Room tín dụng
Hồi ở trường Columbia, mình có được học về các loại khủng hoảng kinh tế. Ông thầy dạy đại ý là để phòng tránh khủng hoảng ngân hàng, thế giới có hai cách tiếp cận chính sách.
Cách thứ nhất gọi là kìm kẹp (repression) và cách thứ hai gọi là thận trọng (prudential).
Kìm kẹp là hình thức can thiệp trực tiếp vào giá cả và sản lượng của thị trường dịch vụ ngân hàng. Lưu ý, giá cả của dịch vụ ngân hàng là lãi suất, còn sản lượng chính là room tín dụng.
Sự can thiệp này giúp các ngân hàng không phải chịu áp lực cạnh tranh quá mạnh mẽ với nhau, không phải chạy đua quá căng thẳng để nâng lãi suất huy động, hạ lãi suất cho vay. Mỗi ngân hàng sẽ được bảo đảm một biên lợi nhuận ổn định khiến chúng khó phá sản hơn.
Kiểu quản lý này rất dễ làm, nhưng tác động tiêu cực của nó là khiến cho các nguồn lực không được phân bổ một cách tối ưu. Một ngân hàng có năng lực cạnh tranh kém rất khó bị loại khỏi thị trường, một ngân hàng tốt cũng khó có thể bứt phá để chiếm lĩnh thị phần. Vì thế mà không tối đa hoá được tăng trưởng kinh tế.
Cách thứ hai, thận trọng là hình thức can thiệp dựa trên các quy định về an toàn tài chính, gồm các quy định an toàn vi mô của một ngân hàng cụ thể (micro-prudential regulations) và an toàn vĩ mô của cả hệ thống ngân hàng (macro-prudential regulations). Thể hiện dễ thấy nhất là các quy định tỷ lệ an toàn, quản lý rủi ro ngân hàng, tiêu chuẩn Basel…
Cách làm này vẫn có thể giúp các ngân hàng an toàn, khó phá sản, do các tỷ lệ an toàn được bảo đảm và khả năng chống chịu biến động vĩ mô tốt, mà không làm mất đi động lực cạnh tranh. Nhưng cách làm này khó hơn, mất nhiều thời gian hơn.
----------------------------
Về lý thuyết, các nền kinh tế mới nổi nên bắt đầu bằng cách kìm kẹp, vì nó dễ làm và an toàn hơn. Sau đó dần dần xây dựng năng lực theo cách thận trọng, gây dựng lòng tin của xã hội và thị trường. Cuối cùng là nới dần và bãi bỏ các quy định mang tính kìm kẹp đi. Quá trình này cần có lộ trình chi tiết, đi từng bước nhỏ và mất nhiều năm để đạt được.
Nhưng cái quan trọng nhất quyết định việc một quốc gia chọn cách tiếp cận kìm kép hay thận trọng, và sự thành công của quá trình tự do hoá trên lại chủ yếu vì các lý do chính trị.
Theo cách kìm kẹp thì ngân hàng trung ương sẽ có quyền lực rất lớn trong việc cấp phép cho ông này ông kia thành lập ngân hàng, hay quyền phân bổ room tín dụng cho ngân hàng này mà không phải ngân hàng khác. Mà quyền lực thì đi kèm với lợi ích.
Đến đây, ông thầy nửa đùa nửa thật quay ra hỏi cả lớp: “Tao biết trong lớp này nhiều người là quan chức của ngân hàng trung ương các nước đang phát triển. Liệu có bạn nào có thể chia sẻ với cả lớp xem lý do lợi ích đó có đúng không?”
Cả lớp không ai nói gì.
Ông thầy lại mớm: “James, mày có thể chia sẻ không?”
James (tên nhân vật đã được thay đổi), vốn là quan chức cấp trung ngân hàng trung ương của một nền kinh tế mới nổi, cười lớn rồi nói đùa: “I take the Fifth.”
Cả lớp cười ngặt nghẽo.
------------------
Chú thích: The Fifth là muốn nói đến tu chánh án thứ năm của Hiến pháp Mỹ, quy định về quyền từ chối trả lời câu hỏi, quyền giữ im lặng, được sử dụng để không phải tiết lộ thông tin buộc tội chính mình.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận