Rắc rối trong ngành ngân hàng có thể khiến suy thoái đổ bộ vào Mỹ sớm hơn?
Lợi suất trái phiếu giảm mạnh, giá dầu và giá cổ phiếu giảm mạnh, cùng với sự biến động mạnh, tất cả biến động đều đang cho thấy giới đầu tư lo ngại suy thoái sắp đổ bộ vào nền kinh tế Mỹ. Chứng khoán đã giảm vào hôm 15/3, sau khi hai ngân hàng SVB và Signature bị đóng cửa, các thị trường lại càng thêm bất an bởi khủng hoảng của Credit Suisse.
Phố Wall đã tranh cãi về nguy cơ Mỹ rơi vào suy thoái trong suốt nhiều tháng. Nhiều nhà kinh tế dự đoán nỗi sợ sẽ hóa thành sự thật vào nửa cuối năm nay.
Jim Caron, người đứng đầu bộ phận chiến lược vĩ mô về thu nhập cố định toàn cầu tại Morgan Stanley Investment Management, cho biết: “Những gì bạn đang thực sự thấy là các điều kiện tài chính bị thắt chặt đáng kể. Điều mà thị trường đang nói là điều này làm tăng nguy cơ suy thoái và đúng là như vậy”. “Cổ phiếu giảm, lợi suất trái phiếu giảm, tôi nghĩ một câu hỏi khác là: có vẻ như chúng ta đang định giá ba lần cắt giảm lãi suất, liệu điều đó có xảy ra không? Bạn không thể loại trừ khả năng đó.”
Lợi suất trái phiếu giảm xuống mức thấp nhất và cổ phiếu đã phục hồi phần nào trong phiên giao dịch buổi chiều, sau khi có báo cáo rằng các nhà chức trách Thụy Sĩ đang thảo luận về các lựa chọn để ổn định Credit Suisse.
Song, loạt biến động mới đây của thị trường sau sự sụp đổ của hai ngân hàng cấp khu vực tại Mỹ đã khiến một số chuyên gia đẩy nhanh dự đoán của họ. Các nhà kinh tế cũng đang hạ thấp dự báo tăng trưởng dựa trên giả định rằng hoạt động cho vay của các ngân hàng sẽ giảm sút.
Các nhà kinh tế của JPMorgan viết ngày 15/3: “Theo ước tính rất sơ bộ của chúng tôi, khi các ngân hàng cỡ vừa giảm tốc độ tăng trưởng khoản vay, GDP của Mỹ có thể giảm 0,5 đến 1 điểm % trong một hoặc hai năm tới. Diễn biến này phù hợp với quan điểm chung của chúng tôi là chính sách tiền tệ thắt chặt sẽ đẩy Mỹ vào suy thoái trong năm 2023”.
Cổ phiếu ngân hàng tiếp tục kéo thị trường chứng khoán Mỹ đi xuống trong ngày 15/3, tờ CNBC đưa tin. First Republic lao dốc 21% và PacWest mất gần 13%. Nhưng năng lượng mới là ngành giảm mạnh nhất, đi xuống 5,4% trong lúc giá dầu thô sụt hơn 5%. Giá dầu WTI giao sau rớt xuống còn 67,61 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 12/2021.
Cùng lúc đó, thước đo sự sợ hãi trên thị trường là chỉ số VIX lại vọt lên mức 29,91 điểm trước khi đóng cửa ở 26,1 điểm, cao hơn 10% so với hôm trước. Chỉ số S&P 500 đóng cửa giảm 0,7% xuống 3.891 điểm.
Sam Stovall, Giám đốc đầu tư tại CFRA, cho biết: “Nhà đầu tư thường sẽ kiểm tra lại đáy của thị trường gấu để đảm báo rằng thị trường sẽ không xuống sâu hơn nữa. Nguy cơ suy thoái đang bị khuếch đại bởi khả năng các ngân hàng sẽ hạn chế cho vay. Do đó, câu hỏi quan trọng là liệu mức đáy ngày 12/10 năm ngoái có được duy trì hay không. Nếu không, chúng tôi dự đoán ngưỡng 3.200 điểm là một trong những mục tiêu khả dĩ của chỉ số S&P 500”.
Thị trường trái phiếu Kho bạc Mỹ thường tương đối bình ổn nhưng cũng biến động mạnh trong những ngày qua. Lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn hai năm kết phiên 15/3 ở mức 3,89%, nhưng trong phiên đã có lúc rơi xuống 3,72%, thấp hơn hẳn mức đóng cửa phiên trước đó là 4,22%. Hai năm là kỳ hạn lợi suất phản ánh chính xác nhất quan điểm của các nhà đầu tư về hướng đi chính sách của Fed.
Jim Caron, nhà phân tích cấp cao tại Morgan Stanley Investment Management, nhận xét: “Tôi nghĩ mọi người đã đúng khi lo ngại. Khi nhìn vào bức tranh tổng thể, sự phục hồi của giá trái phiếu Kho bạc (giá biến động ngược chiều với lợi suất) cho thấy nhà đầu tư đang chuyển vốn sang nơi an toàn. Một bộ phận của thị trường cũng cho thấy tín dụng sẽ bị thắt chặt lại. Chúng ta sẽ chứng kiến các ngân hàng siết chặt tiêu chuẩn cho vay, bất kể nhà băng đó có quy mô lớn hay nhỏ”.
Trong một năm qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã cố gắng giảm tốc nền kinh tế để hạ nhiệt lạm phát. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 cho thấy lạm phát vẫn nóng. Nhưng một loạt tin dữ về ngân hàng khiến nhà đầu tư lo ngại rằng việc tín dụng suy giảm sẽ kéo nền kinh tế đi xuống, và các đợt tăng lãi suất của Fed sẽ càng đẩy nhanh quá trình này.
Do đó, các hợp đồng lãi suất quỹ liên bang tương lai cũng biến động dữ dội trong ngày 15/3. Tuy nhiên, thị trường vẫn thấy có 50% khả năng Fed tăng lãi suất 25 điểm cơ bản (bps) trong cuộc họp chính sách tuần sau. Thị trường cũng đang phản ánh dự đoán rằng Fed sẽ tung ra vài đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay.
John Briggs, trưởng bộ phận chiến lược kinh tế và thị trường toàn cầu tại NatWest Markets, nhận định: “Xét về dài hạn, tôi nghĩ thị trường đang làm đúng khi đoán Fed sẽ phải ngừng chiến dịch tăng lãi suất, nhưng tôi cũng không chắc liệu các quan chức có giảm lãi suất 100 bps không”.
“Tín dụng là dầu bôi trơn của bộ máy kinh tế. Kể cả trong trường hợp cú sốc ngắn hạn được xoa dịu và chúng ta không lo ngại về các tổ chức tài chính, tâm lý ngại rủi ro cũng sẽ lan ra và loại bỏ tín dụng khỏi nền kinh tế”.
Briggs nói rằng việc các ngân hàng giảm tốc cho vay có thể gây ra cú sốc giảm phát hoặc thiểu phát.
Ông chỉ ra: “Hầu hết các doanh nghiệp nhỏ được phục vụ bởi các ngân hàng khu vực. Sau vụ sụp đổ của SVB, các ngân hàng khu vực sẽ thận trọng hơn nhiều, dù tình hình của họ vẫn ổn. Khi chủ một cửa tiệm giặt là mới đến ngân hàng xin cấp khoản vay, liệu họ có đồng ý không? Có lẽ họ sẽ không dễ gật đầu như trước”.
Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng của Moody’s Analytics, kỳ vọng Fed giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tuần tới. Ông đoán rằng có khả năng Fed sẽ báo hiệu tạm dừng chu kỳ tăng lãi suất. Ông tin rằng nền kinh tế Mỹ có thể hạ cánh mềm và tránh được suy thoái.
Ông kỳ vọng GDP Mỹ sẽ tăng trưởng từ 1 đến 2% trong quý I. “Nhưng tốc độ tăng trưởng trong vài quý tiếp theo có thể là từ 0 đến 1%, hoặc thậm chí là âm”, ông nói tiếp.
Hôm 15/3, các nhà kinh tế của Goldman Sachs cũng hạ dự báo tăng trưởng năm 2023 của Mỹ từ 1,5% xuống 1,2%. Nguyên nhân mà Goldman Sachs đưa ra là sự sụt giảm trong hoạt động cho vay của các ngân hàng vừa và nhỏ và sự rối loạn trong hệ thống tài chính.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận