Rộng mở cơ hội xuất khẩu sang Nhật Bản
Dù khó tính nhưng Nhật Bản được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng cho hàng hóa Việt Nam, với cơ cấu xuất nhập khẩu của hai nước có sự bổ sung cho nhau. Đặc biệt, chất lượng hàng Việt Nam đã được người tiêu dùng Nhật Bản tin tưởng.
Tiềm năng lớn
Sau nhiều trắc trở do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, 2 tấn vải thiều đầu tiên của Việt Nam đã XK thành công vào thị trường Nhật Bản, được tiêu thụ hết trong 1 ngày. Mùa vải năm 2020, ước tính, sẽ có khoảng 200 tấn vải thiều tươi được XK sang thị trường Nhật Bản bằng đường hàng không và đường biển. Sự kiện này ghi dấu nỗ lực của Chính phủ Việt Nam và các cơ quan liên quan trong định hướng sản xuất, quản lý chất lượng; mở rộng đầu ra cho quả vải thiều nói riêng và hàng hóa Việt Nam nói chung. Trong đó, nhấn mạnh vai trò của Bộ Công Thương triển khai hoạt động xúc tiến thương mại, tìm thị trường XK.
Nói về thị trường Nhật Bản, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) - cho hay: Nhật Bản là thị trường xuất nhập khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam. Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, 5 tháng đầu năm 2020, bất chấp dịch Covid-19, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam với Nhật Bản vẫn đạt 15,6 tỷ USD, tăng nhẹ 2,2% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, XK hàng hóa của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 7,83 tỷ USD, nhập khẩu 7,77 tỷ USD.
Việt Nam và Nhật Bản còn nhiều tiềm năng hợp tác thương mại bởi cơ cấu hàng hóa của hai nước không cạnh tranh mà mang tính bổ sung cho nhau. Nắm bắt nhanh cơ hội, nhất là thời điểm hiện tại, Nhật Bản đang có nhu cầu lớn về các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, Bộ Công Thương đã tổ chức “Hội nghị giao thương trực tuyến sản phẩm tiêu dùng Việt Nam - Nhật Bản”. 40 doanh nghiệp Việt Nam đã giới thiệu, chào bán tới các nhà phân phối Nhật Bản đa dạng sản phẩm. Đây là sự kiện kết nối trực tuyến đầu tiên giữa Việt Nam - Nhật Bản, được ghi nhận phù hợp và hiệu quả trong bối cảnh hiện tại.
Thúc đẩy giao thương
Với hiệu quả tích cực đạt được, ngày 7/7 tới đây, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan phía Nhật Bản tổ chức “Hội nghị giao thương trực tuyến công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - Nhật Bản”, có sự tham gia của khoảng 30 - 40 doanh nghiệp hai nước. Sự kiện này được tổ chức sẽ mở rộng hơn nữa phạm vi mặt hàng giao thương, đồng thời tạo cơ hội phát triển thị trường Nhật Bản cho hàng hóa XK của Việt Nam.
Cơ hội tốt là vậy, tuy nhiên, Nhật Bản vẫn luôn được đánh giá là thị trường rất khó tính. Đêhàng XK của Việt Nam mở rộng được thị phần tại Nhật Bản, đại diện Trung tâm Xúc tiến thương mại, đầu tư và Du lịch ASEAN, Nhật Bản khuyến cáo: Doanh nghiệp Việt Nam cần tuân thủ tuyệt đối các quy định về thương mại và hàng hóa.
Theo đó, hàng hóa nhập khẩu đã cập cảng tại Nhật Bản, sau khi được kiểm dịch động, thực vật, báo cáo nhập khẩu thực phẩm và quá trình thẩm định cho thấy không có vấn đề gì mới được chuyển qua thủ tục nhập khẩu. Khi thông quan, thực phẩm hay đồ đựng thực phẩm, bao bì phải được làm thủ tục báo cáo theo Luật Vệ sinh thực phẩm... Riêng đối với sản phẩm dệt may, doanh nghiệp Việt Nam cần thông báo cho nhà nhập khẩu về nguyên vật liệu và cách thức dệt may để thời gian thông quan được nhanh chóng.
Việt Nam và Nhật Bản đang là thành viên của một số hiệp định thương mại tự do, trong đó có Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương là điều kiện thuận lợi cho hai nước mở rộng hợp tác giao thương trên nhiều lĩnh vực.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận