Rớt hơn 8%, dầu chứng kiến phiên giảm mạnh nhất trong hơn 6 tuần
Các hợp đồng dầu thô tương lai quay đầu giảm mạnh vào ngày thứ Năm (11/06), với dầu WTI và dầu Brent ghi nhận phiên sụt giảm mạnh nhất trong hơn 6 tuần, khi dự trữ dầu thô tại Mỹ tăng, bằng chứng về số ca nhiễm Covid-19 tăng vọt, cùng với triển vọng kinh tế ảm đạm từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) kết hợp đã làm suy yếu đà phục hồi từ mức đáy lịch sử đã xác lập hồi tháng 4/2020, MarketWatch đưa tin.
“Trong vòng chưa đầy 1 tuần, các yếu tố cơ bản nhu cầu và nguồn cung đều chuyển sang tiêu cực đối với thị trường dầu”, Edward Moya, Chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại Oanda, nhận định. “Tình trạng dư cung nổi lên và dự báo nhu cầu dầu thô suy giảm đang khiến giá dầu giảm mạnh”.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Năm, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 7 trên sàn Nymex sụt 3.26 USD (tương đương 8.2%) xuống 36.34 USD/thùng, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất kể từ ngày 27/04/2020 và mức đóng cửa là thấp nhất kể từ ngày 01/06/2020, dữ liệu từ Dow Jones Market cho thấy.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 8 trên sàn Luân Đôn rớt 3.18 USD (tương đương 7.6%) xuống 38.55 USD/thùng. Hợp đồng này cũng khép phiên tại mức thấp nhất kể từ ngày 01/06/2020 và đánh dấu phiên sụt giảm mạnh nhất kể từ ngày 21/04/2020.
Vào ngày thứ Tư, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết dự trữ dầu thô tại Mỹ vọt 5.7 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 05/06/2020, trái ngược hoàn toàn với dự báo giảm 3.2 triệu thùng từ các nhà phân tích tham gia cuộc thăm dò của Platts.
Trong khi đó, Chủ tịch Fed Jerome Powel hôm thứ Tư (10/06) đã nhấn mạnh rằng triển vọng kinh tế của Mỹ sẽ gặp nhiều thách thức khi Cơ quan này giữ lãi suất ở mức 0 – 0.25% sau cuộc họp chính sách và cảnh báo rằng hàng triệu người không thể quay lại làm việc.
Nhà đầu tư cũng lo ngại về những tín hiệu cho thấy số ca nhiễm Covid-19 tại Mỹ tiếp tục leo thang và vượt mốc 2 triệu khi các doanh nghiệp nối lại hoạt động. Số ca nhiễm bệnh trên toàn cầu đã vọt lên 7.39 triệu người vào ngày thứ Năm, theo dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins.
Thị trường dầu mỏ đang phản ứng với sự phục hồi nhu cầu khi các hoạt động kinh doanh khởi động lại giữa lúc tình hình dịch Covid-19 suy giảm ở phần lớn các nước phát triển, cũng như thỏa thuận gia hạn mới giữa Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng với các đồng minh, được gọi chung là OPEC+, để cắt giảm sản lượng 9.7 triệu thùng/ngày cho đến tháng 7/2020.
OPEC+ đã thực hiện khoảng 85% mức sản lượng đồng ý cắt giảm trong tháng trước, theo một cuộc thăm dò từ Platts cho thấy.
Cũng trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, hợp đồng xăng giao tháng 7 sụt 7.5% xuống 1.1188 USD/gallon. Hợp đồng dầu sưởi giao tháng 7 mất gần 7.3% còn 1.088 USD/gallon.
Trong khi đó, các hợp đồng khí thiên nhiên tăng giá trong ngày thứ Năm khi EIA ghi nhận rằng nguồn cung khí thiên nhiên tăng 93 tỷ feet khối trong tuần kết thúc ngày 05/06/2020, thấp hơn một chút so với dự báo vọt 95 tỷ feet khối từ các nhà phân tích tham gia cuộc thăm dò của Platts.
Hợp đồng khí thiên nhiên giao tháng 7 tiến gần 1.9% lên 1.813 USD/MMBtu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận