Reuters nói phương pháp đầu tư của 'nhà tiên tri xứ Omaha' cũng chỉ như người thường
“Hãy làm như tôi nói, không phải như tôi làm” nghe có vẻ giống như một điều sâu sắc mà Warren Buffett - "Nhà tiên tri xứ Omaha" có thể nói với đám đông yêu mến của mình.
Năm 1988, Warren Buffett nói với các cổ đông Berkshire Hathaway rằng “khoảng thời gian nắm giữ [cổ phiếu] yêu thích của tập đoàn là vĩnh viễn”.
Trong suốt hàng thập kỷ, nhiều người đã tin rằng Warren Buffett là nhà đầu tư dài hạn. Nhưng mọi người đã quên mất điều quan trọng là câu nói này chỉ đúng với “các doanh nghiệp xuất sắc có ban quản lý tài giỏi”.
Và bối cảnh Warren Buffett đưa ra tuyên bố trên là khi ông nói về những khoản đầu tư lớn của Berkshire năm 1988, bao gồm Coca-Cola và Freddie Mac – những cổ phiếu mà ông dự định nắm giữ trong khoảng thời gian dài.
Buffett đã làm đúng những gì mình nói. Freddie Mac, công ty cho vay thế chấp nhà ở do chính phủ Mỹ hậu thuẫn, có lúc đã chiếm đến 10% tỷ trọng trong danh mục của Berkshire. Tập đoàn đầu tư vào Freddie Mac trong hàng chục năm, cho đến khi Buffett hoảng sợ trước dự báo tăng trưởng lợi nhuận quá lạc quan của công ty này.
Và sau 35 năm, Berkshire vẫn sở hữu cổ phiếu Coca-Cola. Số cổ phần trị giá 1,3 tỷ USD mà tập đoàn tích lũy trong giai đoạn 1988-1994 có trị giá lên đến 25 tỷ USD vào tháng trước. Trong lá thư gửi cổ đông gần nhất, Buffett tự hào tuyên bố rằng lượng cổ tức tiền mặt hàng năm mà Berkshire nhận được từ Coca-Cola đã tăng từ 75 lên hơn 700 triệu USD vào năm 2022.
Sự kiên trì này đã trở thành một phần huyền thoại của Buffett, cùng với thói quen tìm kiếm các công ty có giá thị trường thấp hơn giá trị nội tại. Đúng là Berkshire hiếm khi bán lại một công ty con mà họ đã mua lại hoàn toàn, ví dụ như sự gắn bó lâu dài của tập đoàn với công ty đường sắt BNSF và hãng kẹo See’s Candies.
Tuy nhiên, khi nói đến các công ty đại chúng, Freddie Mac và Coca-Cola lại là những khoản đầu tư khác thường của Buffett. Trường hợp điển hình hơn là việc Buffett quay lưng với TSMC. Berkshire công bố số cổ phần trị giá 4 tỷ USD trong nhà sản xuất chip Đài Loan vào tháng 11 năm ngoái rồi bán sạch chúng chỉ sau vài tháng, sau khi Buffett nghĩ lại về những rủi ro địa chính trị mà công ty này phải đối mặt.
Quyết định của Buffett có lẽ đã khiến nhiều nhà đầu tư bị sốc bởi họ đã tranh nhau mua và kéo giá cổ phiếu này lên 4% sau khi Buffett tiết lộ vị thế.
Trên thực tế, Warren Buffett cũng giống với một nhà đầu tư điển hình, với khác biệt lớn nhất là ông cực kỳ giàu có. Hiểu được điều này là việc rất quan trọng do danh mục cổ phiếu của Berkshire có trị giá lên tới 325 tỷ USD tính tới ngày 15/5, cùng với 125 tỷ USD tiền mặt và tín phiếu Kho bạc Mỹ tính đến ngày 31/3.
Buffett mua và bán hàng tỷ USD cổ phiếu, không phải theo ý thích bất chợt nhưng cũng khá thường xuyên.
Trong một nghiên cứu năm 2010, các tác giả phát hiện rằng trong số 230 cổ phiếu mà Berkshire sở hữu từ năm 1998 đến 2006, khoảng 60% trong số đó bị tập đoàn buông bỏ trong chưa đầy một năm. Chỉ có 9 cổ phiếu được tập đoàn nắm giữ trong ít nhất một thập kỷ.
Theo thời gian, các nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng đã rút ngắn đáng kể khoảng thời gian nắm giữ cổ phiếu. Hồi thập niên 1950, trung bình các nhà đầu tư sở hữu một cổ phiếu trong khoảng 8 năm. Đến tháng 6/2020, khoảng thời gian này đã giảm xuống còn chưa đến 6 tháng, theo tính toán của Reuters dựa trên dữ liệu của Sàn Giao dịch Chứng khoán New York.
Các cổ phiếu lớn nhất trong danh mục của Berkshire ngày nay đã thay đổi đáng kể so với một thập kỷ trước. Coca-Cola và American Express vẫn tiếp tục là trụ cột chính, nhưng cái tên của Wells Fargo thì đã biến mất. Tập đoàn đã lần lượt sở hữu rồi bán ra 13 tỷ USD cổ phiếu IBM, 8 tỷ USD cổ phiếu JPMorgan và gần 3 tỷ USD cổ phần trong công ty dược phẩm sinh học AbbVie.
Nhà sản xuất game Activision Blizzard, đại gia dầu khí Occidental Petroleum và tập đoàn truyền thông Paramount Global nằm trong nhóm những khoản đầu tư tương đối gần đây của Berkshire, và Apple cũng vậy.
Đến tận năm 2015 Buffett mới rót vốn vào Apple, khoảng 35 năm sau khi “Táo khuyết” lên sàn. Giá trị số cổ phiếu Apple mà Berkshire nắm giữ nhanh chóng tăng tiến lên 150 tỷ USD, chiếm gần một nửa danh mục cổ phiếu của Berkshire tính đến giữa tháng 5.
Việc thường xuyên đánh giá lại các khoản đầu tư không phải điều đáng chê trách. Đây thực chất lại là đức tính tốt, vì sự bướng bỉnh có thể đi kèm với cái giá đắt.
Mua vào và bán ra cổ phiếu là chiến lược có ích đối với Buffett, dù ông cũng từng phải hối hận vì một số quyết định vội vàng của mình, giống như nhiều nhà đầu tư bình thường khác. Ông thừa nhận rằng việc thoái vốn khỏi McDonald’s quá nhanh chóng trong năm 1998 là “sai lầm rất lớn”.
Tuy nhiên, danh hiệu “nhà hiền triết xứ Omaha” của Warren Buffett không phải là không có cơ sở. Từ năm 1965 đến 2022, Berkshire đạt được tỷ suất lợi nhuận kép hàng năm là 20%, cao hơn hai lần chỉ số S&P 500 nếu tính cả cổ tức được tái đầu tư.
Gần 30 năm sau khi nói về sở thích “sở hữu cổ phiếu vĩnh viễn”, Buffett đã cố gắng làm rõ suy nghĩ của mình về khoảng thời gian nắm giữ bằng cách thêm một dòng vào một trong các “nguyên tắc kinh doanh” của Berkshire để nhấn mạnh rằng việc này chỉ áp dụng cho các doanh nghiệp do tập đoàn kiểm soát.
Dẫu vậy, Buffett vẫn nuôi dưỡng ý tưởng nắm giữ cổ phiếu mãi mãi. Ông cho biết mình có thể bán ra các chứng khoán khả mại (marketable securities) mà bản thân nắm giữ, “dù hiện tại việc này có rất ít khả năng xảy ra”.
Dựa trên phân tích về các giao dịch của Berkshire trong hàng thập kỷ, rõ ràng việc Berkshire buông bỏ cổ phiếu không thể coi là “ít có khả năng xảy ra”. Tốt nhất, nhà đầu tư nên hành động theo những gì Buffett làm thay vì những gì ông nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận