menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Chung Chính

Room tín dụng năm 2023 sẽ được cấp ngay trong tháng 1?

Nhiều khả năng, ngay trong tháng 1/2023, room tín dụng sẽ được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp cho các ngân hàng thương mại.

Các ngân hàng cũng đang ngóng đợi NHNN điều chỉnh một số quy định về tỷ lệ an toàn rủi ro để có thể bơm vốn nhiều hơn ra nền kinh tế.

Ngân hàng “ngóng” room tín dụng năm 2023

Tuần qua, thị trường dấy lên tin đồn, NHNN sắp cấp room tín dụng cho các ngân hàng thương mại, dự kiến ngay trong tháng 1/2023. Theo đó, các ngân hàng sẽ được cấp room tín dụng khoảng 10-12% tùy sức khỏe từng ngân hàng.

Trước đó, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đề nghị NHNN phân bổ chỉ tiêu tín dụng từ đầu năm để các tổ chức tín dụng có cơ sở xây dựng kế hoạch kinh doanh thông qua đại hội đồng cổ đông vào tháng 4.

Năm 2022, tín dụng toàn hệ thống tăng 14,5% - mức tăng cao nhất 5 năm trở lại đây. TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, năm 2023, NHNN có thể xem xét tăng cung tiền để hỗ trợ nền kinh tế do áp lực từ bên ngoài giảm và Chính phủ cũng đã đặt mục tiêu lạm phát cao hơn (4,5%). Mặc dù vậy, giới phân tích cho rằng, tín dụng năm 2023 sẽ giảm tốc, chỉ tăng khoảng 12-13%, xuất phát từ nền cao năm 2022.

Bên cạnh ngóng room tín dụng, nhiều ngân hàng đang mong chờ NHNN sớm sửa đổi Thông tư 22/2019/TT-NHNN điều chỉnh các quy định về giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn theo hướng phù hợp hơn với thị trường. Dự kiến, tỷ lệ LDR (cho vay/huy động) sẽ được nâng từ 85% lên 90%, sẽ giúp giải phóng một lượng vốn lớn ra nền kinh tế.

Ông Trần Minh Bình, Chủ tịch HĐQT VietinBank cho rằng, việc NHNN sớm công bố room tín dụng và ban hành văn bản sửa đổi Thông tư 22 là tiền đề quan trọng để các ngân hàng cân đối vốn, từ đó chủ động về nguồn vốn và tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm.

Trong khi đó, ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch HĐQT Vietcombank đề xuất NHNN xem xét cho phép các ngân hàng thương mại nhà nước được chủ động quy mô tăng trưởng tín dụng hàng năm trên cơ sở đáp ứng các quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo chuẩn mực quốc gia và quốc tế. Việc gỡ room tín dụng cho khối Big 4 sẽ không ảnh hưởng đến công tác điều hành của NHNN do các ngân hàng thương mại nhà nước đều bị hạn chế bởi quy mô vốn điều lệ.

Dư địa điều hành tín dụng rất hạn hẹp

Năm 2022, thị trường trái phiếu, chứng khoán gặp khó khăn, đầu tư công giải ngân chậm gây áp lực lớn lên tín dụng ngân hàng. Phó thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà lo lắng cho hay, hiện nay, vốn đầu tư trung, dài hạn của nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào hệ thống ngân hàng, trong khi huy động vốn của ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn, do đó hệ thống các tổ chức tín dụng đối mặt với rủi ro thanh khoản, rủi ro kỳ hạn.

“Để đảm bảo nguồn vốn cho phát triển kinh tế, cần phát triển thị trường vốn một cách an toàn, bền vững, như thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán. Theo đó, cần rà soát lại các quy định pháp lý và có giải pháp khắc phục những bất cập hiện nay trên các thị trường này”, Phó thống đốc NHNN nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cảnh báo, tỷ lệ đòn bẩy của Việt Nam đang rất cao (tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam là 124% - mức cao nhất đối với các nước có mức thu nhập trung bình thấp theo thống kê của Ngân hàng Thế giới - WB). “Tổng dư nợ tín dụng của ngành ngân hàng tiến tới đạt xấp xỉ 12 triệu tỷ đồng - đó là một con số rất lớn. Vì vậy, dư địa điều hành tín dụng trong bối cảnh nêu trên là rất hạn hẹp”, ông Phạm Chí Quang cho hay.

Theo lãnh đạo NHNN, có rất nhiều nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội như vốn tín dụng, vốn tự có của doanh nghiệp, nguồn vốn từ thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, nguồn vốn đầu tư công, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nguồn vốn kiều hối... Cần khơi thông và kết nối, phát triển đồng bộ tất cả các nguồn vốn này. Tín dụng ngân hàng được xem là hạt nhân, là mạch máu kết nối các nguồn vốn. Tuy vậy, nền kinh tế đang dựa quá nhiều vào tín dụng, trong khi áp lực lạm phát là rất lớn, chính sách tiền tệ không thể chủ quan.

Trong Nghị quyết 01/NQ-CP vừa ban hành, Chính phủ khẳng định, năm 2023 sẽ tập trung cao độ cho ổn định, phát triển an toàn, bền vững các thị trường tiền tệ, tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản; không để mất an toàn hệ thống; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân, không để bị kích động, lôi kéo, gây mất an ninh trật tự.

Điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế, nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; kiểm soát tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Tiếp tục khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp...

Riêng với doanh nghiệp, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế khuyến nghị, doanh nghiệp cần cơ cấu lại, kiểm soát rủi ro dòng tiền; đa dạng hóa nguồn huy động vốn, chủ động tìm hiểu, tiếp cận Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các gói hỗ trợ tài khóa; chương trình nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, chung cư cũ, đầu tư công…

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
12 Yêu thích
1 Bình luận 24 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại