menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Trần Hà My

Quyết thu thuế Google, Facebook...: Khó cũng phải làm!

Càng khó càng phải quyết tâm thu thuế từ các "Big Tech" bằng được

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Nam, phải luật hóa các quy định liên quan đến việc thu thuế của các nền tảng số xuyên biên giới.

Câu chuyện thu thuế các nền tảng số xuyên biên giới một lần nữa làm nóng dư luận. Đất Việt đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Văn Nam, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại, Bộ Công thương về vấn đề này.

PV: - Ngày 30/6-1/7, 140 quốc gia sẽ nhóm họp để thông qua thỏa thuận về thuế doanh nghiệp toàn cầu trong cuộc họp trực tuyến do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) chủ trì.

Trước đó, thỏa thuận này đã được Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) gồm Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Anh và Mỹ thông qua hồi đầu tháng 6.

Thưa ông, tại sao các nước G7 lại thông qua thỏa thuận này dù đối tượng chịu tác động có thể là chính các doanh nghiệp thuộc quốc gia của họ?

PGS.TS Nguyễn Văn Nam: - Chuyện doanh nghiệp trốn thuế là vấn đề lớn gây đau đầu cho tất cả các nước, không chỉ riêng Việt Nam. Thỏa thuận của các nước G7 được cho là tiền đề để giúp đối phó với tình trạng tránh thuế của các tập đoàn đa quốc gia, nhất là các tập đoàn công nghệ.

Chính phủ các nước chưa quản được doanh thu và hoạt động của các tập đoàn này. Các công ty công nghệ hoạt động trên phạm vi toàn cầu, nhưng xưa nay họ đóng thuế không được bao nhiêu dù doanh thu hàng chục tỷ USD hàng năm, chủ yếu là các nước mà doanh nghiệp đặt trụ sở thu được một chút theo luật doanh nghiệp của họ.

Để trốn thuế, các doanh nghiệp, tập đoàn xuyên quốc gia thường chuyển giá - công ty mẹ sẽ đặt ra mức giá giao dịch giữa các công ty con tại những nước khác nhau sao cho lợi nhuận được ghi nhận ở quốc gia có thuế thấp nhất. Các công ty công nghệ toàn cầu tận dụng rất kẽ hở này. Tại các công ty đó, những tài sản vô hình như nhãn hiệu, phần mềm và các tài sản trí tuệ khác là vật được trao đổi trong các giao dịch. Nhờ đó, họ chỉ phải trả mức thuế rất thấp hoặc không đóng thuế tại những nước mang lại lợi nhuận cho họ.

Cho nên, việc quản lý, thu thuế của các công ty công nghệ xuyên quốc gia đã được thế giới bàn từ lâu nhưng trước đây không thống nhất được. Đặc biệt, chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump phản đối chế độ Thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu. Tuy nhiên, khi Tổng thống Joe Biden lên nắm quyền, ông ủng hộ hết mình chế độ thuế này, thậm chí cố gắng dẫn đầu nỗ lực thúc đẩy thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu.

Chính vì thế mới có sự thống nhất của G7 và sắp tới vấn đề này sẽ được đưa ra G20 thảo luận, quyết định.

Có hai điểm đáng lưu ý trong thỏa thuận của G7 hồi đầu tháng 6. Thứ nhất, các công ty đa quốc gia sẽ phải đóng thuế ở nơi họ cung cấp dịch vụ chứ không chỉ tại quốc gia đặt trụ sở chính. Thuế này sẽ áp dụng cho các công ty đa quốc gia có biên lợi nhuận ít nhất 10%.

Thứ hai, các nước G7 có thể đặt ra thuế doanh nghiệp ở mức tùy thích, nhưng mức thuế tối thiểu là 15%.

Tất nhiên, thỏa thuận này để thực hiện được cần có thời gian và phải cụ thể hóa làm như thế nào, thực thi ra sao... Điều này không hề đơn giản. Quan trọng là phải làm cho hợp lệ, hợp pháp và hợp lý. Các nước phát triển, có trình độ quản lý cao, có kinh nghiệm sẽ làm tốt hơn.

PV: - Nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang siết quản lý, đặc biệt là về nghĩa vụ thuế đối với các nền tảng số xuyên biên giới. Đối với Việt Nam, đã có những chuyển động trong vấn đề này, dù chưa thực sự rõ rệt. Nguyên nhân là vì đâu, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Văn Nam: - Như đã nói, việc doanh nghiệp trốn thuế là vấn đề nhức nhối với nhiều quốc gia trên thế giới, huống chi là Việt Nam. Việt Nam mới mở cửa mấy chục năm nên chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm quản lý. Ngay doanh nghiệp bình thường cũng vẫn còn nhiều vấn đề rối rắm. Trong kinh tế số, các công ty đa quốc gia có nhiều hình thức để né thuế nên Việt Nam lúng túng là điều dễ hiểu. Bây giờ, cơ quan quản lý quan tâm và quyết tâm thu thuế của các doanh nghiệp này là đúng, dù có hơi chậm. Đó là việc phải làm.

Vừa rồi, khi Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hoá và quảng cáo (có hiệu lực từ ngày 1/6/2021 - PV) gây ra nhiều ý kiến trái chiều thì vấn đề thu thuế đối với các nền tảng số xuyên biên giới lại nóng lên. Nhiều ý kiến phản ánh rằng, doanh thu quảng cáo trực tuyến hiện nay chủ yếu chảy vào túi các doanh nghiệp xuyên biên giới, phần nhỏ nhoi còn lại doanh nghiệp trong nước chia nhau, trong đó có cả các cơ quan báo chí.

Khi quy định tại Nghị định 38 siết chặt hơn với các doanh nghiệp, báo chí trong nước, có ý kiến nói rằng người hưởng lợi nhất chính là các "ông lớn" nước ngoài như Google, Facebook và các ứng dụng OTT. Hàng nghìn tỷ đồng quảng cáo trực tuyến trên báo điện tử trong nước rơi hết vào tay các "ông lớn" này, đó lại là những doanh nghiệp nộp thuế chưa tương xứng với doanh thu.

Tương tự, vừa qua Bộ Tài chính ra thông tư 40, trong đó quy định về việc sàn thương mại điện tử phải khai và nộp thuế thay cá nhân kinh doanh trên sàn cũng như cung cấp nhiều thông tin tới cơ quan quản lý thuế. Quy định này cũng gây ra nhiều tranh cãi song đây cũng là cách để tránh thất thu thuế. Có điều, việc này đưa ra trong bối cảnh ngành thuế bỏ lọt nhiều trường hợp thu nhập "khủng" nhờ kinh doanh online nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ thuế.

Ngoài nguyên nhân chính là trình độ quản lý chưa theo kịp với thực tế phát triển, câu chuyện tư duy - tự đặt ra mục tiêu và vượt mục tiêu thì hài lòng, trong khi chúng không có nhiều ý nghĩa trong thực tiễn mà chỉ phục vụ làm đẹp báo cáo cũng cần phải thẳng thắn nhìn nhận.

Tư duy ấy đã lỗi thời, cần phải có sự thay đổi lớn, phải đi vào nền kinh tế thị trường trật tự, minh bạch, công khai. Bản thân đội ngũ quản lý không thể tự thỏa mãn, còn rất nhiều việc phải làm, mà không làm được thì cuối cùng bị dư luận, truyền thông chỉ ra, lại phải chạy theo sửa, mà sửa cũng chỉ chắp vá.

Về những nguyên nhân cụ thể khiến việc thu thuế các nền tảng xuyên biên giới khó khăn, vừa rồi Cục Thuế TP.HCM cũng đã chỉ khá rõ.

Thứ nhất là việc xác minh lý do dòng tiền ra vào các nhà mạng xã hội (tức các doanh nghiệp công nghệ trên) là rất khó khăn bởi thông tin tài khoản ngân hàng không thể hiện nội dung chuyển tiền.

Thứ hai là ngân hàng không nhiệt tình cung cấp thông tin liên quan đến các tổ chức, cá nhân có thu nhập từ Google, Facebook...

Thứ ba là Google, Facebook... không đặt máy chủ tại Việt Nam nên cơ quan quản lý nhà nước không thể giám sát dòng tiền ra vào. Các doanh nghiệp này lại lơ là với việc kê khai và tự nộp thuế.

Những khó khăn này là đúng. Chẳng hạn, ngân hàng thận trọng cung cấp thông tin khách hàng là điều có thể hiểu được, bởi nếu làm quá, chính ngân hàng bị vạ lây, khách hàng bỏ sang ngân hàng khác khiến họ mất nguồn thu. Thế nhưng dù khó nhưng chúng ta vẫn phải làm, không thể chậm trễ được nữa.

PV: - Để quản lý các nền tảng xuyên biên giới, Việt Nam nên làm như thế nào? Liệu chúng ta có thể học theo những kinh nghiệm của các quốc gia khác ra sao?
PGS.TS Nguyễn Văn Nam: -Việt Nam đã quyết tâm thì phải làm nhanh và làm cho đúng. Muốn vậy, phải học hỏi các nước xem họ làm thế nào bởi đây là lĩnh vực công nghệ cao, chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm. Việt Nam có thể chọn các nước quản lý tốt hoạt động này, cử người đi học, ở đây là học thật, không phải đi cưỡi ngựa xem hoa. Một khi Việt Nam làm tốt được điều này thì cũng giúp cho các cá nhân, tổ chức hoạt động, kinh doanh trên nền tảng ấy cũng thấy được đóng thuế là điều bình thường và là trách nhiệm.

Việt Nam cần có người am hiểu công nghệ, đi sâu vào hoạt động của các doanh nghiệp công nghệ, các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực công nghệ để biết phương thức hoạt động, thanh toán của họ, xác minh dòng tiền chuyển dịch, giá trị thanh toán... Khi quản lý nhà nước nắm chắc được thì đề xuất biện pháp quản lý.

Điều quan trọng nhất là phải luật hóa các vấn đề liên quan đến quản lý, thu thuế các nền tảng xuyên biên giới thì mới thực hiện được, nhất là khi xảy ra kiện cáo thì Việt Nam mới có cơ sở để dựa vào.

Chẳng hạn, chúng ta phải điều chỉnh luật pháp để khi ngân hàng thực hiện cung cấp thông tin khách hàng cho ngành thuế thì mới có căn cứ để làm.

Hay vướng mắc ở chuyện các công ty công nghệ xuyên quốc gia không đặt máy chủ tại Việt Nam trong dự thảo Thông tư hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP, Bộ Tài chính cũng đã có quy định bịt kẽ hở này. Theo đó, nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam nhưng có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số với tổ chức, cá nhân ở Việt Nam sẽ được coi là có cơ sở thường trú tại Việt Nam.

Cùng với đó, Bộ Tài chính đề xuất cho phép các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài kinh doanh trên nền tảng số - thương mại điện tử xuyên biên giới có thể đăng ký giao dịch điện tử và đăng ký thuế lần đầu cũng như thực hiện nộp thuế thông qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.

Những vấn đề như thế này phải luật hóa, luật phải đảm bảo đầy đủ, công khai và công bằng để có cơ sở buộc các nền tảng xuyên biên giới phải thực hiện, và nếu không thực hiện thì có cơ sở để xử lý. Đó là về mặt quản lý nhà nước.

Còn về đối tượng đóng thuế, chỉ có một cách là vận động để họ thấy được trách nhiệm xã hội của mình. Trường hợp nào vi phạm pháp luật trắng trợn thì phải dùng đến luật pháp để xử lý nghiêm minh.

Link Nguồn
Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Yêu thích
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại