Reuters: Giới chức Mỹ điều tra khả năng thao túng đối với cổ phiếu ngân hàng
Các quan chức Mỹ đang điều tra xem liệu hoạt động thao túng thị trường có phải là nguyên nhân khiến cổ phiếu ngân hàng sụt giảm mạnh hay không. Trong khi đó, FDIC đang có kế hoạch buộc các tổ chức tài chính với tài sản trên 10 tỷ USD trả tiền để bổ sung vào Quỹ Bảo hiểm Tiền gửi (DIF).
Theo nguồn tin của Reuters, các quan chức liên bang và tiểu bang của Mỹ đang đánh giá xem liệu hành vi “thao túng thị trường” có phải nguyên nhân khiến cổ phiếu ngân hàng biến động thời gian gần đây hay không. Trước đó, Nhà Trắng tuyên bố sẽ giám sát “áp lực bán khống đối với các ngân hàng lành mạnh”.
Cổ phiếu ngân hàng khu vực tiếp tục trượt dài trong tuần này sau sự sụp đổ của First Republic. Theo công ty phân tích Ortex, những người bán khống đã thu về 378,9 triệu USD chỉ riêng trong ngày 4/5.
Hoạt động bán khống và biến động gần đây đã thu hút sự giám sát của các quan chức chính phủ Mỹ. “Các cơ quan quản lý và quan chức đang ngày càng chú ý đến khả năng thao túng thị trường liên quan tới cổ phiếu ngân hàng”, nguồn tin cho hay.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết chính quyền Tổng thống Joe Biden đang theo dõi chặt chẽ tình hình, nhưng Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC) sẽ là bên thực thi bất cứ chính sách nào.
Hiệp hội Ngân hàng Mỹ hôm 4/5 đã kêu gọi SEC điều tra hoạt động bán khống cổ phiếu ngân hàng và sự tham gia của mạng xã hội. Hiệp hội cho hay: “Chúng tôi kêu gọi SEC xem xét tất cả các công cụ hiện có của mình và thực hiện các biện pháp để giảm thiểu hành vi lạm dụng giao dịch và khôi phục niềm tin của nhà đầu tư”.
Chủ tịch SEC Gary Gensler cho biết cơ quan này sẽ theo dõi bất kỳ hành vi sai trái nào có thể đe dọa đến nhà đầu tư hoặc thị trường.
Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Hiệp hội Ngân hàng Tiêu dùng Lindsey Johnson nhấn mạnh ngành ngân hàng vẫn vững mạnh và kêu gọi các nhà hoạch định chính sách lên án "hành vi phi đạo đức của các nhà đầu tư chủ động (activist investor)", những người đang lợi dụng sự biến động của thị trường để kiếm lời.
“Sự biến động [hiện nay] đang được thúc đẩy bởi cảm xúc và thông tin sai lệch, không phản ánh [tình hình] căn bản mạnh mẽ của các ngân hàng”, Johnson tuyên bố. “Các tổ chức này vẫn có khả năng phục hồi và có nguồn vốn dồi dào. Người Mỹ có thể yên tâm rằng tiền gửi của họ sẽ được an toàn”.
Theo Bloomberg, Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) dự kiến sẽ công bố đề xuất để bổ sung Quỹ Bảo hiểm Tiền gửi (DIF). Quỹ này đã bị thâm hụt hàng chục tỷ USD sau khi Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank sụp đổ.
Các nhà băng nhỏ, với tài sản ít hơn 10 tỷ USD, sẽ không phải đóng góp thêm vào DIF. Có khoảng 4.000 tổ chức tài chính tại Mỹ nằm dưới ngưỡng trên vào cuối năm ngoái, theo dữ liệu từ FDIC. Tùy thuộc vào quy mô và danh mục tiền gửi, một số ngân hàng với tài sản lên tới 50 tỷ USD cũng có thể không phải chi tiền.
Nguồn tin cho biết thêm, khoản thanh toán cho DIF có thể được trả trong vòng hai năm, hoặc trả thẳng một lần. Theo kế hoạch của FDIC, những ngân hàng lớn sẽ chịu cùng một cấu trúc chi phí.
Tuy nhiên, một số có thể phải trả nhiều tiền hơn bởi quy mô bảng cân đối kế toán và số lượng người gửi tiền. Rủi ro của tiền gửi sẽ không ảnh hưởng tới mức đóng góp.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận