Rolex liệu có bị Seiko soán ngôi?
Sau sự kiện khai trương cửa hàng tại New York, nhiều chuyên gia nghi vấn về chiến lược soán ngôi Rolex của Seiko trong thị trường đồng hồ xa xỉ.
Đầu tháng 2, tập đoàn Seiko đã khai trương cửa hàng Grand Seiko Flagship tại 540 Madison Ave (New York, Mỹ). Địa điểm này là cửa hàng Grand Seiko lớn nhất toàn cầu, nhắm đến mục tiêu chiếm lĩnh thị phần lớn hơn tại thị trường Bắc Mỹ.
Bước đi của Seiko được xem như cột mốc quan trọng trong nỗ lực củng cố vị thế của thương hiệu đồng hồ Nhật Bản trên thị trường đồng hồ xa xỉ, PRNewswire đưa tin.
Cửa hàng mới có 2 tầng, trải rộng trên diện tích 580 m2, trưng bày các bộ sưu tập nổi tiếng của hãng, bao gồm các mẫu Spring Drive, đồng hồ cơ và dòng thạch anh (quartz).
Bên cạnh đó, cửa hàng bố trí thêm không gian cho “Bộ sưu tập kiệt tác” phục vụ những khách hàng sành điệu tìm kiếm sự hoàn hảo trong nghệ thuật chế tác đồng hồ.
Thiết kế cửa hàng lấy cảm hứng từ khẩu hiệu của công ty con Grand Seiko là "Alive in Time" (tạm dịch: Sống trọn khoảnh khắc), nhấn mạnh sự đổi mới và năng động trong ngành chế tác đồng hồ. Cùng với đó, thương hiệu tập trung vào tính thẩm mỹ và kỹ thuật thủ công của Nhật Bản, mang vào các yếu tố như họa tiết gỗ "kumiko" tạo thêm nét tinh tế cho không gian.
Thông qua báo cáo tài chính được Seiko công bố vào tháng 9/2023, có thể thấy thương hiệu có sự tăng trưởng ổn định tại thị trường Bắc Mỹ, và cửa hàng Grand Seiko Flagship tại New York có thể xem như một dấu mốc quan trọng.
Trước động thái này, Retail Wire đặt nghi vấn rằng liệu Seiko có thể soán ngôi vị thống trị của Rolex và chiếm lĩnh một phần thị trường lớn hơn?
Seiko được biết đến là thương hiệu uy tín về chất lượng thủ công và độ chính xác cao. Nhưng đứng trước vị thế vững chắc và lòng trung thành của giới mộ điệu dành cho Rolex, có nhiều thách thức đáng kể mà Seiko sẽ phải đối mặt.
Ngoài ra, thị trường đồng hồ xa xỉ có tính cạnh tranh cao, đòi hỏi các “đấu thủ” nỗ lực bền bỉ và có những chiến lược định vị cụ thể để đạt được những sự đột phá.
Theo báo cáo tài chính của Seiko, doanh số thuần của công ty là 131,2 tỷ yên (khoảng 874 triệu USD), tăng 1,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dòng sản phẩm cao cấp Madison Avenue của Seiko có thành công hay không phụ thuộc nhiều vào khả năng tạo được tiếng vang với người tiêu dùng, mang đến một lựa chọn hấp dẫn có thể thay thế các thương hiệu xa xỉ lâu đời như Rolex.
Rolex và Grand Seiko, công ty con của Seiko, đều là những thương hiệu tự sản xuất gần như tất cả các linh kiện nội bộ. Từ các bộ máy in-house đến vỏ và mặt số, hai ông lớn đều thể hiện được trình độ kỹ thuật và độ tin cậy trong từng sản phẩm.
Tiên phong về kỹ thuật đo thời gian chính xác, Rolex đã đạt được nhiều cột mốc quan trọng kể từ năm 1910. Thương hiệu nổi tiếng với kỹ thuật chống thấm nước trên vỏ Oyster và phát triển bộ máy tự lên dây cót Perpetual năm 1931. Mặc dù không phải là bộ máy tự động đầu tiên, sự đổi mới của Rolex đã thúc đẩy việc áp dụng rộng rãi công nghệ này.
Rolex vẫn duy trì vị thế hàng đầu trong những tiến bộ về đồng hồ, điển hình như dây tóc Parachrom chống từ tính và bộ thoát Chronergy và việc kéo dài thời gian dự trữ năng lượng lên đến 70 giờ.
Năm 2015, hãng được chứng nhận Superlative Chronometer, kiểm nghiệm đảm bảo độ chính xác và độ tin cậy vượt trội thông qua các bài kiểm tra nghiêm ngặt trong phòng thí nghiệm.
Về phía Seiko, thương hiệu Nhật Bản tiên phong trong hai công nghệ chuyển động mang tính đột phá là thạch anh và Spring Drive. Trong đó, bộ máy thạch anh, được giới thiệu vào năm 1969, đã thay thế cuộn dây truyền thống bằng dòng điện chạy bằng pin thông qua tinh thể thạch anh, mang lại độ chính xác chưa từng có.
Thừa hưởng hai công nghệ từ công ty mẹ, Grand Seiko kết hợp cả bộ máy thạch anh và Spring Drive vào trong những sản phẩm của mình.
Spring Drive được phát triển năm 1977 và thương mại hóa năm 1999. Công nghệ kết hợp độ chính xác của đồng hồ cơ và đồng hồ thạch anh, sử dụng các thành phần cải tiến như dây cót Spron 510 và bộ điều chỉnh Tri-Synchro.
Theo Watchfinder, những động thái của Seiko, đặc biệt khi được thực hiện thông qua thương hiệu Grand Seiko, có thể là một thách thức, thậm chí có khả năng vượt qua hãng đồng hồ Thụy Sĩ.
Sự ra đời của của dòng Seiko Astron và nỗ lực không ngừng để đạt đến sự hoàn hảo của thương hiệu Nhật Bản đã gây chấn động ngành công nghiệp đồng hồ.
Trong khi Rolex đóng góp đáng kể vào di sản của đồng hồ cơ khí, Grand Seiko lại đơn độc đối đầu trực tiếp, nhiều chuyên gia cho rằng Rolex có thể bị vượt mặt.
Xét về mặt kỹ thuật thủ công, cuộc tranh luận giữa đồng hồ cơ và đồng hồ hiện đại phụ thuộc nhiều vào sở thích của mỗi cá nhân.
Trong khi các thương hiệu như Patek Philippe được tôn sùng vì kỹ thuật thủ công, Rolex được ca ngợi về thiết kế chắc chắn và tính hữu dụng.
Tuy nhiên, không kém cạnh các ông lớn trên, Grand Seiko nổi bật bởi kỹ thuật thủ công tỉ mỉ, nhiều chi tiết phức tạp và mặt đồng hồ mang tính nghệ thuật. Tất cả những yếu tố này tạo nên tiêu chuẩn hoàn hảo mà nhiều thương hiệu xa xỉ khác không thể sánh được.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận