Quyết định của OPEC+ khiến quan hệ Mỹ-Saudi Arabia thêm rạn nứt
Báo Arab News của Saudi Arabia vừa đăng bài viết nhận xét rằng việc Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất liên minh, còn gọi là OPEC+, quyết định cắt giảm sản lượng dầu trong cuộc họp diễn ra ngày 5/10 ở Vienna (Áo), bất chấp sự phản đối gay gắt của Mỹ, đã làm rạn nứt thêm mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden và Hoàng gia Saudi Arabia, một trong những đồng minh của thân cận và trung thành nhất của Washington ở Trung Đông.
Theo các quan chức chính phủ và giới chuyên gia ở cả Washington và vùng Vịnh, Nhà Trắng đã nỗ lực ngăn chặn quyết định cắt giảm sản lượng của OPEC. Tổng thống Biden hy vọng có thể sẽ giữ cho giá xăng ở Mỹ không tăng vọt trở lại trước cuộc thềm bầu cử giữa nhiệm kỳ dự kiến diễn ra vào tháng 11 tới, trong bối cảnh đảng Dân chủ của ông đang vật lộn để duy trì quyền kiểm soát Quốc hội Mỹ. Washington cũng muốn hạn chế nguồn doanh thu năng lượng của Nga giữa lúc cuộc xung đột Nga-Ukraine chưa có dấu hiệu ngừng leo thang.
Chính quyền Mỹ đã vận động OPEC+ trong nhiều tuần qua. Trong những ngày gần đây, các quan chức cấp cao về năng lượng, chính sách đối ngoại và kinh tế của Mỹ đã hối thúc các đối tác nước ngoài của Washington phản đối quyết định cắt giảm sản lượng của OPEC+. Đặc phái viên về năng lượng hàng đầu của Tổng thống Biden, ông Amos Hochstein, cùng với quan chức an ninh quốc gia Brett McGurk và Đặc phái viên Mỹ tại Yemen Tim Lenderking đã đến Saudi Arabia vào tháng trước để thảo luận về các vấn đề năng lượng, bao gồm cả quyết định của OPEC+. Tuy nhiên, phía Mỹ đã không thể ngăn chặn được một quyết định cắt giảm sản lượng của liên minh các nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới, giống như ông Biden đã thất bại sau chuyến thăm Trung Đông của ông hồi tháng Bảy năm nay.
Các quan chức Mỹ đã cố gắng thuyết phục giới chức Saudi Arabia rằng Riyadh cần phải đưa ra lựa chọn. Tuy nhiên, nỗ lực của Mỹ đã thất bại. Các nguồn tin cho hay Saudi Arabia đã nói rằng nếu Mỹ muốn có nhiều dầu mỏ hơn trên thị trường, thì họ nên bắt đầu tăng sản lượng của riêng mình. Dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho biết nước này là nhà sản xuất dầu số một thế giới và cũng là nước tiêu thụ hàng đầu.
Phát biểu trên truyền hình Saudi Arabia mới đây, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, nhấn mạnh: "Chúng tôi quan tâm trước hết đến lợi ích của Vương quốc Saudi Arabia, sau đó là lợi ích của các quốc gia tin tưởng chúng tôi và những nước thành viên của liên minh OPEC+". Ông Abdulaziz nói thêm OPEC cân nhắc lợi ích của mình với "lợi ích của thế giới bởi chúng tôi có lợi ích trong việc hỗ trợ sự tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu và cung cấp nguồn năng lượng theo cách tốt nhất".
Việc Washington xử lý chưa thỏa đáng thỏa thuận hạt nhân Iran và giảm dần sự hỗ trợ cho các hoạt động quân sự của Liên quân Arập do Saudi Arabia đứng đầu ở Yemen đã khiến các quan chức ở Riyadh khó chịu, trong bối cảnh các biện pháp trừng phạt mà Mỹ thúc đẩy nhằm vào hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Nga đã và đang gây bất ổn cho các thị trường năng lượng toàn cầu.
Kế hoạch xuất 180 triệu thùng dầu thô từ kho dự trữ chiến lược của Mỹ do Tổng thống Biden chỉ đạo hồi tháng 3/2022 đã gây ra áp lực giảm giá trên thị trường dầu mỏ quốc tế. Hồi tháng Ba năm nay, OPEC+ thông báo sẽ ngừng sử dụng dữ liệu từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), một cơ quan giám sát dầu mỏ của phương Tây, khi các nhà sản xuất của liên minh này, trong đó dẫn đầu là Saudi Arabia, lo ngại rằng Mỹ có quá nhiều ảnh hưởng trên thị trường dầu mỏ.
Tổng thống Biden đã gọi quyết định của OPEC+ và Saudi Arabia là "một sự thất vọng", nói thêm Washington có thể sẽ thực hiện thêm các hành động trên thị trường dầu mỏ. Thư ký báo chí Nhà Trắng, bà Karine Jean-Pierre, nói rằng rõ ràng OPEC+ đang hợp tác với Nga, song bà không bình luận chi tiết về việc quyết định cắt giảm sản lượng của liên minh này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến quan hệ Mỹ-Saudi Arabia.
Tại Quốc hội Mỹ, các nghĩ sĩ thuộc đảng Dân chủ của ông Biden đã kêu gọi rút quân đội Mỹ ra khỏi Saudi Arabia đồng thời đề cập đến khả năng thu hồi vũ khí từ đồng minh thân cận của Mỹ ở Trung Đông này. Trong một phát biểu đăng tải trên tài khoản Twitter, Thượng nghị sĩ Chris Murphy, một đảng viên đảng Dân chủ, nêu rõ: "Tôi cho rằng quan điểm bán vũ khí cho các quốc gia vùng Vịnh, bất chấp việc họ vi phạm nhân quyền, cuộc chiến phí lý ở Yemen , các hoạt động của họ chống lại lợi ích của Mỹ ở Libya, Sudan... cần phải xem xét lại. Vùng Vịnh phải lựa chọn Mỹ thay vì Nga và Trung Quốc".
Ngày 8/10 khi đề cập đến những chỉ trích từ phía Mỹ, Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel Al-Jubeir tuyên bố nước này không chính trị hóa dầu mỏ hoặc các quyết định liên quan đến dầu mỏ, đồng thời cam kết sẽ đảm bảo sự ổn định của thị trường dầu mỏ vì lợi ích của người tiêu dùng và nhà sản xuất. Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Fox News TV cùng ngày, ông Al-Jubeir nhấn mạnh: "Chúng tôi đảm bảo sẽ không có bất cứ sự sụp đổ nào trên thị trường năng lượng, vì điều này sẽ gây bất lợi không chỉ cho các nhà sản xuất mà còn đối với người tiêu dùng và cả nền kinh tế toàn cầu". Ông al-Jubeir cũng lưu ý rằng nguyên nhân khiến giá xăng dầu gia tăng ở Mỹ là do tình trạng thiếu hụt công suất tinh chế dầu đã tồn tại ở nước này hơn 20 năm.
Chuyên gia cấp cao Ben Cahill tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế, cho rằng Saudi Arabia hy vọng quyết định cắt giảm sản lượng mới nhất sẽ giúp OPEC+ kiểm soát giá dầu và đảm bảo có đủ nguồn doanh thu từ dầu mỏ để bảo vệ đất nước của họ khỏi suy thoái. Chuyên gia này nhận xét: "Rủi ro kinh tế vĩ mô đang ngày càng trở nên tồi tệ hơn, vì vậy họ phải ứng phó. Họ cũng nhận thức được rằng việc cắt giảm sản lượng sẽ khiến Washington khó chịu, nhưng họ đang quản lý thị trường"./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận