24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyễn Lan Anh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Room ngoại trong trung gian thanh toán: Mục tiêu cao nhất là đảm bảo an ninh tiền tệ

Sau khi NHNN công bố dự thảo Nghị định quy định về thanh toán không dùng tiền mặt thay thế cho Nghị định số 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt, một số doanh nghiệp nước ngoài cho rằng, quy định trên sẽ khiến Việt Nam đứng trước nguy cơ bị ki

Tuy nhiên, tham vấn một số chuyên gia và luật sư đều cho rằng, việc hạn chế room ngoại đối với hoạt động trung gian thanh toán là cần thiết. Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch HĐTV Công ty luật Basico khẳng định, không chỉ trung gian thanh toán, mà cả các mô hình cho vay ngang hàng (P2P lending) cũng cần phải siết chặt quản lý. Lâu nay mô hình này thả nổi là do chưa có quy định quản lý. Khi có quy định rõ ràng thì phải tuân thủ nghiêm cả công ty trong và ngoài nước.

Bàn thêm về quy định trên, Phó tổng giám đốc phụ trách Bộ phận dịch vụ tài chính Ngân hàng của EY Việt Nam Nguyễn Thùy Dương cho rằng, trung gian thanh toán không nằm trong phạm vi các cam kết mở cửa của Việt Nam. Hơn nữa, do fintech là mô hình mới, nên việc thả nổi ở giai đoạn đầu sau đó đưa vào khuôn khổ quản lý là cách làm thông lệ ở nhiều quốc gia.

Liên quan đến vấn đề room sở hữu, tại Dự thảo Nghị định này, cơ quan soạn thảo đã lý giải, do trung gian thanh toán tại Việt Nam phát triển mạnh, song cũng đã phát sinh một số vấn đề có thể gây rủi ro cho an ninh hệ thống. Do đó, NHNN siết room sở hữu ở mức 49% là để khắc phục những hạn chế đó, với mục đích khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào trung gian thanh toán, song cũng phải đảm bảo an ninh tiền tệ và quản lý chặt chẽ việc cung ứng dịch vụ thanh toán, đồng thời giúp quản lý tốt các giao dịch thanh toán quốc tế, đặc biệt là các giao dịch có yếu tố đầu tư nước ngoài.

Tại buổi tọa đàm lấy ý kiến đóng góp về Dự thảo này, một lần nữa đại diện Vụ Thanh toán NHNN giải thích, trước khi đưa ra mức 49%, NHNN đã tham vấn một số bộ, ngành liên quan như Bộ Công thương đối chiếu các cam kết mở cửa của Việt Nam tại WTO hay Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)... và được khẳng định, trung gian thanh toán không thuộc phạm vi cam kết mở cửa của Việt Nam.

“Tỷ lệ 49% là hài hòa, phù hợp, vừa đảm bảo nguyên tắc chủ quyền quốc gia, vừa đảm bảo an ninh an toàn tiền tệ, cũng như tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước có cơ hội cạnh tranh bình đẳng mà vẫn tranh thủ thu hút được vốn nhà đầu tư nước ngoài nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên”, vị này chia sẻ quan điểm định hướng của NHNN.

Sự cẩn trọng trên, theo nhận định của một Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, là hoàn toàn có cơ sở bởi nếu không kiểm soát chặt, có thể có những đối tượng lợi dụng để xây dựng hệ thống thanh toán cho hoạt động đánh bạc trực tuyến phi pháp... “Cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đang tiềm ẩn nhiều rủi ro, và có tính lan truyền, gây ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và đạo đức xã hội. Do vậy, càng phải cẩn trọng đối với hoạt động này”, vị này nhấn mạnh.

Thậm chí có ý kiến cho rằng, đề xuất siết room cần phải làm sớm hơn. Hiện tại nhiều nhà đầu tư ngoại đã nắm giữ phần lớn cổ phần trung gian thanh toán trong nước. Trong khi ở một số nước trong khu vực Đông Nam Á đã quy định rất chặt về room sở hữu nước ngoài trong lĩnh vực trung gian thanh toán. Chẳng hạn như Indonesia nước này quy định tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài không được vượt quá 20%, tại Malaysia cũng chỉ 30%...

Theo quan điểm của TS. Cấn Văn Lực, cần sớm hoàn chỉnh khung pháp lý đối với hoạt động các trung gian thanh toán nói riêng, phát triển ngân hàng số nói chung để làm nền tảng cho ngân hàng số phát triển. TS. Lực cũng khuyến nghị nên sớm hoàn thiện hành lang pháp lý quản lý hoạt động fintech, bigtech theo hướng mở như kinh nghiệm của Trung Quốc, ban hành quy định dạng thí điểm – sandbox đối với các sản phẩm tài chính gắn với công nghệ như Fintech, cho vay ngang hàng, huy động vốn cộng đồng… nhằm tận dụng tốt hơn thành quả công nghệ, song vẫn kiểm soát được rủi ro và tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính của người dân và doanh nghiệp.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng, hầu hết các ngân hàng khẩn thiết đề xuất Chính phủ sớm hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động fintech, cho vay ngang hàng, ví điện tử, tiền di động (Mobile Money), hợp tác ngân hàng – fintech và bigtech, chia sẻ dữ liệu... để thúc đẩy hợp tác ngân hàng với các công ty trung gian thanh toán fintech, tạo điều kiện cho các TCTD triển khai ngân hàng số thành công cũng như hạn chế rủi ro xảy ra.

Tính đến tháng 11/2019, cả nước có 30 trung gian thanh toán được NHNN cấp phép. Trong đó, nhiều trung gian thanh toán nhà đầu tư ngoại đã nắm quyền chi phối với tỷ lệ khá cao. Như 90% vốn của 1Pay đang do True Money (Thái Lan) nắm giữ; hai nhà đầu tư Hàn Quốc là Global Payment Service và UTC Investment Co., Ltd nắm 65% vốn của VNPT EPAY; Tập đoàn NTT Data (Nhật Bản) đã mua 64% vốn của Payoo...

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả