24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Tuấn Việt
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Ráo riết chuẩn bị cho Non-prefunding

Việc triển khai nghiệp vụ giao dịch không yêu cầu ký quỹ trước bằng tiền (Non-prefunding) của nhà đầu tư tổ chức nước ngoài được đánh giá là tiền đề để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam và thu hút vốn ngoại.

Nhiều công ty chứng khoán đã sẵn sàng

Giao dịch mua cổ phiếu theo phương thức Non-prefunding của nhà đầu tư tổ chức nước ngoài thực hiện theo Thông tư 68/2024/TT-BTC của Bộ Tài chính, có hiệu lực từ ngày 2/11/2024, là hình thức giao dịch mà thông qua đó nhà đầu tư được công ty chứng khoán cấp cho hạn mức giao dịch trước và thực hiện thanh toán sau khi giao dịch khớp lệnh. Việc này giúp nhà đầu tư tiết kiệm được chi phí chuyển đổi ngoại tệ và quản lý dòng tiền tốt hơn khi thực hiện giao dịch tại thị trường Việt Nam, vì tiến gần hơn với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, Non-prefunding của Việt Nam là mô hình không có đối tác bù trừ trung tâm nên rủi ro đảm bảo thanh khoản sẽ được chuyển hết vào công ty chứng khoán nơi nhà đầu tư thực hiện giao dịch, lý do là công ty chứng khoán phải đảm bảo mọi giao dịch phải được thanh toán đúng chu kỳ T+2.

Đại diện Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) cho biết, để đảm bảo tính an toàn và hiệu quả, hạn chế rủi ro thanh toán trong việc triển khai cơ chế Non-prefunding, HSC đã xây dựng quy trình nhận diện, đánh giá rủi ro thanh toán cho từng nhà đầu tư/nhóm nhà đầu tư nước ngoài theo tiêu chí chấp nhận rủi ro có thể chịu được của Công ty nhằm xác lập việc cung cấp hạn mức Non-prefunding áp dụng từng khách hàng hiện hữu cũng như khách hàng mới (chưa có lịch sử giao dịch tại HSC) theo từng tiêu chí cụ thể và được kiểm soát rủi ro tốt nhất. Hiện HSC cùng với các công ty chứng khoán khác, ngân hàng lưu ký và Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam đang rà soát và thực hiện các bước cuối cùng để hoàn thiện quy chế giao dịch và thanh toán bù trừ áp dụng cho mô hình Non-prefunding, bao gồm cả quy trình thanh toán ngoài biên độ khi áp dụng theo Thông tư 68/2024/TT-BTC.

Ông Nguyễn Khắc Hải, Giám đốc Khối phụ trách Luật và Kiểm soát tuân thủ, Công ty Chứng khoán SSI cho hay, để triển khai nghiệp vụ Non-prefunding, Công ty đã và đang chuẩn bị về quy trình nghiệp vụ, con người, hệ thống, cơ chế quản trị rủi ro và nguồn vốn. Về phía quy trình, tối thiểu là các quy trình nghiệp vụ nội bộ về nhận, giao dịch, xử lý lệnh Non-prefunding, quản trị rủi ro phải được ban hành. Ngoài ra còn có quy trình làm việc với nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức có nhu cầu giao dịch lệnh Non-prefunding, quy trình phối hợp với các ngân hàng lưu ký nơi nhà đầu tư nước ngoài mở tài khoản lưu ký tiền và chứng khoán để thực hiện lệnh Non-prefunding.

Theo ông Hải, cơ chế đặt lệnh Non-prefunding đối với các Sở giao dịch chứng khoán không có sự thay đổi, nhưng cơ chế xử lý lệnh Non-prefunding tại Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam là quy trình nghiệp vụ mới và đang được Tổng công ty dự thảo, lấy ý kiến các thành viên thị trường.

“Chúng tôi đào tạo nhân viên môi giới phục vụ nhóm khách hàng tổ chức nước ngoài thêm về nghiệp vụ Non-prefunding, đồng thời bổ sung chức năng mới cho hệ thống giao dịch lệnh Non-prefunding, quản trị rủi ro đặc thù cho loại giao dịch này để có thể tự động hóa tối đa, tăng khả năng phục vụ khách hàng. Công ty cũng chuẩn bị nguồn vốn để có hạn mức dành cho các lệnh Non-prefunding, đáp ứng tối đa nhu cầu của nhà đầu tư nước ngoài”, ông Hải chia sẻ.

Kỳ vọng khối ngoại tăng thanh khoản

Nếu được FTSE và MSCI nâng hạng, dòng vốn từ các quỹ nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam đến năm 2030 có thể đạt 30 tỷ USD.

Đại diện HSC nhận xét, nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, những người có thể đặt lệnh Non-prefunding mong muốn sớm được sử dụng ngay dịch vụ này. Các khách hàng khác như nhà đầu tư trong nước, hay nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân tuy không được đặt lệnh Non-prefunding theo Thông tư 68/2024/TT-BTC nhưng cũng có phản ứng tích cực, với kỳ vọng quy định mới sẽ khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức giao dịch nhiều hơn, qua đó tăng thanh khoản của thị trường.

“Hy vọng rằng, khi bộ khung pháp lý được hoàn thiện thì sẽ từng bước áp dụng cho toàn bộ nhà đầu tư được phép không cần phải ký quỹ đủ tiền mặt trước khi giao dịch”, đại diện HSC nói.

Bên cạnh đó, một trong những mục tiêu của Thông tư 68/2024/TT-BTC là gỡ nút thắt trong việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam, qua đó thu hút các nhà đầu tư lớn nước ngoài trong dài hạn, dù thanh khoản từ khối ngoại được nhiều chuyên gia nhìn nhận có thể chưa gia tăng ngay lập tức (duy trì tỷ trọng 8 - 10% trong tổng giá trị giao dịch mỗi phiên), vì cơ chế Non-prefunding hiện chỉ hỗ trợ phương thức thanh toán, còn cơ chế giao dịch T+2,5 vẫn giữ nguyên.

Ông Nguyễn Triệu Vinh, Phó giám đốc đầu tư Công ty Quản lý quỹ Vietcombank (VCBF) nhận định, việc triển khai theo Thông tư 68/2024/TT-BTC có thể tạo tiền đề cho thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng bởi Financial Times Stock Exchange (FTSE) trong năm 2025, vì yêu cầu ký quỹ 100% trước khi giao dịch đối với nhà đầu tư tổ chức nước ngoài vốn là rào cản lớn nhất.

Theo thống kê của VCBF, các quỹ chỉ số (ETF) có chỉ số tham chiếu là FTSE Emerging Market Index đang có quy mô hơn 100 tỷ USD. Nếu thị trường chứng khoán Việt Nam được phân bổ một tỷ trọng nhỏ (như Philippines là 1,05% vào ngày 30/9/2024) thì đồng nghĩa có một lượng vốn tương đương hơn 1 tỷ USD sẽ được đầu tư vào Việt Nam. Việc nâng hạng cũng sẽ giúp thị trường chứng khoán thu hút sự quan tâm của các quỹ có chiến lược đầu tư chủ động. Nhìn xa hơn, khi có thêm nhiều doanh nghiệp lớn lên niêm yết thì tỷ trọng vốn ngoại phân bổ vào Việt Nam có thể gia tăng.

Ngoài ra, khi thị trường chứng khoán Việt Nam có quy mô lớn hơn và đạt một số tiêu chí khác thì có thể sẽ được xem xét nâng hạng bởi Morgan Stanley Capital

International (MSCI). Các quỹ ETF có chỉ số tham chiếu là MSCI Emerging Market Index hiện có quy mô lớn hơn nhiều so với các quỹ ETF có chỉ số tham chiếu là FTSE Emerging Market Index. Trong báo cáo gần nhất về kinh tế và thị trường vốn Việt Nam vào tháng 8/2024, Ngân hàng Thế giới ước tính, nếu cả hai tổ chức FTSE và MSCI quyết định nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam thì dòng vốn từ các quỹ nước ngoài đến năm 2030 có thể đạt 30 tỷ USD.

Ông Bùi Nguyên Khoa, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán BIDV đánh giá, Non-prefunding sẽ hỗ trợ nhà đầu tư giao dịch dễ dàng và thuận tiện hơn, điều này giúp nhà đầu tư tăng cường giao dịch.

Thời gian qua, dòng vốn ngoại vẫn tìm kiếm cơ hội ở các thị trường mới nổi như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Phillippines và mới đây nhất là Trung Quốc. Trong khi đó, tình trạng thiếu hàng hóa chất lượng và vấn đề “room” ngoại ảnh hưởng đến việc khối ngoại rót vốn vào trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Chính vì vậy, giao dịch của khối ngoại tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ cải thiện nhờ Non-prefunding, nhưng phụ thuộc không nhỏ vào diễn biến kinh tế, địa chính trị trên thế giới, xu hướng dịch chuyển của dòng tiền đầu tư toàn cầu, khả năng nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.

Ông Nguyễn Khắc Hải cho rằng, nếu việc triển khai giao dịch Non-prefunding thuận lợi và thành công đối với các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, các thành viên thị trường tích lũy đủ kinh nghiệm, hoàn thiện quy trình, hệ thống thông qua quá trình cung cấp dịch vụ cho nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, thì sau đó có thể tiến tới mở rộng cho các nhà đầu tư cá nhân nước ngoài.

Trên thực tế, giao dịch không cần ký quỹ 100% cũng là mong muốn của các nhà đầu tư cá nhân. Tuy nhiên, việc này cần có thêm thời gian để triển khai, nhằm đảm bảo quản trị rủi ro và an toàn cho hệ thống. Nhìn lại các lần xin ý kiến dự thảo và quan điểm của cơ quan quản lý trước khi Thông tư 68/2024/TT-BTC được ban hành, đối tượng được phép sử dụng Non-prefunding tập trung vào nhóm khách hàng tổ chức, có tiềm lực tài chính, lịch sử giao dịch, quan hệ tương tác lâu năm với các công ty chứng khoán.

Nếu áp dụng Non-prefunding cho nhà đầu tư cá nhân nước ngoài, công ty chứng khoán có thể phải đáp ứng yêu cầu chặt chẽ hơn về hệ thống công nghệ, vốn, quy trình để kiểm soát rủi ro khi áp dụng trên quy mô lớn. Đặc biệt, để có thể triển khai đồng bộ hình thức giao dịch không cần ký quỹ 100% cho toàn bộ thị trường, hệ thống giao dịch mới vận hành trên mô hình đối tác bù trừ trung tâm cần phải được đưa vào hoạt động.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả