Rủi ro giá cổ phiếu bị 'thổi phồng' quá mức bởi dòng tiền đầu cơ
Chứng khoán SBS cảnh báo mức độ cực kỳ rủi ro, khi thị giá cổ phiếu của Tập đoàn C.E.O đang bị thổi phồng quá mức bởi dòng tiền đầu cơ. Gần đây nhiều cổ phiếu khác cũng tăng vọt giá, dù doanh nghiệp làm ăn sa sút hoặc không mấy nổi bật.
"Thị giá cổ phiếu vượt quá giá trị thực của doanh nghiệp, bị thổi phồng bởi dòng tiền đầu cơ", CTCP Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (SBS) đưa ra nhận định đối với cổ phiếu CEO của CTCP Tập đoàn C.E.O.
SBS dẫn chứng lũy kế ba quý đầu năm 2021 (dữ liệu mới nhất), doanh thu C.E.O bị giảm tới 40,5% xuống còn 406 tỉ đồng. Sau khi khấu trừ chi phí, tập đoàn này bị lỗ sau thuế 224 tỉ sau ba quý, tăng gấp đôi con số lỗ cùng kỳ năm trước.
"Liên tục thua lỗ, dòng tiền kinh doanh của C.E.O đã âm gần 144 tỉ đồng. SBS đánh giá C.E.O ở mức Nguy hiểm", đội ngũ phân tích của SBS cho hay.
Phía công ty chứng khoán cũng cho biết dù Tập đoàn C.E.O sở hữu quỹ đất lớn, tập trung ở những nơi có nhiều tiềm năng phát triển như Phú Quốc, Quảng Ninh, Hà Nội..., nhưng do thiếu quy mô vốn đầu tư nên khả năng triển khai dự án của doanh nghiệp còn hạn chế.
Tập đoàn này cũng dùng đòn bẩy tài chính cao khi đến cuối quý 3-2021 chỉ giữ 50 tỉ đồng tiền mặt, trong khi nợ ngắn hạn lên đến 2.066 tỉ đồng.
Trái ngược với tình hình kinh doanh bết bát trên, thị giá của cổ phiếu CEO đã tăng vọt. Nếu như hồi gần cuối tháng 10 vừa qua cổ phiếu CEO chỉ được định giả khoảng 10.700 đồng thì hiện đang đóng cửa ở mức 92.500 đồng.
Trước đó Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã đưa cổ phiếu CEO vào diện bị cảnh báo (từ ngày 20-4-2021), do lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ năm trước đó trên báo cáo tài chính hợp nhất của C.E.O Group âm 67 tỉ đồng.
Tại báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán bán niên năm 2021 của CEO, doanh nghiệp đã lấy trụ sở là tòa tháp C.E.O đi thế chấp cho khoản vay tại ngân hàng BIDV, giá trị còn lại thời điểm giữa năm 2021 gần 134 tỉ đồng.
Gần đây không chỉ có mã C.E.O, mà giá cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp khác cũng tăng vọt, dù sức khỏe tài chính sa sút hoặc không quá nổi bật.
Chẳng hạn cổ phiếu ROS của Xây dựng FLC Faros gây chú ý khi từ mức giá khoảng 2.500 đồng/cổ phiếu hồi đầu đầu năm 2021, đến nay đã tăng vọt lên 16.000 đồng (+540%).
Giá cổ phiếu có sức tăng vượt trội so với nhiều thành viên khác trên sàn chứng khoán, nhưng tình hình kinh doanh của FLC Faros lại không quá nổi bật.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý 3-2021 cho thấy doanh nghiệp này đạt doanh thu thuần 780 tỉ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên do giá vốn, phí quản lý doanh nghiệp...đội lên cao, nên lãi sau thuế chỉ còn gần 190 triệu đồng, thấp hơn 86% so với mức hoàn thành hồi cùng kỳ năm trước.
Trong vòng một quý cổ phiếu HUT của CTCP Tasco cũng gây chú ý khi có biến động giá tăng hơn 100% lên 21.700 đồng, dù sau ba quý đầu năm 2021, doanh nghiệp lỗ ròng hơn 134 tỉ đồng. Doanh nghiệp cũng gánh khoản nợ phải trả hơn 7.000 tỉ đồng, gấp 2,5 lần vốn chủ sở hữu.
Giữa lúc dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, chứng khoán đang trở thành kênh đầu tư thu hút nhiều người tham gia. Đối với không ít nhà đầu tư, mạng xã hội là một trong những kênh hữu ích để cập nhật thông tin. Tuy nhiên nơi đây cũng chứa vô vàn cạm bẫy khiến nhà đầu tư bị thua lỗ, mất tiền. Cú sụp của cổ phiếu "họ Louis" gần đây sau chuỗi ngày tăng nóng cũng trở thành bài học khiến nhiều người phải "cay mắt".
Mới đây Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng vừa ra cảnh báo về hiện tượng lôi kéo, xúi giục nhà đầu tư mua bán chứng khoán bằng việc tung tin đồn thất thiệt trên Zalo, Facebook, Telegram...
"Các hành vi tung tin đồn sai sự thật, cấu kết, lôi kéo người khác mua, bán để thao túng giá chứng khoán là các hành vi bị cấm theo quy định tại Luật chứng khoán", ủy ban cho hay.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận