổ, vách, cửa bằng khung kim loại và kính mặt tiền loại công trình này được đảm bảo bởi ba tiêu chí chính: Thiết kế hình dáng/ vị trí, Lựa chọn chủng loại vật liệu, Gia công sản xuất và thi công xây dựng lắp đặt.
Ba tiêu chí này đều đang gây ra nhiều mối lo ngại về tính an toàn do thiếu các thiết chế giám sát, cũng như sự khó khăn trong quá trình kiểm tra chất lượng, ngay cả với giới chuyên môn.
Các kết cấu cửa sổ, vách, cửa khung kim loại và kính mặt tiền nhà chung cư bị rung lắc và cuốn bay trong giông, lốc, bão thường do chất lượng vật liệu kém, độ vênh dơ giữa các cấu kiện lắp ghép lớn, thi công lắp đặt không đảm bảo. Còn hiện tượng rò nước có thể bắt nguồn từ vật liệu không tốt, bề mặt rạn nứt sau thời gian sử dụng, hệ gioăng cao su kém chất lượng. Các cấu trúc thường không được gia cố bằng các khớp ngàm và keo để đảm bảo kín nước khi thi công, Khâu bơm keo chuyên dụng để bịt các khe hở giữa cửa với tường gạch cũng thường bị bỏ qua nên kết cấu không có khả năng chống chịu áp lực hiệu ứng "ấn nước" do chênh áp giữa bên trong và bên ngoài khi mưa to gió lớn.
Do đó, nhiều quốc gia trên thế giới khi thiết kế công trình cao tầng đã rất chú trọng đến việc giám sát những chi tiết này. Trong đó, họ bắt buộc kiểm tra mô hình thiết kế công trình trong các hầm gió để có những điều chỉnh cần thiết nhằm đảm bảo về cấu trúc hình khối, kết cấu lớp vỏ bao che bên ngoài công trình.
Tại Việt Nam, những năm gần đây, nhiều chuyên gia đã chỉ ra tình trạng lạm dụng kính trong thiết kế mặt tiền nhà cao tầng. Nhiều quy chuẩn xây dựng đã đề cập một phần đến các tiêu chí và chỉ tiêu về thiết kế và gia công, thi công hệ thống kết cấu vách bao che mặt tiền, bao gồm cả hệ cửa sổ, vách, cửa bằng khung kim loại và kính mặt tiền nhà chung cư. Tuy nhiên, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt thì việc gia tăng mức độ an toàn trong thiết kế tổ chức hệ thống kết cấu này rất cần được nghiên cứu và bổ sung thêm.
Để hạn chế sự lạm dụng nhưng vẫn đảm bảo tính thẩm mỹ và tiện nghi sử dụng, cần sớm bắt đầu với các quy định về mật độ tối thiểu và tối đa của hệ cửa sổ, vách, cửa ban công bằng khung kim loại và kính trên mặt tiền chung cư, cũng như khả năng chịu tải trọng, mức độ kín nước. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu và quy định rõ tiêu chuẩn về cấu trúc các mô đun khung, giải pháp liên kết và cố định theo các tiêu chuẩn và phương thức mới, bền vững và an toàn hơn so với các phương pháp gia công chế tạo, thi công lắp đặt thông thường.
Sau cùng, để tránh tình trạng "mất bò mới lo làm chuồng", cần siết chặt kiểm soát chất lượng ngay từ khâu lựa chọn vật liệu, gia công sản xuất và thi công xây dựng. Nhanh chóng loại bỏ tình trạng sử dụng các kết cấu có chất lượng vật liệu và gia công sản xuất kém, lắp đặt chủng loại không phù hợp với các công trình nhà ở thương mại. Quá trình nghiệm thu chất lượng công trình cần ưu tiên hơn việc giám sát các mối liên kết và lắp đặt keo, hệ gioăng đảm bảo độ ổn định, chống rung lắc và kín nước, kín gió.
Các "cư dân trên tầng cao" giờ có thể đã tạm hoàn hồn, nhưng nếu bão lại tới, tôi có lẽ không còn cách nào khác ngoài việc sơ tán cả gia đình mình xuống mặt đất.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận