24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Gia Huy
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Rào cản trên đường quốc tế hóa nhân dân tệ

Thị phần nhân dân tệ trong dự trữ tiền tệ thế giới, đứng thứ năm sau USD, euro, yen Nhật và bảng Anh.

Nhân dân tệ ngày càng phổ biến toàn cầu nhưng khó đột phá và đe dọa USD khi vẫn dựa vào giao dịch song phương liên quan đến Trung Quốc.

Dữ liệu của Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) vừa cho biết dư nợ của tất cả giao dịch hoán đổi tiền tệ nước này là 115,08 tỷ nhân dân tệ (15,78 tỷ USD) vào cuối tháng 6, cao hơn khoảng 6 tỷ nhân dân tệ so với cuối tháng 3. Quý II năm nay đã là quý thứ 4 liên tiếp dư nợ hoán đổi tiền tệ này tăng.

Hoán đổi tiền tệ là thỏa thuận giữa hai ngân hàng trung ương để trao đổi tiền tệ của nhau có kèm theo lãi suất. Biện pháp này cho phép ngân hàng trung ương của một quốc gia có được thanh khoản ngoại tệ từ ngân hàng trung ương kia, thường là để tài trợ cho thương mại song phương và đầu tư trực tiếp.

PBOC đã ký các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với ngân hàng trung ương của khoảng 40 quốc gia và khu vực. Hơn một nửa trong số đó tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường. Ví dụ, thỏa thuận hoán đổi tiền tệ Trung Quốc-Argentina cho phép Ngân hàng Trung ương Cộng hòa Argentina (BCRA) nhận nhân dân tệ từ PBOC bằng một lượng peso Argentina tương đương.

Trung Quốc và Argentina lần đầu tiên ký thỏa thuận hoán đổi tiền tệ trị giá 70 tỷ nhân dân tệ (10,3 tỷ USD) vào 2009 và mở rộng lên 130 tỷ nhân dân tệ vào 2018. Nhờ kênh này, Argentina đã trả được 1,7 tỷ USD trong khoản nợ 2,7 tỷ USD đến hạn gần đây cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) bằng nhân dân tệ.

Vào tháng 4, chính phủ Argentina thông báo sẽ bắt đầu thanh toán cho hàng nhập khẩu của Trung Quốc bằng nhân dân tệ nhằm bảo toàn nguồn dự trữ USD đang cạn kiệt, giúp thúc đẩy hơn nữa những nỗ lực của PBOC nhằm tăng cường sử dụng "đồng bạc đỏ" trên toàn cầu.

Yu Yongding, nhà kinh tế Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cho biết thỏa thuận hoán đổi tiền tệ mang lại lợi ích tiềm năng vì nó có thể tiếp tục quốc tế hóa nhân dân tệ. Nếu các công ty Argentina vay bằng nhân dân tệ và sử dụng nó để mua sản phẩm từ Trung Quốc thì sẽ thúc đẩy việc sử dụng đồng tiền này ở nước ngoài.

Không chỉ có con đường hoán đổi tiền tệ, đồng nhân dân tệ đã xâm nhập sâu hơn với tư cách là tiền tệ toàn cầu năm nay khi các quốc gia như Nga và Brazil tăng cường sử dụng đồng tiền này trong tình trạng thiếu USD.

Trung Quốc cũng tăng nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng tài chính phục vụ cho việc thanh toán bằng đồng nhân dân tệ xuyên biên giới, chẳng hạn như thành lập các ngân hàng thanh toán bằng đồng nhân dân tệ ở thị trường nước ngoài. Họ cũng đang mở rộng Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới (CIPS).

Vào tháng 2, PBOC và Brazil ký thỏa thuận thiết lập thanh toán bù trừ bằng nhân dân tệ, ủy quyền Chi nhánh Brazil của Ngân hàng Công thương Trung Quốc triển khai. Tháng sau đó, một ngân hàng Brazil do Ngân hàng Truyền thông Trung Quốc kiểm soát đã trở thành nhà băng Nam Mỹ đầu tiên tham gia trực tiếp vào CIPS.

Peng Wensheng, Kinh tế trưởng tại China International Capital đánh giá một hệ thống tiền tệ quốc tế đa cực đang nổi lên khi đồng bạc xanh mất đi vài lợi thế tuyệt đối. Năm ngoái, 49%, tương đương 42.100 tỷ nhân dân tệ (6.100 tỷ USD), thanh toán xuyên biên giới của Trung Quốc sử dụng đồng nhân dân tệ. Trong số này, 10.500 tỷ nhân dân tệ được thực hiện bởi tài khoản vãng lai, chủ yếu giao dịch hàng hóa và dịch vụ.

Rào cản trên đường quốc tế hóa nhân dân tệ

Thanh toán xuyên biên giới bằng nhân dân tệ qua các năm. Đồ họa: Caixin

Với sức mua và lượng nhập khẩu hàng hóa số lượng lớn ngày càng tăng, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã tích cực thúc đẩy việc định giá hàng hóa dựa trên đồng nhân dân tệ trong những năm gần đây.

Shao Yu, Kinh tế trưởng tại Orient Securities cho biết logic này khá giống với "petrodollars", tức việc USD trở thành đồng tiền được lựa chọn trong giao dịch dầu mỏ quốc tế từ những năm 1970. "Đồng nhân dân tệ nhắm mục đích được neo vào 'rổ' hàng hóa, không chỉ giới hạn ở dầu mỏ", ông nói.

Năm 2021, Trung Quốc ghi nhận 405,5 tỷ nhân dân tệ trong thương mại xuyên biên giới thanh toán bằng nhân dân tệ đối với các mặt hàng chính như dầu thô, quặng sắt, đồng và đậu nành, tăng 42,8% so với cùng kỳ 2021. Hồi tháng 3, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc lần đầu trả tiền mua khí đốt bằng nhân dân tệ đầu tiên từ TotalEnergies (Pháp).

Trong khi đó, việc mở cửa hơn nữa thị trường vốn của Trung Quốc đang thúc đẩy sự phổ biến toàn cầu của đồng nhân dân tệ trong đầu tư. Năm ngoái, thanh toán bằng đồng nhân dân tệ xuyên biên giới của Trung Quốc với tài khoản vốn đạt 31.600 tỷ nhân dân tệ, tăng 10% so với năm 2021.

Đồng tiền này cũng đang đạt được sức hút ở Nga. Trái phiếu bằng đồng nhân dân tệ đã bùng nổ ở Moskva năm ngoái. Một số gã khổng lồ của Nga như nhà sản xuất nhôm United Rusal International và nhà sản xuất vàng Polyus phát hành trái phiếu quy mô lớn bằng nhân dân tệ để thu hút các nhà đầu tư.

Rào cản trên đường quốc tế hóa nhân dân tệ

Thị phần dự trữ ngoại hối bằng nhân dân tệ. Đồ họa: Caixin

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), thị phần nhân dân tệ trong dự trữ tiền tệ thế giới, đứng thứ năm sau USD, euro, yen Nhật và bảng Anh. Đến cuối 2022, thị phần đạt 2,69%, tăng từ mức chỉ hơn 1% vào năm 2016.

Khi các ngân hàng trung ương, đặc biệt là ngân hàng trung ương của các nước đang phát triển bao gồm các nhà sản xuất dầu ở Trung Đông, tìm cách đa dạng hóa dự trữ ngoại tệ thì nhân dân tệ là "lựa chọn tương đối chất lượng và ổn định", vì không có nhiều loại tiền tệ ngoài phương Tây để chọn, theo một chi nhánh ngân hàng lớn của Trung Quốc ở Nga.

CIPS đã có 79 đơn vị tham gia trực tiếp tính đến cuối tháng 3, tăng từ 75 vào cuối năm 2021. Nhiều trong số đó là chi nhánh ở nước ngoài của các công ty lớn của Trung Quốc. Số đơn vị tham gia gián tiếp tăng từ 1.184 lên 1.348 trong cùng giai đoạn, với khoảng 75% trụ sở tại châu Á.

Tuy nhiên, đường quốc tế hóa nhân dân tệ còn không ít thách thức. Quy mô của CIPS vẫn kém xa so với SWIFT, nơi có hơn 11.000 tổ chức được kết nối. Những người trong ngành cho biết, việc kiểm soát vốn chặt chẽ của Trung Quốc từ lâu đã cản trở nỗ lực quốc tế hóa đồng nhân dân tệ, gây khó khăn cho việc làm xói mòn vị thế thống trị của USD. Chủ tịch chi nhánh châu Âu của một ngân hàng lớn Trung Quốc cho biết đối thủ cạnh tranh lớn nhất của đồng USD là euro và các loại tiền kỹ thuật số, thay vì nhân dân tệ.

"Về mặt dự trữ ngoại hối, việc đa dạng hóa khỏi đồng USD không có nghĩa là đa dạng hóa sang nhân dân tệ mà hướng tới won Hàn Quốc, đôla Singapore, krona Thụy Điển, krone Na Uy và các loại tiền dự trữ phi truyền thống khác", Eichengreen, Giáo sư kinh tế và khoa học chính trị tại Đại học California - Berkeley, nhận xét.

Ngoài ra, những nỗ lực thiết lập hệ thống thanh toán bù trừ bằng nhân dân tệ thông qua chi nhánh tại nước ngoài của các ngân hàng Trung Quốc có thể khuyến khích các công ty thương mại vừa và nhỏ dùng nhân dân tệ nhiều hơn. Tuy nhiên, điều này không giúp được gì nhiều cho đồng bạc đỏ giành được ưu ái của các doanh nghiệp lớn do sự thống trị vô song của USD trong thương mại toàn cầu, theo Alessandro Golombiewski Teixeira, Cố vấn kinh tế cựu Tổng thống Brazil Dilma Vana Rousseff.

Chỉ số quốc tế hóa của đồng nhân dân tệ đứng ở mức 2,86 trong quý I/2022, tăng từ mức 2,8 vào cuối năm 2021, nhưng vẫn kém xa mức 58,13 của USD, 21,56 của đồng euro, 8,87 của bảng Anh và 4,96 của đồng yên Nhật.

Theo các học giả, nhân dân tệ vẫn còn lâu mới trở thành loại tiền tệ toàn cầu quan trọng. Nó có thể đang lấy đà, nhưng vẫn còn ở giai đoạn đầu. Zhang Liqing, Giám đốc trung tâm nghiên cứu tài chính quốc tế tại Đại học Tài chính và Kinh tế Trung ương Trung Quốc, nói khó có thể đột phá quốc tế hóa đồng nhân dân tệ nếu chỉ dựa vào thương mại giữa Trung Quốc và các nước.

Theo ông Zhang, việc quốc tế hóa đồng tiền này sẽ không chuyển sang cấp độ tiếp theo cho đến khi nó được sử dụng rộng rãi như một loại tiền tệ của bên thứ ba trong thương mại toàn cầu. Đó là khi các chủ thể từ hai quốc gia khác ngoài Trung Quốc sử dụng nhân dân tệ để thanh toán giao dịch, giống như việc dùng USD.

Không có con đường tắt cho bất kỳ đồng tiền nào trở thành đồng tiền toàn cầu trong dài hạn. Thành quả phải đến từ một nền tảng thị trường vốn cởi mở; thị trường tài chính ổn định, hoạt động tốt; cùng với một hệ thống luật pháp vững chắc, theo một chuyên gia của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS).

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả