menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Lý Ngọc Mai

RCEP và lưu ý cho Việt Nam

RCEP tạo ra cơ hội lớn để Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị sản xuất của thế giới

Cơ hội mới để mở rộng thị trường xuất khẩu và hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất đang được hình thành cùng với quá trình đàm phán Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP). Đây là FTA giữa ASEAN và 6 đối tác (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc và New Zealand), bắt đầu đàm phán từ năm 2013 và hiện đang đi vào giai đoạn cuối. Để cập nhật thông tin về tiến trình và xu hướng đàm phán RCEP, Bộ Công thương đã phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo “Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực: Tình hình đàm phán và những vấn đề doanh nghiệp cần quan tâm”, vào ngày 23/5.

Cơ hội hoàn thiện chuỗi giá trị

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập cho biết, RCEP sẽ tạo ra một thị trường khổng lồ, với 50% dân số thế giới. Trong đó, Trung Quốc và Ấn Độ chiếm 30% GDP toàn cầu, 28% tổng lượng thương mại của thế giới. Khi hoàn tất, RCEP sẽ tạo ra một khu vực mậu dịch tự do rộng lớn, bao trùm nhiều đối tác xuất khẩu lớn của Việt Nam. Đặc biệt, với sự tham gia của các đối tác là nguồn cung nguyên liệu lớn cho Việt Nam (như Trung Quốc, Hàn Quốc...), việc hài hòa quy tắc xuất xứ cùng các quy định tạo thuận lợi thương mại trong RCEP hứa hẹn sẽ tạo ra những chuỗi giá trị khu vực mới, hỗ trợ DN tận dụng tốt hơn các ưu đãi thuế quan trong RCEP.

Một điểm thuận lợi khác là người tiêu dùng trong RCEP phần lớn không quá khó tính; đồng thời, nhu cầu đối với các sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh là tương đối cao, đặc biệt là nông sản nhiệt đới, thực phẩm chế biến…

Bà Trang cũng lưu ý, điểm cần chú trọng hơn cả là các thị trường trong khối RCEP hiện nay đang bao trùm gần như toàn bộ chuỗi sản xuất của nhiều loại hàng hoá mà hiện nay Việt Nam có thế mạnh, như sản phẩm điện tử, dệt may, giày dép, thực phẩm chế biến…

Như vậy, đây là khu vực tạo điều kiện có thể nói là lớn nhất cho Việt Nam tận dụng các ưu đãi thuế quan nội khối. Chính đây là điểm tạo ra sự khác biệt lớn giữa RCEP với các FTA khác trong thuế quan. Hơn nữa, bên cạnh đó còn có nhiều vấn đề mà chúng ta có thể kỳ vọng. Ví dụ quy tắc chung thống nhất để giảm thiểu các biện pháp phi thuế quan hạn chế hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam. Vì vậy đây rõ ràng là cơ hội lớn và rất có ý nghĩa đối với các DN Việt Nam, đặc biệt là DN đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu.

Từ đó, DN Việt Nam có thể kỳ vọng Hiệp định RCEP sẽ giúp ưu đãi thuế quan được cải thiện hơn nữa, quy tắc xuất xứ nội khối được hài hòa, dễ đáp ứng hơn. Bên cạnh đó, các quy trình về hải quan sẽ được thống nhất, tạo thuận lợi thương mại. DN Việt Nam cũng kỳ vọng một số thị trường dịch vụ sẽ mở hơn, đặc biệt là dịch vụ logistics, viễn thông...; nền tảng thương mại điện tử tốt hơn, môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, cạnh tranh hơn…

Cân nhắc lợi ích

Tuy nhiên, bà Trang cũng cho rằng, hiện vẫn có nhiều ý kiến quan ngại về Hiệp định này. Từ phía DN, vấn đề gây ra nhiều băn khoăn nhất là trong các nước tham gia đàm phán ký kết, có nhiều đối tác có cơ cấu sản phẩm tương tự Việt Nam, lại có năng lực cạnh tranh mạnh hơn; rồi các thị trường cũng có khác biệt lớn về yêu cầu chất lượng hàng hóa. Ngoài ra, lo ngại còn đến từ nguy cơ xáo trộn, chuyển hướng thương mại, đặc biệt ở các thị trường mà các đối tác chưa có FTA chéo.

Nhiều DN kỳ vọng RCEP sẽ là “vùng lánh nạn”, nhưng theo bà Trang, không thể trông chờ vào đó để tránh xu hướng bảo hộ thương mại thế giới, và cũng không thể trông vào RCEP để tận dụng cơ hội từ căng thẳng thương mại Mỹ – Trung.

Bà Trịnh Thu Hiền, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cũng khẳng định, cơ hội từ hiệp định này là rất lớn. Song bà cũng lưu ý các DN cũng nên linh hoạt và chủ động trong xuất khẩu. Ví dụ để xuất khẩu sang Nhật Bản, Việt Nam và Nhật Bản đã có FTA song phương, nên nhiều mặt hàng đã có thuế về 0% và DN cần tận dụng ưu đãi đó, thay vì quá trông chờ vào Hiệp định Tiến bộ và Toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Còn theo ông Phạm Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính, trong quá trình đàm phán RCEP cũng như các FTA khác, cơ quan quản lý luôn phải cân đối lợi ích. Ông phân tích, những đối tác mà Việt Nam thâm hụt thương mại lớn nhất đều nằm ở khu vực RCEP. Vì vậy, một mặt Việt Nam không nên kỳ vọng quá nhiều vào việc gia tăng xuất khẩu ở khu vực này, trừ khi có thể thay đổi cơ cấu sản xuất; nhưng mặt khác, chúng ta lại đang phụ thuộc lớn vào khu vực này để gia tăng năng lực cạnh tranh của DN, nhằm tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị sản xuất của thế giới.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, cũng không loại trừ khả năng RCEP sẽ tạo ra áp lực cạnh tranh mạnh hơn đối với Việt Nam, ngay ở các thị trường trong khối RCEP. Ví dụ, hiện nay Trung Quốc và Nhật Bản chưa có FTA chung, nhưng với RCEP thì họ sẽ coi như có. Như vậy cạnh tranh của Việt Nam ở 2 thị trường này sẽ tăng lên. Từ đó, DN Việt Nam phải tăng cường năng lực cạnh tranh để có cơ hội tốt nhất khi tham gia RCEP.

“Tôi nghĩ DN Việt Nam trong RCEP cũng có lợi thế nhất định. Thương hiệu hàng hoá sản xuất tại Việt Nam được đánh giá cao so với nhiều nước trong khu vực này. Vì vậy nếu chúng ta làm tốt các vấn đề, khắc phục điểm yếu về tính chuyên nghiệp, sự đồng đều về chất lượng hàng hóa, hay những chuyện liên quan đến quy trình... thì DN có thể tận dụng tốt lợi thế từ RCEP”, bà Trang khẳng định.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại