Rối thị trường xăng dầu: Do Bộ Công Thương thiếu nhạy bén
Trao đổi với PV Tiền Phong, PGS TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho rằng, việc Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn giảm công suất dẫn đến rối thị trường thời gian qua chủ yếu là do cách điều hành thiếu nhạy bén của Bộ Công Thương. Cơ quan quản lý, doanh nghiệp cũng cần xem lại các ưu đãi trong hợp tác.
Nhiều doanh nghiệp đầu mối nói rằng, việc điều hành của cơ quan quản lý thời gian qua đang khiến họ bị động, thua thiệt do mức chênh lệch giá khá lớn trước khi điều chỉnh. Ông đánh giá thế nào về việc “nghỉ điều hành” của cơ quan quản lý về xăng dầu trong dịp Tết vừa qua?
Từ câu chuyện nhiều cửa hàng xăng dầu ở các địa phương đột ngột treo biển hết hàng sau khi Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn thông báo giảm công suất, có thể thấy nguồn cung thực tế trong nước không hề thiếu. Việc này cũng được Bộ Công Thương xác nhận.
Còn với việc điều hành, để rối như thời gian qua chủ yếu là do cách điều hành của Bộ Công Thương. Tuy nhiên, cũng cần phải nói việc không điều chỉnh giá xăng dầu khi đến thời điểm điều chỉnh giá trong dịp Tết là hoàn toàn không sai (kỳ điều hành tiếp sau đợt điều chỉnh giá xăng dầu ngày 21/1 rơi vào mồng 1 Tết nhưng theo quy định của Nghị định 95, khi kỳ điều hành trùng vào dịp Tết Nguyên đán, cơ quan quản lý được phép lùi sang kỳ điều hành tiếp theo là ngày 11/2- PV).
Dù được phép nhưng với vai trò điều hành của mình trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới tăng rất nhanh trong dịp Tết (giá xăng dầu thế giới đã tăng liên tục trong nhiều ngày với biên độ lớn, vượt 101 - 104 USD/thùng- PV) dẫn đến việc không điều hành giá trong nước bám kịp với giá thế giới. Việc điều hành như vậy quá cứng nhắc, thậm chí có thể nói thiếu nhạy bén, trong bối cảnh giá liên tục tăng, trong khi về mặt tâm lý, doanh nghiệp không ai dại gì bán hàng ra với giá rẻ khi đang phải chịu lỗ rất lớn. Việc này kéo theo tình trạng có doanh nghiệp đầu mối, tổng đại lý, đại lý và cửa hàng xăng dầu cùng găm hàng. Vì vậy, cũng phải nói, khâu quyết định khiến thị trường rơi vào tình trạng như thời gian qua là do việc điều hành giá của cơ quan quản lý quá cứng nhắc trong khi kỳ nghỉ Tết kéo dài tới 9 ngày.
Sau khi thị trường được điều chỉnh giá, cơ quan quản lý vào cuộc, tình hình căng thẳng lập tức hạ nhiệt.
Dù muộn, giá xăng dầu đã được điều chỉnh sát với giá thế giới, doanh nghiệp cũng bớt phần gánh nặng. Tuy nhiên, người tiêu dùng phải chịu cảnh giá mua tăng cao đột ngột hơn. Vậy theo ông, cơ quan quản lý cần làm gì để tránh những việc tăng giá đột ngột như vừa qua?
Từ vấn đề của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, trong bối cảnh hiện nay, các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu phải có trách nhiệm cũng như có các công cụ phòng ngừa rủi ro, bảo hiểm về giá được áp dụng phổ biến trên thế giới hiện nay.
Việt Nam đã có Sở Giao dịch hàng hoá và có các công cụ, hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng tương lai, vậy vì sao không áp dụng với mặt hàng xăng dầu, một trong những mặt hàng đã có trên sàn giao dịch ở Việt Nam? Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu trước đây và cả trong Nghị định 95 mới nhất về kinh doanh xăng dầu đều cho phép các doanh nghiệp được sử dụng các công cụ bảo hiểm về giá.
Tuy nhiên, cần lưu ý việc dùng công cụ hedging (bảo hiểm rủi ro về giá) đòi hỏi trình độ dự báo rất cao. Thực tế, trong các năm trước đây, Vietnam Airlines (VNA) và Tập đoàn Xăng dầu (Petrolimex) từng thực hiện các công cụ tài chính phái sinh trong quá trình mua bán nhiên liệu nhưng do khả năng quản trị, dự báo thị trường hạn chế nên bị tổn thất, thua lỗ lớn. (Vietnam Airlines năm 2014 thực hiện 4 đợt bảo hiểm giá nhiên liệu kéo dài thời gian sang năm 2015 và đã phải bù đắp phần chênh lệch giá âm làm chi phí tăng 2.578 tỷ đồng. Công ty TNHH MTV Petrolimex Singapore, công ty con của Petrolimex, năm 2015 lỗ 38,276 triệu USD chủ yếu do các hợp đồng hedging và cả năm 2014, Petrolimex lỗ 35,961 triệu USD, chủ yếu do mua hàng nhập kho Vân Phong ở giá cao và bán ra ở giá thấp- PV).
Để tham gia nghiệp vụ hedging này, đòi hỏi cơ quan quản lý và doanh nghiệp phải có các chuyên gia tinh thông về nghiệp vụ và có khả năng dự báo cực kỳ chính xác. Việc đào tạo các cán bộ nắm vững nghiệp vụ này đòi hỏi cơ quan chức năng, doanh nghiệp phải tự nâng cấp trình độ trong bối cảnh nguồn dự trữ trong nước có giới hạn về kho, nguồn vốn.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cũng phải rà soát lại việc thời gian qua các doanh nghiệp đầu mối có nhập khẩu xăng dầu, dự trữ đúng quy định, có cung ứng đủ ra thị trường hay không hay bản thân họ cũng găm hàng?
Nhìn lại câu chuyện Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, từ năm 2018, PVN đã có báo cáo lên Chính phủ, Bộ Công Thương những vấn đề về việc bao tiêu sản phẩm với nhà máy này. Đại biểu Quốc hội cũng từng đề cập đến việc phải bù lỗ hàng chục nghìn tỷ đồng cho nhà máy. Vậy theo ông, có giải pháp gì cho tình hình hiện nay cũng như thời gian tới để tránh tổn thất cho ngân sách?
Trước hết phải nói, để đảm bảo an ninh năng lượng - một trong những vấn đề cốt tử của quốc gia - cơ quan quản lý, doanh nghiệp phải chủ động được nguồn cung. Việc quốc gia có nhà máy lọc dầu sẽ giúp chủ động hơn trong đảm bảo an ninh năng lượng. Việc PVN tham gia liên doanh với các tập đoàn quốc tế để vận hành Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn là cần thiết.
Vấn đề là Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đang được hưởng quá nhiều ưu đãi. Những ưu đãi này đã được nêu rõ trong hợp đồng hợp tác và không thể sửa đổi được. Vì vậy, mới có những đề xuất ưu đãi được Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (PVN) đưa ra hồi năm 2021 về việc Chính phủ có ý kiến chỉ đạo các doanh nghiệp xăng dầu ưu tiên sử dụng nguồn xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu trong nước nhằm giảm thiểu nguồn nhập khẩu để hỗ trợ ổn định sản xuất và tiêu thụ sản phẩm xăng dầu của các đơn vị trong nước.
Tiếp sau đó, đơn vị này cũng nêu ra hàng loạt khó khăn và đề nghị các cơ chế tài chính hỗ trợ dù không có vai trò quyết định trong hoạt động của doanh nghiệp khi chỉ nắm giữ phần vốn góp 25,1% trong liên doanh. Đây là vấn đề cần thực sự rút kinh nghiệm khi thành lập các liên doanh về sau. Việc đưa ra nhiều ưu đãi nhưng không nắm quyền quản lý hoặc có vai trò quan trọng này đã dẫn đến những thua thiệt khi phải đáp ứng các yêu sách. Việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong thời gian tới đặt ra với các cơ quan quản lý là phải tổ chức đảm bảo được nguồn cung trong nước mà không phải liên doanh bằng mọi cách, bằng mọi giá.
Trở lại với Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn. Đây là việc bất khả kháng do mọi quy định đã được nêu trong hợp đồng được ký kết. Đây cũng là bài học rút kinh nghiệm trong các dự án liên quan đến xăng dầu mới trong tương lai để không đưa ra các ưu đãi quá mức. Cùng với đó, việc tham gia góp vốn các dự án của các doanh nghiệp cũng phải đủ lớn để có tiếng nói, quyền điều hành thay vì để trong tay các doanh nghiệp đối tác. Quan trọng hơn là dù có mục tiêu tốt nhưng không phải liên doanh bằng mọi giá.
Cảm ơn ông!
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận