Rủi ro rình rập nhà đầu tư chứng khoán
Nghẽn mạng, lãnh đạo làm giá cổ phiếu, đội lái thổi giá hay phải cạnh tranh với hoạt động tự doanh của công ty chứng khoán… là những rủi ro thường trực đối với nhà đầu tư nhỏ lẻ trên sàn chứng khoán hiện nay.
Mất tiền oan vì nghẽn mạng
Hàng triệu nhà đầu tư (NĐT) đã tham gia thị trường chứng khoán (TTCK) chắc chắc không ai quên được việc nghẽn lệnh trong giao dịch tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) kéo dài từ cuối năm 2020 đến gần hết năm 2021.
Lệnh giao dịch thường xuyên không gửi được vào hệ thống giao dịch tại HOSE, đồng nghĩa với việc NĐT muốn mua hay bán đều không thể thực hiện. Sau đó, liên tục xuất hiện tình trạng bảng điện ở các công ty chứng khoán (CTCK) bị đơ, chỉ số và giá chứng khoán không cập nhật theo thời gian thực khiến NĐT rơi vào cảnh “mù” trong giờ giao dịch. Tình trạng này diễn ra liên tục và ngày càng nghiêm trọng hầu như hằng ngày trong suốt hơn 7 tháng, đến tận giữa năm 2021 khiến rất nhiều NĐT bị thua lỗ. Để đối phó tình trạng này, chính HOSE đã đề xuất nâng lô giao dịch từ 10 đơn vị lên 100 đơn vị ngay từ đầu năm 2021 đến nay và các NĐT không được phép sửa lệnh, hủy lệnh càng khiến khả năng thua lỗ của họ rất lớn.
Ngoài lãnh đạo các sở giao dịch chứng khoán còn có bộ phận giám sát của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, nhưng bao nhiêu vấn đề, nghi vấn từ các nhà đầu tư nêu ra vẫn không được giải quyết là trách nhiệm của lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội các NĐT tài chính VN (VAFI)
Anh Huy, một NĐT cá nhân đã tham gia TTCK hơn 10 năm qua, gọi những ngày tháng giao dịch đầu năm 2021 là “khủng khiếp” khi không được phép hủy hay sửa lệnh. Một số CTCK chỉ ngừng tính năng hủy, sửa lệnh trên phần mềm giao dịch trực tuyến, nhưng các môi giới vẫn thực hiện được. Như vậy bộ phận tự doanh của CTCK và các NĐT lớn sẽ được ưu tiên hơn. Với người bán có thể lỗ ít hơn hoặc giảm lãi, nhưng với người mua thì có khi dễ dàng bị “đu đỉnh”. “Có lần tôi đặt mua 5.000 cổ phiếu (CP) P. vào đầu tháng 6.2021 khi giá điều chỉnh nhưng mãi vẫn chưa khớp. Sốt ruột nhưng vì không thể hủy hay sửa lệnh được nên tôi đặt tiếp lệnh thị trường để mua tiếp 5.000 CP này thì sau đó giá tiếp tục rớt và khớp luôn lệnh đã đặt trước đó. Cuối cùng tôi phải ôm gấp đôi lượng CP định mua. Đáng nói là sau phiên này giá CP tiếp tục đi xuống khiến tôi bị lỗ gấp đôi kế hoạch”, anh Huy bức xúc.
Bên cạnh đó, rất nhiều NĐT đã dở khóc dở cười khi HOSE nâng lô giao dịch từ 10 đơn vị lên 100 đơn vị khiến tài khoản của họ bỗng nhiên có nhiều CP không thể giao dịch được và quy định này vẫn kéo dài đến hiện tại. Chị An, một NĐT tại TP.HCM, cho hay trước đây do vốn nhỏ, chị đầu tư CP với số lượng ít, đôi khi chỉ 20 - 30 CP. Dù đã cố gắng bán trước khi quy định của HOSE có hiệu lực từ đầu năm 2021 thì tài khoản của chị vẫn còn nhiều CP lẻ nằm chờ trong suốt năm vừa qua. Cụ thể, chị bị lẻ 70 CP mã K. nhưng mãi không bán được, quy đổi theo giá thị trường vào cuối năm 2021 cũng trị giá gần 4 triệu đồng nên buộc phải đăng ký bán cho CTCK thì chỉ còn nhận được khoảng 3,6 triệu đồng. NĐT có nhiều số CP lẻ bị thiệt thòi, ấm ức nhưng không biết kêu ai. “Oan ức cho các NĐT là CTCK luôn mua CP lẻ với giá sàn trong ngày thông báo mặc dù CP đang tăng giá trên sàn hay vẫn còn khả năng tăng. NĐT không có sự lựa chọn vì nếu không bán cho CTCK thì số CP này vẫn nằm yên mãi, cụt hết vốn. Quy định này của HOSE chỉ làm thiệt hại chính cho NĐT nhỏ lẻ và triệt tiêu cơ hội đầu tư cho những người muốn tích góp và tham gia kênh đầu tư này”, chị An bức xúc nói.
Công ty chứng khoán cạnh tranh trực tiếp với khách hàng
Kết thúc năm vừa qua, báo cáo tài chính của hầu hết CTCK cho thấy doanh thu và lợi nhuận đều lập kỷ lục, trong đó phần lãi lớn nhất đến từ hoạt động tự doanh (tự mua bán chứng khoán). Chẳng hạn, báo cáo tài chính của CTCK SSI công bố cho thấy cả năm 2021, công ty đạt doanh thu hơn 7.443 tỉ đồng, tăng hơn 3.000 tỉ đồng so với năm 2020. Trong đó, lãi từ các tài sản tài chính và đầu tư đến ngày đáo hạn hơn 3.000 tỉ đồng. Bên cạnh đó, lãi từ các khoản cho vay và phải thu là hơn 1.570 tỉ đồng và doanh thu từ môi giới hơn 2.500 tỉ đồng... Hay CTCK Bản Việt (VCI) năm vừa qua có tổng doanh thu đạt hơn 3.707 tỉ đồng, tăng 114% so với cùng kỳ, trong đó doanh thu từ lãi các tài sản tài chính chiếm tỷ trọng lớn nhất với 1.864 tỉ đồng và sau đó là doanh thu môi giới chứng khoán hơn 857 tỉ đồng, lãi từ cho vay gần 577 tỉ đồng… Được mua bán chứng khoán rồi hằng tuần hay thậm chí hằng ngày, các công ty này đều đưa ra báo cáo phân tích thị trường, phân tích một CP hay bất cứ ngành nào. Họ cũng đưa ra các khuyến nghị cho NĐT về việc nên mua mã nào, rủi ro mã nào. Nhiều NĐT bức xúc nói nếu họ biết chắc, họ đã mua trước rồi. Tại sao CTCK vừa làm môi giới lại vừa cạnh tranh trực tiếp với chính khách hàng?
"Lãnh đạo sàn HOSE và cả Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thời gian qua đã thờ ơ, thiếu trách nhiệm với nhà đầu tư và tôi hy vọng rằng thời gian tới, hoạt động của các sàn chứng khoán sẽ minh bạch hơn, giảm các chiêu trò thao túng giá, đội lái hay những doanh nghiệp không đủ chất lượng được lên sàn”. TS Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng
TS Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng, nhận định ở nhiều nước mà TTCK đã phát triển lâu năm, hầu hết CTCK chỉ hoạt động gồm môi giới, tư vấn và nhận ủy thác đầu tư. Còn hoạt động tự doanh thường sẽ thuộc về công ty đầu tư hay ngân hàng đầu tư. Các CTCK cũng sẽ phân chia đẳng cấp của chuyên gia tư vấn rõ ràng để NĐT lựa chọn và ủy thác đầu tư. Nếu NĐT có lãi thì chuyên gia tư vấn và cả CTCK sẽ nhận phí cao, nếu khách hàng thua lỗ thì đôi khi CTCK không nhận được phí này. Trong khi đó, các CTCK VN thì hoạt động tự doanh mang lại doanh thu, lãi phần lớn và hoạt động cho vay margin. Điều này khá mâu thuẫn với quyền lợi của khách hàng. Không loại trừ người phụ trách CTCK sẽ chỉ đạo nhân viên môi giới tư vấn cho khách hàng mua vào chính những CP mà công ty đã mua trước đó. Chỉ cần càng nhiều khách hàng tham gia mua thì giá CP sẽ tăng và công ty đã hưởng lợi. Đây chính là việc lợi dụng quyền hạn và trách nhiệm để kiếm lợi. Như vậy liệu Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) có giám sát từ hoạt động công bố thông tin, các bản tin phân tích về doanh nghiệp (DN), CP đến danh sách chứng khoán tự doanh của các công ty hay không? Nếu không có quy định nào để siết lại hoạt động này, thì theo TS Đinh Thế Hiển, các NĐT nhỏ lẻ luôn là người gánh chịu rủi ro vì mua sau và bán sau CTCK.
Cổ phiếu rác, làm giá chứng khoán… do buông lỏng quản lý
Sau 21 năm hoạt động, TTCK vẫn tồn tại nhiều CP “rác” khi hoạt động của DN không ổn định, giá CP được bơm thổi, thậm chí chính lãnh đạo các DN niêm yết lại vi phạm các quy định giao dịch như bán chui… Những việc này đã ít nhiều gây mất niềm tin cho NĐT trong và ngoài nước. Đáng nói, có nhiều trường hợp thao túng giá CP nhưng sau 1 - 2 năm, thậm chí lâu hơn thì UBCKNN mới công bố xử phạt. Có thể kể đến như đầu tháng 5.2018, ông Nguyễn Minh Toàn ở Hà Nội bị xử phạt 550 triệu đồng do thao túng giá CP Công ty CP Đầu tư phát triển xây dựng và thương mại VN (MBG). Nhưng thời gian thực hiện hành vi làm giá của ông Toàn thông qua 22 tài khoản khác nhau để tạo cung cầu giả thao túng giá MBG đã diễn ra trước đó gần 3 năm, từ ngày 26.11.2015 đến ngày 8.8.2016. Tương tự, UBCKNN tháng 9.2017 đã xử phạt ông Phan Sỹ Hải (Hà Nội) số tiền 550 triệu đồng vì thao túng giá CP VMD trước đó hơn 1,5 năm, từ ngày 4.1.2016 đến ngày 29.4.2016…
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội các NĐT tài chính VN (VAFI), cho rằng có nhiều hành vi làm giá CP lộ liễu mà hầu như bất kỳ NĐT nào giao dịch trên thị trường cũng đặt nghi vấn. Thế nhưng HOSE và UBCKNN hầu như không có thông tin nào về việc đã kiểm tra các giao dịch liên quan, có hay không việc làm giá hay giá tăng là do thị trường… Hay việc kiểm tra các giao dịch qua hệ thống công nghệ thông tin từ các sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm lưu ký chứng khoán là điều đơn giản mà không hiểu sao các hoạt động xử phạt lại kéo dài qua 2 - 3 năm? Điều này thể hiện sự lơ là, vô trách nhiệm với NĐT. Chính vì vậy trong năm vừa qua, VAFI đã gửi công văn đề nghị thay lãnh đạo HOSE khi để tình trạng nghẽn mạng kéo dài quá lâu, gây thiệt hại cho NĐT nói riêng và cả TTCK nói chung. Ông Hải đặt vấn đề: Ngoài lãnh đạo các sở giao dịch chứng khoán còn có bộ phận giám sát của UBCKNN, nhưng bao nhiêu vấn đề, nghi vấn từ các NĐT nêu ra vẫn không được giải quyết là trách nhiệm của lãnh đạo UBCKNN. Vì vậy, việc xử lý nghiêm là cần thiết để thị trường minh bạch, phát triển mạnh hơn.
TS Đinh Thế Hiển cũng nhận định, TTCK đương nhiên là nơi cần phải có sự minh bạch, rõ ràng nhất. Nếu thị trường chưa được minh bạch thì chắc chắn trách nhiệm thuộc về những người quản lý. Giống như siêu thị mà để lọt hàng gian, hàng dỏm vào bày bán là trách nhiệm của ban quản lý siêu thị. Điều này khiến nhiều NĐT mất niềm tin và không muốn bỏ vốn tham gia vào đầu tư trên TTCK.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận