24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Hùng Dũng
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Rác thải nhựa tại Đông Nam Á: Vấn nạn nhức nhối!

Rác thải nhựa sẽ không chỉ gây nguy cơ với mối quan hệ giữa các quốc gia giàu và nghèo mà còn làm trầm trọng thêm các tranh chấp môi trường toàn cầu...

Những xung đột giữa các quốc gia trong lĩnh vực tái chế rác thải của thế giới dường như không giành được sự chú ý nhiều như cuộc chiến về thương mại. Thế nhưng, cuộc chiến về rác thải trên phạm vi toàn cầu này là một minh chứng cho những căng thẳng đang gia tăng giữa các nền kinh tế mới nổi và thế giới giàu có.

Sự quay lưng của Châu Á

Năm 2018 Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu nhiều loại rác thải nhựa, tự nguyện từ bỏ vị thế là người khổng lồ tái chế của thế giới. Thị trường tái chế rác thải nhanh chóng chuyển hướng đi nơi khác, chủ yếu là nhắm vào Đông Nam Á. Một số quốc gia như Thái Lan và Malaysia đột nhiên bị mê hoặc bởi những container chứa đầy rác.

Dường như ngay lập tức, các phản ứng chính trị dữ dội xảy ra sau đó. Khi nhập khẩu rác, các doanh nghiệp tái chế địa phương thường phải phân loại hàng tấn chất thải, lựa chọn trong núi rác khổng lồ đó những gì có thể tái chế, trước khi đổ bỏ hoặc đốt phần còn lại. Và dù cho các doanh nghiệp này có xử lý số rác nhập khẩu này như thế nào thì nó cũng tạo ra vô số vấn đề môi trường.

Những hoạt động tái chế rác thải đó, thoạt đầu có vẻ rất nhân văn, nhưng dần nhiều quốc gia cũng đã nhận ra những nguy cơ họ phải đối mặt, và xu hướng quay lưng với nền công nghiệp tái chế, tẩy chay những container chứa đầy rác đang trở nên ngày một phổ biến. Indonesia vào giữa tháng 7 đã trở thành quốc gia mới nhất trả lại các lô hàng rác thải khi kiến quyết gửi trả lại 210 tấn rác cho Úc.

Rác thải nhựa tại Đông Nam Á: Vấn nạn nhức nhối!

Indonesia gửi hàng chục container chất thải nhập khẩu trở lại các quốc gia phương Tây vào tháng Bảy.

Trước đó, các nhà lãnh đạo của các quốc gia khác đã có các động thái tương tự. Đáng chú ý nhất là Tổng thống Rodrigo Duterte của Philippines. Vào tháng Năm vừa qua, ông Duterte đã quyết định trả lại khối lượng rác rất lớn cho Canada, thậm chí ông Duterte còn đe dọa sẽ đổ vật liệu trước đại sứ quán Canada ở Manila nếu Ottawa không chịu nhận lại số rác này.Tất cả điều này đã làm gia tăng mối lo ngại về một cuộc khủng hoảng rác thải nhựa trên toàn thế giới.

Bất chấp những lo ngại về môi trường, nền công nghiệp sản xuất nhựa toàn cầu vẫn gia tăng nhanh chóng trong những năm qua và xu hướng này sẽ còn tiếp tục trong nhiều năm tới. Năm 2015, ngành công nghiệp này đã tạo ra khoảng 300 triệu tấn chất thải nhựa.

Con số này đã tăng gấp đôi trong hai thập kỷ qua. Các nhà môi trường lo ngại con số này thậm chí có thể tăng gấp đôi vào năm 2030, làm gia tăng nguy cơ các đại dương sẽ ngập chìm trong rác thải, và các bãi chôn lấp độc hại tràn lan sẽ đe dọa sự sinh tồn của rất nhiều loài động vật trên khắp thế giới.

Tại Châu Á, Đông Nam Á là khu vực chứng kiến nhiều sự tăng trưởng kinh tế nhanh bậc nhất thế giới. Và hoạt động sản xuất nhựa cũng bùng nổ không kém. Tuy nhiên sự tiêu thụ đã vượt quá khả năng quản lý rác thải.

Tiến sĩ Theresa Mundita S. Lim, người được chỉ định vào ghế giám đốc Trung tâm đa dạng sinh học ASEAN hồi tháng 4, thừa nhận rằng nhóm của bà được đưa vào hoạt động trong năm nay chỉ sau khi vấn đề ô nhiễm nhựa của khu vực được Tổ chức Bảo vệ Môi trường biển nêu bật tại Washington, Mỹ. “Các nỗ lực của chúng tôi nhằm bảo vệ sự đa dạng sinh học đã bắt đầu mang tính chủ động hơn trong năm nay, sau khi một số quốc gia thành viên ASEAN bị xác định là đối tượng gây ô nhiễm biển hàng đầu”

Nhìn lại lịch sử, cách đây gần 30 năm, vào năm 1991, Lawrence Summers, khi đó là Chủ tịch Ngân hàng Thế giới và sau này là Bộ trưởng tài chính dưới thời Tổng thống Bill Clinton, đã cho rằng: WB nên khuyến khích những ngành công nghiệp liên quan đến rác thải của thế giới chuyển đến những nước đang phát triển".

Bởi vì, theo ông ta, chi phí cơ hội bị đánh mất bởi những nhân công ốm đau, bệnh tật do ô nhiễm sẽ là thấp hơn ở những nước có mức lương thấp, trong khi dân chúng ở những nước này cũng ít quan tâm hơn đến chất lượng môi trường. Ông này đã phạm sai lầm, như sau này ông thú nhận, khi cho rằng logic kinh tế đằng sau việc đổ chất thải sang các nước có mức lương thấp nhất là một điều đúng đắn!?

Tuy vậy, chẳng cần WB khuyến khích thì một bộ phận lớn của những ngành công nghiệp ô nhiễm của thế giới đã di chuyển đến nước có mức lương thuộc dạng thấp nhất và nhiều lao động nhất trên thế giới - Trung Quốc, góp phần biến một phần lớn đất đai nước này thành một vùng thảm họa về sinh thái.

Chất thải công nghiệp từ thép (chiếm 1/3 sản lượng thép thế giới), xi măng (1/2), và nhôm (1/3), cộng với lượng khí thải từ than (với sản lượng tiêu thụ nhiều hơn cả Mỹ, EU, và Nhật cộng lại) đã biến Trung Quốc thành một trong những nơi ô nhiễm nhất thế giới, với hơn 650.000 cái chết do ô nhiễm hàng năm.

Dù đã khá muộn, nhưng Chính phủ Trung Quốc cuối cùng cũng nhận ra rằng con đường phát triển kiểu này không phải là con đường vô phí tổn. Một báo cáo của Chính phủ ước tính một cách thận trọng rằng chi phí phải trả để khắc phục những hậu quả do ô nhiễm môi trường đem lại đã chiếm đến hơn 3% GDP từ năm 2004 trở lại đây.

Trung Quốc đã đặt ra mục tiêu giảm tiêu thụ năng lượng và giảm khí thải. Thế nhưng những nhà lãnh đạo nước này lại bị mắc kẹt trong nỗi lo ngại rằng tăng trưởng kinh tế sẽ vì thế mà phải chậm lại. Những nỗ lực giảm ô nhiễm môi trường vì thế mà vẫn đứng sau hàng ưu tiên cho tăng trưởng kinh tế.

Nỗ lực giảm thiểu rác thải nhựa

Trong bối cảnh đó, những căng thẳng liên quan đến rác thải nhựa và nền công nghiệp tái chế rác thải nhựa sẽ trở nên ngày một nghiêm trọng. Nhiều quốc gia trong khu vực ủng hộ và đã học tập Trung Quốc trong vấn đề cấm nhập khẩu rác thải từ các quốc gia phát triển. Một số quốc gia khác, mặc dù chưa cấm hoàn toàn việc tái chế rác thải nhựa, nhưng cũng đã có những chính sách nhằm hạn chế ngành công nghiệp này.

Mới đây, các quy tắc toàn cầu mới về rác thải nhựa và tái chế rác thải nhựa đã được thông qua theo Công ước Basel của Liên Hợp Quốc - một hiệp ước điều chỉnh hệ thống chất thải của thế giới được phê chuẩn bởi gần 200 quốc gia.

Các quốc gia tham gia đã nhất trí sửa đổi Công ước Basel để xây dựng thương mại toàn cầu về chất thải nhựa minh bạch hơn và được điều tiết tốt hơn, đồng thời đảm bảo việc quản lý an toàn hơn cho sức khỏe con người và môi trường.

Rác thải nhựa tại Đông Nam Á: Vấn nạn nhức nhối!

Tàu chở các container chứa rác thải trên đường trở lại cảng ở Vancouver theo yêu cầu từ chính quyền Philippines

Tôi tự hào rằng các bên tham gia Công ước Basel đã đạt được thỏa thuận về cơ chế quản lý chất thải nhựa có tính ràng buộc toàn cầu, ràng buộc về mặt pháp lý”, Rolph Payet, thư ký điều hành của cơ quan Môi trường LHQ tại các Công ước Basel, Rotterdam và Stockholm cho biết.

Cụ thể, Công ước có nêu rõ: “Ô nhiễm do chất thải nhựa là một vấn đề môi trường gây lo ngại trên toàn cầu, với ước tính 100 triệu tấn nhựa được tìm thấy trong các đại dương, 80-90% trong số đó đến từ các nguồn trên đất liền”. Có hiệu lực vào năm 2021, Công ước Basel sẽ cho phép các quốc gia thành viên tiếp nhận kiểm soát nhiều hơn đối với chất thải mà họ nhận được.

Các nhà vận động môi trường hy vọng Công ước Basel cũng như các lệnh cấm nhập khẩu tiếp theo sẽ buộc các chính phủ ở các nước phát triển phải hành động và thúc đẩy các công ty của mình trong các lĩnh vực liên quan như thực phẩm và hàng tiêu dùng phải nỗ lực để tìm giải pháp thay thế.

Các nhà môi trường ủng hộ một hệ thống tái chế tuần hoàn, trong đó các sản phẩm rác thải được xử lý và tái sử dụng ngay tại khu vực đó, thay vì chuyển ra nước ngoài. Điều này sẽ yêu cầu các công ty phải xây dựng hệ thống tái chế bao bì của mình bên cạnh dây chuyền sản xuất, hoặc chính phủ của các quốc gia này phải đầu tư vào các cơ sở tái chế trong nước.

Bên cạnh đó, Đông Nam Á cũng cần đầu tư vào các cơ sở xử lý chất thải và tái chế của riêng mình, vì hầu hết nhựa trên thế giới đều được sản xuất tại khu vực này, cũng như Đông Nam Á là nơi có xu hướng sử dụng các chế phẩm từ nhựa cao nhất thế giới. Nếu các quốc gia tại Đông Nam Á đóng cửa hoàn toàn chính sách nhập khẩu rác thải nhựa, cũng như không chủ động trong việc tái chế của mình thì sẽ tạo ra nguy cơ phần lớn rác thải nhựa sẽ nhằm đến các quốc gia nghè ở Nam Á hoặc Châu Phi.

Nếu không có hành động nghiêm túc và cụ thể nào, rác thải nhựa sẽ không chỉ gây nguy cơ với mối quan hệ giữa các quốc gia giàu và nghèo mà còn làm trầm trọng thêm các tranh chấp môi trường toàn cầu trong tương lai, đặc biệt là khi các vấn đề do biến đổi khí hậu bắt đầu trở nên nghiêm trọng. Việc lạm dụng đồ nhựa đang trở thành một vấn đề toàn cầu, và để giải quyết được tận gốc, nó cần phải được giải quyết trên toàn cầu.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả