24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Lê Thị Liên
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Rủi ro sau các những thương vụ M&A

Các thương vụ M&A thường trải qua giai đoạn đàm phán, định giá kéo dài trước khi công bố. Nhưng sau đó, nhiều thương vụ vẫn có thể đổ bể do các bên tham gia không đánh giá hết rủi ro tiềm ẩn.

Công ty Truyền thông VMG (VMG) mới đây vừa thông báo nhận được phán quyết của Trung tâm trọng tài quốc tế Singapore cho vụ tranh chấp giữa công ty và Global Payment Service/UTC Investment (GPS là quỹ đầu tư được thành lập và quản lý bởi UTC, cả hai có trụ sở tại Hàn Quốc).

Theo kết quả phán quyết, VMG đã vi phạm một số bảo đảm theo hợp đồng, vi phạm một số cam kết đã thỏa thuận và vi phạm khi đã cung cấp thông tin không đúng sự thật về hoạt động của Công ty EPAY trong hợp đồng bán cổ phần EPAY cho GPS/UTC.

Theo đó công ty có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho GPS/UTC số tiền tương đương 626 tỷ đồng tại thời điểm ngày 21/10/2021. Đồng thời phải chịu mức lãi suất 5,33% cho khoản bồi thường kể từ ngày 21/10 cho đến thời điểm thanh toán toàn bộ số tiền bồi thường.

Quay trở lại năm 2017, VMG đã chuyển nhượng toàn bộ 62,25% cổ phần của mình tại Công ty thanh toán điện tử VNPT (EPAY) cho đối tác Hàn Quốc là GPS và UTC. Tổng giá trị chuyển nhượng là 519 tỷ đồng và mang lại khoản lợi nhuận gần 400 tỷ đồng. Số tiền này sau đó được chia cổ tức gần như toàn bộ cho cổ đông với tỷ lệ đột biến 195%.

EPAY là đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử. Đáng chú ý khi đây là một trong những doanh nghiệp trung gian thanh toán trong đường dây đánh bạc nghìn tỷ đồng liên quan đến Phan Sào Nam diễn ra trong năm 2018.

Đến năm 2019, GPS và UTC cho rằng VMG đã phản ánh không trung thực và chính xác tình hình tài chính của EPAY khi đưa ra doanh thu 5.351 tỷ đồng và EBITDA 26,7 tỷ đồng. GPS và UTC cho rằng hoạt động của EPAY bao gồm cả những hoạt động vi phạm pháp luật Việt Nam khiến đơn vị đã đưa ra quyết định chưa chính xác trong việc mua bán cổ phần tại EPAY. Doanh nghiệp Hàn Quốc đã khởi kiện ra trung tâm trọng tài quốc tế và đòi VMG bồi thường 755,8 tỷ đồng.

Cũng theo các điều khoản trong hợp đồng chuyển nhượng nêu trên, VMG phải chịu trách nhiệm bồi thường bất kỳ khiếu nại thuế nào phát sinh trực tiếp từ bất kỳ sự kiện hoặc vấn đề nào còn tồn tại trước khi hoàn thành hợp đồng và điều khoản bảo hành về tuân thủ pháp luật.

Vì vậy, VMG đã trích lập dự phòng phải trả cho GPS và UTC đối với các nghĩa vụ có thể phát sinh từ các hành vi vi phạm pháp luật của EPAY trong giai đoạn VMG nắm giữ cổ phần.

Báo cáo tài chính cuối quý 3/2021 ghi nhận VMG đã trích lập dự phòng phải trả đối với hợp đồng chuyển nhượng EPAY 218 tỷ đồng, bao gồm truy thu thuế, phạt thuế, tiền thuế chậm nộp và thỏa thuận tuân thủ pháp luật.

Vụ việc của VMG là trường hợp điển hình cho thấy rủi ro từ hoạt động M&A doanh nghiệp. Đằng sau những thương vụ M&A là những điều khoản cam kết, ràng buộc chặt chẽ về nghĩa vụ của cả 2 bên.

Không như nhiều người nghĩ rằng thương vụ M&A đã hoàn tất sau khi công bố “tiền trao, cháo múc”, các điều khoản trong nhiều thương vụ kéo dài nhiều năm, và có thể dẫn đến các thay đổi lớn về lợi ích của các bên liên quan.

Hồi tháng 10/2021, Công ty WHA Utilities and Power Public Company Limited (WHAUP) của Thái Lan đã khởi kiện Công ty Aqua One và ông Đỗ Tất Thắng lên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, liên quan vi phạm không hoàn thành các nghĩa vụ theo thỏa thuận mua bán cổ phần.

Theo đó, tập đoàn từ Thái Lan đã mua lại 34% cổ phần của Công ty nước mặt Sông Đuống từ ông Đỗ Tất Thắng với số tiền hơn 1.886 tỷ đồng.

Trong đó, thỏa thuận mua bán cổ phần có kèm điều khoản WHAUP được quyền bán toàn bộ cổ phần của mình tại Công ty Sông Đuống cho Aqua One (cổ đông lớn của Sông Đuống), với giá bằng mức tập đoàn này đã thanh toán cộng thêm giá vốn ghi sổ theo quy định trong hợp đồng.

Quyền bán này sẽ được kích hoạt khi công ty Sông Đuống không chuyển cho WHATUP Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã sửa đổi trước ngày 25/10/2020, với nội dung nâng công suất dự án khai thác Nhà máy Nước mặt Sông Đuống từ 300.000 m3/ngày lên 600.000 m3/ngày.

Aqua One đóng vai trò là bên bảo lãnh cho ông Đỗ Tất Thắng và Công ty Sông Đuống về nghĩa vụ xin cấp phép Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư sửa đổi.

Mặc dù vậy, khi đến hạn, Công ty Sông Đuống đã không cung cấp được bản đăng ký sửa đổi theo như thỏa thuận. Đến ngày 23/11/2020, WHAUP đã gửi thông báo cho Aqua One về việc sẽ thực hiện quyền bán lại cổ phần trong công ty Sông Đuống.

Aqua One có nghĩa vụ mua cổ phần từ WHAUP trước ngày 7/6/2021 theo thỏa thuận mua bán cổ phần. Tuy nhiên, sau 3 tháng, Aqua One vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ nêu trên, buộc tập đoàn của Thái Lan phải gửi đơn kiện.

Nhà máy nước mặt Sông Đuống nhà máy nước sạch sinh hoạt quy mô cấp vùng, tổng diện tích 61,5 ha với mức đầu tư giai đoạn 1 gần 5.000 tỷ đồng, có công suất 300.000 m3/ngày đêm. Đây từng là dự án trọng điểm của Hà Nội cho đến khi vướng vào những lùm xùm trợ giá cho nhà máy nước và bị cơ quan chức năng điều tra sai phạm.

Đầu năm 2021, thị trường bất động sản Việt Nam cũng chứng kiến một vụ kiện liên quan tới hoạt động M&A khi Công ty Quốc Cường Gia Lai khởi kiện Công ty Đầu tư Sunny Island ra Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) liên quan đến tranh chấp phát sinh từ Hợp đồng hứa mua, hứa bán dự án Khu dân cư Bắc Phước Kiển, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM.

Theo hợp đồng ký kết vào quý 1/2017 giữa Quốc Cường Gia Lai và Sunny Island, Quốc Cường Gia Lai sẽ thực hiện các thủ tục pháp lý đến khi đủ điều kiện chuyển nhượng dự án thì sẽ chuyển nhượng 100% dự án cho Sunny Island.

Tiến độ pháp lý sẽ thực hiện song song tiến độ thanh toán của Sunny Island. Tuy nhiên, đến thời điểm khởi kiện, phía Sunny Island mới thanh toán tương đương đợt 2, với số tiền 2.882 tỉ đồng, trong khi Quốc Cường Gia Lai đã thực hiện thủ tục pháp lý tương ứng đến đợt thanh toán thứ 5.

Chậm thanh toán, nhưng Sunny Island lại yêu cầu Quốc Cường Gia Lai tiếp tục thực hiện tiếp hợp đồng theo các điều khoản và giá của 4 năm trước nhưng các điều khoản của hợp đồng không còn phù hợp với quy định pháp luật hiện nay nên không thể thực hiện được. Chính vì vậy, Quốc Cường Gia Lai quyết định thực hiện theo điều khoản quy định trong hợp đồng là kiện Sunny Island ra VIAC để giải quyết. Đến nay thương vụ này vẫn chưa có dấu hiệu được giải quyết.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả