24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Dũng Bùi
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Rủi ro Brexit cứng lại trỗi dậy

Chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson đang cố gắng loại bỏ mọi đề xuất gia hạn giai đoạn chuyển tiếp nhằm tăng thêm áp lực đối với EU và có thể hoàn tất sớm một thỏa thuận thương mại với EU.

Sẽ không gia hạn thời gian chuyển tiếp

Truyền thông địa phương đưa tin vào đầu ngày thứ Ba rằng, Thủ tướng Anh Boris Johnson sẽ bổ sung sửa đổi vào Dự luật Brexit (Dự luật Thỏa thuận rút lui), trong đó tái khẳng định việc Anh sẽ rời khỏi EU vào ngày 31/1/2020. Dự luật cũng cấm Chính phủ Anh chấp thuận bất kỳ đề xuất nào về việc kéo dài giai đoạn chuyển tiếp đến sau năm 2020.

Theo quy định, sau khi rời EU vào ngày 31/1/2020, Anh sẽ bước vào giai đoạn chuyển tiếp, được xem là thời gian điều chỉnh cho cả hai bên sau Brexit. Điều quan trọng, đó là một thời điểm mà EU và Anh có thể đàm phán một thỏa thuận thương mại. Trong giai đoạn chuyển tiếp, mặc dù luật pháp của EU vẫn tiếp tục được áp dụng tại Anh như một quốc gia thành viên, nhưng nước này sẽ không còn được đại diện trong các cơ quan ra quyết định của EU. Hiện tại, giai đoạn chuyển tiếp có thể được gia hạn tối đa hai năm nếu cả hai bên đồng ý.

Thế nhưng các phương tiện truyền thông Anh nói rằng, Chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson đang cố gắng loại bỏ mọi đề xuất gia hạn giai đoạn chuyển tiếp nhằm tăng thêm áp lực đối với EU và có thể hoàn tất sớm một thỏa thuận thương mại với EU.

Động thái quyết liệt này của Thủ tướng Boris Johnson đến sau khi đảng Bảo thủ của ông đã giành chiến thắng vang dội trong cuộc tổng tuyển cử cuối tuần trước, giành được 365 ghế, vượt đa số quá bán 326 ghế, theo đó đảm bảo thế đa số tuyệt đối tại Quốc hội để tự đứng ra thành lập Chính phủ mới mà không cần liên minh với các đảng khác. Chiến thắng này cũng cho phép Thủ tướng Johnson theo đuổi chương trình nghị sự Brexit của mình một cách dễ dàng hơn.

Anh sẽ được lợi nếu nhanh chóng ký kết thỏa thuận thương mại. Đảo quốc sương mù cũng muốn đạt được thỏa thuận thương mại với các quốc gia khác ngoài khối bởi một trong những lý do cho luồng ý kiến ủng hộ Brexit là việc rời khỏi EU sẽ cho phép Anh giao dịch tự do với phần còn lại của thế giới.

Thế nhưng mặc dù Anh có thể đàm phán các thỏa thuận thương mại này trong thời gian giai đoạn chuyển tiếp, nhưng chúng không thể có hiệu lực chừng nào giai đoạn chuyển tiếp chưa kết thúc. Hơn nữa, theo các chuyên gia, hầu hết các quốc gia đều muốn xem mối quan hệ thương mại của Anh với EU sẽ như thế nào sau chia tay, trước khi họ đàm phán các thỏa thuận thương mại của riêng họ với Anh.

Nguy cơ Brexit cứng

Tuy nhiên việc rút ngắn thời gian chuyển tiếp xuống còn 11 tháng đã làm dấy lên mối lo ngại rằng Chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson có thể khiến đảo quốc sương mù đối mặt với kịch bản Brexit cứng, bởi chừng đó thời gian là không đủ để hai bên tìm kiếm một thỏa thuận thương mại toàn diện.

Nhà kinh tế học Malcolm Barr của JP Morgan, một người luôn theo sát diễn biến Brexit nói rằng, động thái của Johnson là một bất ngờ, ở chỗ nó được thực hiện mà không có bất kỳ một áp lực nào từ nhóm những người ủng hộ Brexit cứng có ảnh hưởng trong đảng Bảo thủ, thường được gọi là Nhóm nghiên cứu châu Âu (ERG). “Chúng tôi cũng dự đoán rằng khả năng kéo dài thời gian chuyển đổi sẽ bị loại bỏ khỏi luật pháp của Anh. Điều đáng ngạc nhiên là Johnson dường như đã làm điều này hoàn toàn tự nguyện, thay vì áp lực từ những sửa đổi được đề xuất bởi nhóm ERG khi dự luật được đưa ra (Hạ viện)”, ông nói trong một ghi chú hôm thứ Ba.

Sau thông tin mới đây của các phương tiện truyền thông, Barr cho biết khả năng Brexit không thỏa thuận khi kết thúc giai đoạn chuyển đổi ở mức 25%, “một số chúng tôi cho là khá cao”. Mặc dù vậy J.P. Morgan tin rằng, một số hình thức của thỏa thuận vụng trộm có xác suất cao hơn tới 50%.

Theo các chuyên gia, động thái ngăn chặn bất kỳ sự trì hoãn cũng được coi là một cách để Chính phủ cho các cử tri ủng hộ đảng Bảo thủ thấy rằng họ đã xác định Anh sẽ rời khỏi EU mà không trì hoãn thêm.

Kể từ cuộc trưng cầu dân ý chia tay EU vào tháng 6 năm 2016, nhiều cử tri Anh đã trở nên thất vọng khi mà chính trường Anh bị chia rẽ và bế tắc trong vấn đề Brexit. Đảng Bảo thủ được coi là đã thực hiện tốt với phần lớn cử tri trong cuộc bầu cử với cam kết rằng họ “sẽ giúp Brexit được thực hiện”.

Tuy nhiên động thái này của chính phủ đã lập tức vấp phải sự chỉ trích từ phe đối lập, như ông Kier Starmer - Bộ trưởng Brexit của đảng Lao động đối lập nói rằng nó đại diện cho “hành vi liều lĩnh và vô trách nhiệm mà chúng tôi mong đợi từ Chính phủ của ông Boris Johnson” và nó đặt mọi người trước nguy cơ Brexit cứng.

Nhưng Bộ trưởng Michael Gove của đảng Bảo thủ cho biết hôm thứ Ba rằng, Chính phủ đã cam kết đảm bảo một thỏa thuận thương mại với EU vào cuối năm 2020.

Mặc dù vậy, đồng bảng Anh đã quay đầu giảm mạnh, để mất 1% giá trị chỉ trong một ngày sau khi thông tin trên, xóa sạch mức tăng trước đó khi đảng Bảo thủ của Thủ tướng Johnson giành thắng lợi.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả