24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Thu Hường
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Rủi ro đang bủa vây

Trước diễn biến căng thẳng của tình hình thương mại thế giới, cơ hội về một làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam vẫn chưa rõ ràng thì rủi ro đối với các doanh nghiệp cũng như cả nền kinh tế đã xuất hiện ngay từ bây giờ.

Cơ hội chưa thật sự rõ

Hiện tại đang được xem là thời điểm quyết định của cuộc chiến tranh thương mại trên phạm vi toàn cầu do Mỹ phát động. Cả thế giới vẫn đang kỳ vọng sau cuộc gặp mặt song phương giữa Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc. Thỏa thuận thương mại với Mexico thì đang chờ quốc hội phê chuẩn sau khi chính phủ nước này đã có những nhượng bộ nhất định cho phía Mỹ liên quan đến vấn đề ngăn chặn người nhập cư trái phép. Bên cạnh đó, các cuộc đàm phán về thương mại giữa Mỹ với Nhật Bản, EU và Ấn Độ cũng đang được đẩy nhanh để tránh nguy cơ bị áp thuế giống như Trung Quốc.

Khi thương chiến Mỹ - Trung diễn ra, nhiều chuyên gia kinh tế đã cho rằng sẽ có một làn sóng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Nhận định này dường như có cơ sở khi mà số liệu về dòng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) từ Trung Quốc vào Việt Nam bất ngờ tăng mạnh trong năm 2019. Theo đó, trong năm tháng đầu năm, các doanh nghiệp của Trung Quốc đăng ký đầu tư 1,56 tỉ đô la Mỹ vào Việt Nam, tăng 450% so với cùng kỳ năm 2018(1).

Gần như chắc chắn, nếu Apple rời khỏi Trung Quốc thì đích đến của họ sẽ là Ấn Độ; với các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất hàng điện tử tiêu dùng (như ti vi, tủ lạnh, máy điều hòa...) thì đích đến có lẽ là Thái Lan.

Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý rằng đó mới chỉ là số vốn đăng ký. Trong khi đó, với việc đầu tư vào 233 dự án thì quy mô vốn đầu tư bình quân của một dự án rất thấp, chỉ đạt 6,7 triệu đô la/dự án. Bên cạnh đó, còn hàng loạt vấn đề khác như lĩnh vực đầu tư và công nghệ mà các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ sử dụng là gì, có thân thiện với môi trường không? Mục đích đầu tư là ngắn hạn hay dài hạn?...

Ngoài ra, việc các doanh nghiệp chuyển khỏi Trung Quốc và có sang Việt Nam hay không còn phụ thuộc vào chuỗi giá trị của họ đang nằm ở đâu. Gần như chắc chắn, nếu Apple rời khỏi Trung Quốc thì đích đến của họ sẽ là Ấn Độ; với các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất hàng điện tử tiêu dùng (như ti vi, tủ lạnh, máy điều hòa...) thì đích đến có lẽ là Thái Lan bởi nước này có ngành công nghiệp phụ trợ phát triển hơn nhiều so với Việt Nam.

Do vậy, để đánh giá một cách chính xác cơ hội của Việt Nam ở mức nào thì cần có thêm thời gian, còn hiện nay là chưa thật sự rõ ràng.

Nhưng rủi ro đã xuất hiện

Mới đây, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã nhận được đơn kiện từ các doanh nghiệp nước này liên quan đến việc tập đoàn Minh Phú của Việt Nam đang tránh thuế chống bán phá giá với tôm của Ấn Độ. Nguyên nhân được cho là do Minh Phú đã nhập khẩu phần lớn tôm nguyên liệu từ Ấn Độ và chỉ chế biến ở mức tối thiểu trước khi xuất khẩu sang Mỹ(2). Trong khi đó, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Ấn Độ vẫn đang bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá từ năm 2005 đến nay. Do vậy, khả năng sản phẩm tôm của Minh Phú bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá trong thời gian tới là rất cao.

Nguyên nhân đằng sau sự việc trên chính là việc Mỹ đang muốn đàm phán lại với Ấn Độ trong vấn đề thương mại. Theo đó, Mỹ cho rằng họ đã dành cho Ấn Độ nhiều ưu đãi được quy định tại chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP), nhưng các doanh nghiệp Mỹ đã không nhận được ưu đãi tương xứng từ nhiều năm nay. Hệ quả là, Ấn Độ trở thành một trong những nước có thặng dư thương mại ở mức cao so với Mỹ trong nhiều năm liên tục.

Tương tự, vào năm 2018, Mỹ và châu Âu đã đồng loạt đánh thuế chống bán phá giá lên mặt hàng thép của Trung Quốc. Sau đó, nghi ngờ các doanh nghiệp Việt Nam nhập thép của Trung Quốc rồi xuất khẩu sang Mỹ, DOC cũng đã áp thuế bán phá giá lên tới 199,76% và thuế chống trợ cấp ở mức 256,44% đối với thép cuộn cán nguội được nhập khẩu từ Việt Nam(3).

Như vậy, từ những căng thẳng về thương mại giữa Mỹ - Ấn Độ và Mỹ - Trung Quốc thì cho đến nay các doanh nghiệp Việt Nam đã bị tác động gián tiếp. Khi cơ hội về một làn sóng đầu tư FDI mới còn chưa rõ ràng thì rủi ro đối với các doanh nghiệp Việt cũng như cả nền kinh tế đã xuất hiện ngay từ bây giờ.

Ai sẽ bảo vệ các doanh nghiệp Việt?

Rủi ro có lẽ không chỉ dừng lại ở đó, khi mà trong năm tháng đầu năm 2019, một số mặt hàng của Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng rất mạnh sang Mỹ.

Trước diễn biến này thì có lẽ các doanh nghiệp trước tiên phải tự có kế hoạch để bảo vệ chính mình. Các doanh nghiệp này cần chủ động thu thập dữ liệu và báo cáo cho DOC về nguồn gốc xuất xứ của nguyên vật liệu hay quy trình sản xuất của mình. Đây cũng chính là cách mà tập đoàn Minh Phú đã làm trong 10 năm liên tục, từ năm 2005-2015, khi định kỳ cung cấp dữ liệu về nguồn gốc xuất xứ và quy trình sản xuất cho các cơ quan của Mỹ. Đến năm 2016, Mỹ đã gỡ bỏ lệnh chống bán phá giá cho tập đoàn này.

Tuy nhiên, trong dài hạn, các cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam cần có một giải pháp căn cơ để giải quyết triệt để những rủi ro này. Trước tiên, phải tuyên truyền rõ ràng về những yêu cầu từ hệ thống thuế quan của Mỹ. Theo đó, để được hưởng ưu đãi về thuế nhập khẩu thì giá trị sản phẩm của nước hưởng lợi phải đạt tối thiểu 35% khi xuất khẩu vào Mỹ.

Tiếp đến, Tổng cục Hải quan và Bộ Công Thương cần có biện pháp mang tính răn đe khi xử lý những doanh nghiệp có động thái cố tính lợi dụng hệ thống thương mại của Việt Nam để trục lợi, gây ảnh hưởng xấu đến toàn ngành và các doanh nghiệp khác.

Tăng cường công tác kiểm tra, xác minh khi cấp chứng nhận xuất xứ

Trong suốt thời gian qua, khi căng thẳng thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc leo thang, công tác xác minh, kiểm tra để cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) được tăng cường nhằm đảm bảo hàng hóa có C/O Việt Nam đúng là... hàng Việt Nam. Theo quy định hiện hành thì cơ quan, tổ chức cấp C/O gồm Bộ Công Thương và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Chia sẻ tại một hội thảo diễn ra cách đây chưa lâu, luật sư Vũ Xuân Hưng, Phó trưởng phòng Pháp chế, VCCI chi nhánh TPHCM, cho biết việc kiểm tra xuất xứ hàng hóa đã được thực hiện liên tục trong thời gian qua. Các mặt hàng được phân loại để có biện pháp kiểm tra phù hợp. Theo đó, hàng hóa trong danh sách Mỹ áp thuế cao với Trung Quốc sẽ được kiểm tra sát. Các mặt hàng nhạy cảm, có cảnh báo cao về nguy cơ gian lận thương mại cũng như từng xảy ra thì đưa vào luồng kiểm tra đặc biệt. Hoạt động kiểm tra thực tế nhà máy sản xuất cũng được tăng cường với những hồ sơ đề nghị cấp C/O không rõ ràng, có dấu hiệu vi phạm...

Ông Hưng cũng cho biết, doanh nghiệp hiện có rất nhiều cách “lách” nhằm qua mặt cơ quan chức năng. Phổ biến là đầu tư nhà máy để nhập bán thành phẩm về ráp rồi xuất đi. Và khi khai báo hàng hóa thành phẩm xuất đi thì gọi bằng những tên khác nhau: ví dụ thân cây viết thì gọi là “ống nhựa”...

Với các trường hợp không đáp ứng các yêu cầu theo quy định hiện hành, chẳng hạn như hàng hóa không đáp ứng quy tắc xuất xứ, hồ sơ xin cấp chứng nhận mâu thuẫn về nội dung..., cơ quan này có quyền từ chối cấp C/O theo yêu cầu. “Mới đây, chúng tôi vừa bác một hồ sơ xin cấp C/O vì không đáp ứng quy định”, ông Hưng cho biết.

Bên cạnh đó, cơ quan cấp C/O cũng có thể áp dụng các biện pháp chống gian lận xuất xứ như tạm dừng cấp ba tháng với trường hợp doanh nghiệp gửi các thông tin, dữ liệu không liên quan đến việc đề nghị cấp C/O lên hệ thống quản lý và cấp chứng nhận xuất xứ điện tử; tạm dừng cấp C/O sáu tháng nếu phát hiện sử dụng chứng từ giả hoặc kê khai gian lận. Đặc biệt, thực hiện thu hồi C/O đã cấp và tạm dừng cấp mới trong vòng sáu tháng với trường hợp cung cấp sai thông tin chứng minh xuất xứ khi cơ quan, tổ chức cấp C/O thực hiện hậu kiểm. Đây là các chế tài hiện có tại Nghị định 31/2018/NĐ-CP (quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa).

Tuy nhiên, theo ông Hưng, chế tài xử phạt các doanh nghiệp gian lận hiện chưa phù hợp. Bởi lẽ, mức xử phạt cao nhất với trường hợp gian lận xuất xứ chỉ là 40 triệu đồng (trường hợp có hành vi sử dụng C/O hoặc chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa giả thì bị phạt đến 50 triệu đồng - PV). Nếu so con số này với giá trị đơn hàng thì không đáng bao nhiêu. Đó là chưa kể việc hiện chưa rõ cơ quan nào xử lý. Do vậy, ông Hưng đề xuất, trong việc ngăn chặn gian lận xuất xứ, ngoài sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng thì còn phải sửa đổi, điều chỉnh các quy định để có tính răn đe, khả thi hơn.

Minh Tâm

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả