Rối loạn hô hấp hậu COVID-19 có nghiêm trọng?
“Các bệnh nhân rối loạn chức năng hô hấp hậu COVID-19 cần phục hồi chức năng hô hấp và vận động bằng các bài tập thở, giảm tình trạng khó thở cũng như cải thiện chất lượng sống của người bệnh”- ThS.BS Đồng Phú Khiêm, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết.
Vừa qua, tại hội thảo Tiếp cận và xử trí các bệnh lý hậu Covid-19, do Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tổ chức, ThS.BS Đồng Phú Khiêm, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, cùng với việc tập trung phòng chống và điều trị bệnh nhân COVID-19, thời gian gần đây, vấn đề hậu COVID-19 cũng bắt đầu được quan tâm. Tuy nhiên, hiện các dữ liệu nghiên cứu liên quan đến các rối loạn hô hấp hậu COVID-19 nói riêng cũng như các vấn đề về hậu COVID ở nước ta vẫn chưa có nhiều.
BS Khiêm cho biết, theo một số nghiên cứu trên thế giới, hình thái rối loạn chức năng hô hấp thường gặp hậu COVID-19 bao gồm: suy giảm khả năng khuếch tán trao đổi khí. BS Khiêm cho biết, ở một số bệnh nhân hậu COVID-19, vấn đề thông khí có thể không bị ảnh hưởng nhưng chức năng trao đổi khí của màng phế nang mao mạch bị suy giảm, dẫn đến tình trạng có thể bệnh nhân bị giảm oxy máu kéo dài hoặc phải tăng nhu cầu thông khí... Ngoài ra còn có 2 hình thái phổ biến là rối loạn chức năng thông khí hạn chế (có thể do hậu quả tổn thương phổi sâu), rối loạn thông khí tắc nghẽn (có tình trạng cản trở hay hẹp đường thở).
Trong đó, có khoảng 16-44% bệnh nhân từng bị COVID-19 nặng gặp vấn đề giảm khả năng khuếch tán, trao đổi khí. Tỷ lệ bệnh nhân rối loạn thông khí hạn chế khoảng 15%. Hình thái rối loạn thông khí tắc nghẽn thì ít hơn khoảng 7%, trong đó tập trung ở các bệnh nhân có các tiền sử hen phế quản, hen, hút thuốc lá.
BS Khiêm cũng cho biết, ngoài 3 hình thái phổ biến trên, bệnh nhân hậu COVID-19 cũng thường gặp một số triệu chứng thực thể, cơ năng kéo dài, như: khó thở chiếm 10-71%. Triệu chứng này kéo dài 2-3 tháng hoặc lâu hơn; khó chịu ở ngực từ 12-44% (thường kéo dài 2-3 tháng). Đặc biệt là triệu chứng ho kéo dài có khoảng 17-34%, thời gian cũng từ 2-3 tháng hoặc lâu hơn, thậm chí cả năm.
Theo Tạp chí Hô hấp châu Âu, khó thở là triệu chứng hô hấp được báo cáo thường xuyên nhất sau COVID-19. Các nghiên cứu về triệu chứng hô hấp từ 1 đến 12 tháng sau COVID-19 cho thấy, tỷ lệ khó thở dai dẳng từ 5-81% đối với bệnh nhân nhập viện và 14 % ở bệnh nhân không nhập viện. Sự dai dẳng của chứng khó thở dường như không liên quan chặt chẽ đến mức độ nghiêm trọng ban đầu của COVID-19. Đây là vấn đề gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống và tình trạng kinh tế xã hội, vì nhiều bệnh nhân mắc hội chứng COVID-19 sau cấp tính không thể trở lại làm việc trong 6 tháng sau COVID-19.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới khó thở sau COVID-19, trong đó có di chứng nhu mô, rối loạn chức năng thở, rối loạn chức năng tim mạch và suy giảm chức năng cơ. Tuy nhiên chứng khó thở cải thiện dần dần theo thời gian ngay cả đối với những bệnh nhân khó thở dai dẳng đến 1 năm sau COVID.
Ho dường như ít phổ biến hơn khó thở sau COVID-19, nhưng nó cũng có thể tồn tại trong nhiều tuần hoặc vài tháng sau khi nhiễm SARS-CoV-2 và đã được báo cáo ở 2–42% bệnh nhân. Trong một nghiên cứu lớn được thực hiện đối các bệnh nhân 1 tháng sau khi xuất viện, không có yếu tố lâm sàng hoặc nhập viện nào liên quan đến chứng ho kéo dài sau COVID-19.
Theo ThS.BS Đồng Phú Khiêm, những bệnh nhân có mức độ nặng trong giai đoạn cấp thì nguy cơ xuất hiện tình trạng rối loạn chức năng hô hấp ở giai đoạn sau càng nhiều. Nữ giới là đối tượng hay gặp vấn đề rối loạn chức năng hô hấp ở giai đoạn hậu COVID-19 hơn. Ngoài ra còn có một số bệnh nhân có bệnh nền, rối loạn tâm thần, tuổi già...
“Nguyên nhân dẫn đến rối loạn chức năng hô hấp hậu COVID-19 là do tổn thương phổi, là hậu quả của giai đoạn cấp chưa hồi phục, hay tổn thương phổi trực tiếp do COVID-19, tổn thương phổi do bội nhiễm... Những tình trạng này nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời có thể dẫn đến hậu quả làm trầm trọng hơn tình trạng suy giảm chức năng rối loạn hô hấp hậu COVID-19. Có những bệnh nhân mặc dù ở giai đoạn đầu của COVID, tổn thương phổi không quá nặng nề nhưng giai đoạn sau vẫn có thể xuất hiện hình thái tổn thương phổi tiến triển hậu COVID-19”- BS Khiêm cho biết.
BS Khiêm khuyến cáo, những bệnh nhân có nguy cơ cao rối loạn chức năng hô hấp hậu COVID-19 là những đối tượng cần được tái khám hoặc những bệnh nhân có tiền sử mắc COVID-19 và có các biểu hiện rối loạn chức năng hô hấp cần phải tái khám. Về thời điểm tái khám, có khá nhiều hướng dẫn của các Hiệp hội y học trên thế giới đồng thuận, với các bệnh nhân có nguy cơ cao xuất hiện chức năng rối loạn hô hấp hậu COVID-19 cần được tái khám ít nhất 1 lần trong vòng 3 tháng kể từ khi xuất hiện. Những bệnh nhân đã từng mắc COVID-19 nặng, nằm điều trị khoa hồi sức cần phải tái khám sau 2 tuần để đánh giá một cách toàn.
Theo BS Khiêm, với các bệnh nhân rối loạn chức năng hô hấp hậu COVID-19 cần phục hồi chức năng hô hấp và vận động bằng các bài tập thở, giảm tình trạng khó thở cũng như cải thiện chất lượng sống của người bệnh. Bên cạnh đó, cần có sự tư vấn từ các bác sĩ để có các biện pháp điều trị đặc hiệu./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận