24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Ái Vy
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Quyết định bán nhà nuôi nghiệp, CEO 1980 Books với tính toán thị trường sách sẽ dần thay đổi

"Quyết định bán nhà để tiếp tục kinh doanh với tôi thực sự là một lựa chọn khó khăn. Bản thân tôi đến giờ khi nhắc lại vẫn thấy "nổi da gà"...", ông Tuân nhớ lại.

Năm 2018, Hiệp hội xuất bản Việt Nam đưa ra một thống kê đáng buồn: trung bình người Việt đọc chưa tới 1 cuốn sách mỗi năm.

Với một thị trường không lớn, sản phẩm có giá thành thấp lại quay vòng vốn chậm, trong khi đó chi phí lớn, biên lợi nhuận có thể chỉ vỏn vẹn quanh 5%, chưa kể phải đối diện với nạn sách giả, sách lậu..., nếu không có đam mề với sách và con đường phù hợp thì người khởi nghiệp khó có thể trụ vững ở ngành xuất bản.

Chính thức bước chân vào ngành xuất bản sách từ giữa 2015, đến nay, sau hơn 4 năm khởi nghiệp, 1980 Books đã cho ra đời được hơn 400 đầu sách với thế mạnh là những cuốn sách về kỹ năng và tư duy giáo dục.

Một số tựa sách tiêu biểu của 1980 Books có thể kể đến như: Branding 4.0, Tư duy đột phá, 6 Thói Quen Làm Việc Hiệu Quả, Quản lý doanh nghiệp trong thời đại 4.0... hay bộ sách “Chinh phục Toán Mỹ - Common Core Math” dành cho học sinh tiểu học.

Hơn chục năm gắn bó với công việc xuất bản, từng giữ vị trí giám đốc kinh doanh tại một công ty sách lớn, có thời điểm từng muốn bỏ cuộc, ông Nguyễn Tuấn - CEO 1980 Book chia sẻ với BizLIVE hành trình "làm nghề" của mình.

Khởi nghiệp vốn đã rất khó, khởi nghiệp với sách còn khó hơn

Từng có vị trí với vòng an toàn trong một công ty lớn, vậy vì sao ông lại quyết định tự khởi nghiệp? Đây hẳn là một lựa chọn khó khăn và khởi đầu như thế nào?

Trước khi xây dựng 1980 Books, tôi có khoảng tám năm làm trong ngành xuất bản. Tôi may mắn được gặp gỡ và học hỏi nhiều từ các anh chị giàu kinh nghiệm đi trước, giúp tích luỹ nhiều kinh nghiệm trong con đường khởi nghiệp, xây dựng 1980 Books sau này.

Thế nhưng khi bắt tay vào thực tế, hành trình khởi nghiệp không như tôi tưởng tượng. 1980 Books từng gặp không ít khó khăn, từ việc tìm mua bản quyền đến hoàn thiện quy trình xuất bản. Khởi nghiệp vốn đã rất khó, khởi nghiệp với sách còn khó khăn hơn. Một phần vì đặc thù của ngành sách là bán hàng theo hình thức ký gửi nên thời gian quay vòng vốn chậm.

Song khó khăn lớn nhất ban đầu vẫn là khâu hợp tác với các đối tác nước ngoài để liên kết mua bản quyền. Khi đó, 1980 Books là công ty mới nên việc thẩm định bán bản quyền cũng sẽ lâu hơn, thậm chí còn rất khó lòng hợp tác với các nhà xuất bản danh tiếng vì 1980 Books chưa có nhiều kinh nghiệm xuất bản.

Một khó khăn khác là dòng sách mà 1980 Books xuất bản khá đặc thù và kén độc giả. Chúng tôi bước đầu tập trung vào dòng sách Kinh doanh, Kỹ năng và Tư duy giáo dục với mục tiêu xuất bản những đầu sách nằm trong danh sách New York Times Bestsellers, Amazon Bestsellers…

Từng có thời điểm tôi nghĩ đến việc không tiếp tục theo ngành này nữa. Nhưng có lẽ cũng là cái nghiệp, nên tôi vẫn gắn bó với sách đến ngày hôm nay.

Quyết định bán nhà nuôi nghiệp, CEO 1980 Books với tính toán thị trường sách sẽ dần thay đổi

Gian hàng của 1980 Books tại Hội chợ sách Công viên Thống Nhất 2019.

Đã có lúc ông thấy khó khăn tới mức muốn bỏ cuộc? Ông có thể chia sẻ về kỷ niệm này không, ông đã vượt qua như thế nào?

Tôi lập công ty được gần một năm thì tiêu hết khoản ngân sách tích lũy dành khởi nghiệp. Trước đây, tôi chưa từng nghĩ tự thân làm xuất bản sẽ phải đầu tư nhiều tiền như vậy.

Như đã nói, ngành xuất bản chúng tôi có đặc thù là bán sách theo hình thức ký gửi. Có nghĩa là bán được sách thì mới thu được tiền, nên thời gian quay vòng vốn sẽ chậm hơn các ngành khác. Điều này khiến phương án tài chính của tôi bị bó hẹp khi chuẩn bị bước vào năm thứ hai khởi nghiệp.

Lúc đó tôi đứng trước ba lựa chọn. Một là tôi dừng lại. Hai là phải kêu gọi thêm người đồng hành với mình. Thứ ba là quyết định bán nhà để có thêm vốn.

Tôi đã phải mất khoảng một tháng để suy nghĩ về các phương án, cân nhắc mình nên lựa chọn như thế nào.

Tôi nghĩ bản thân là người có tính cách khá mạnh và độc lập. Thế nên khi khởi nghiệp, tôi cho rằng làm một mình thì sẽ tốt hơn là cộng tác với ai đó. Tôi yêu thích dòng sách về kỹ năng và tư duy giáo dục. Tôi sẽ rất khó xử nếu những người đồng hành lại có suy nghĩ hoặc định hướng khác và đặt mục tiêu là lợi nhuận tức thì. Điều đó có thể ảnh hưởng tới tâm niệm làm sách của bản thân, nên tôi vẫn gác lại việc tìm người cùng san sẻ trách nhiệm.

Khi đó, quyết định bán nhà để tiếp tục kinh doanh với tôi thực sự là một lựa chọn khó khăn. Bản thân tôi đến giờ khi nhắc lại vẫn thấy “nổi da gà”.

Như ông nói, lựa chọn và quyết định đó đưa ra sau một tháng cân nhắc...

Thời điểm đưa ra quyết định, cả gia đình tôi đã phải sống ở nhà đi thuê để tôi có thể tiếp tục xây dựng và đầu tư cho 1980 Books.

Tôi cảm thấy may mắn khi bà xã đã luôn ủng hộ hết mình và đồng hành với những quyết định của tôi.

Nhờ có phương án tài chính hợp lý, định hướng tốt và một phần may mắn mà 1980 Books đã có những bước phát triển khá tốt trong giai đoạn sau này.

Miếng bánh ngon chắc chắn cạnh tranh khốc liệt

Với thị trường sách Việt Nam hiện nay, sau một quá trình tham gia, ông đánh giá thế nào về quy mô, sức hấp dẫn lợi nhuận và tính cạnh tranh?

Theo tôi tìm hiểu và ước tính, thị trường sách tại Việt Nam có quy mô khoảng 2.800 tỷ đồng với khoảng hơn 300 công ty sách, 40 nhà xuất bản. Quy mô này nhìn chung còn khá khiêm tốn so với những nước lân cận, chứ chưa nói đến những nước tiên tiến tại Âu Mỹ.

Giá của một cuốn sách khá thấp, không cao như sản phẩm thuộc một số ngành khác. Một tựa sách trung bình phải xuất bản được 3.000 cuốn trở lên mới đạt tới điểm hòa vốn. Thế nên với khoản đầu tư trung bình trên dưới 100 triệu vào một cuốn sách, nếu không hoạch định tốt về tài chính và bản quyền thì nguy cơ bị lỗ sẽ rất cao.

Một miếng bánh ngon thì chắc chắn không tránh được sự cạnh tranh khốc liệt. Nhưng những người làm sách chính thống như chúng tôi không sợ cạnh tranh lẫn nhau, mà sợ sách lậu, sách có nội dung phản văn hóa… là chủ yếu.

Quyết định bán nhà nuôi nghiệp, CEO 1980 Books với tính toán thị trường sách sẽ dần thay đổi

Là người trong ngành, hẳn ông thấy rõ thay đổi trên thị trường những năm gần đây khi có sự tham gia mạnh hơn của kênh thương mại điện tử?

Như chúng ta đã biết thì thời đại 4.0 nổi lên khá nhiều yếu tố số hóa và công nghệ mới. Ở Việt Nam, kênh thương mại điện tử bán sách nổi bật nhất có thể kể đến Tiki. Hiện tại, việc bán hàng qua Tiki chiếm khoảng 25% doanh thu hằng tháng của chúng tôi. Ngoài ra còn một số sàn thương mại điện tử khác như Shopee hay Fahasa...

Khoảng ba năm gần đây, những sàn thương mại điện tử bắt đầu khẳng định được chỗ đứng rõ rệt trong lĩnh vực kinh doanh sách. Thứ nhất là vì người tiêu dùng có thể yên tâm rằng sách được mua qua các trang này luôn đạt chuẩn về bản quyền. Thứ hai là yếu tố thuận tiện, tiết kiệm thời gian và công sức cho những người bận rộn. Một phần nữa là quy trình về dịch vụ trên các sàn thương mại điện tử hiện đã khá tốt và chuyện nghiệp.

Tuy nhiên, tôi cũng nghĩ sách là một sản phẩm đặc biệt. Vẫn sẽ có một số người muốn trực tiếp ra hiệu sách, được cầm cuốn sách lên, chạm vào cuốn sách và đọc qua để cảm nhận. Do đó, thương mại điện tử vẫn chưa chiếm quá nhiều thị phần khi so sánh với mô hình truyền thống.

Song so với trước kia, tôi ước tính việc bán sách qua kênh thương mại điện tử đã tăng khoảng 30 đến 40%.

Như trên, điều các nhà xuất bản sách sợ nhất là sách giả, sách lậu. Vậy ở đây, ông đánh giá thế nào về sự bảo vệ của pháp lý với thực tiễn hiện nay?

Tôi nghĩ các quy định pháp lý hiện tại hoạt động khá hiệu quả, nhưng việc thực thi còn nhiều bất cập, chưa có sự răn đe đủ mạnh đối với các đơn vị làm sách lậu.

Tôi hy vọng các cơ quan có thẩm quyền có chế tài mạnh hơn đối với các cơ sở in sách lậu, để các doanh nghiệp làm sách chân chính được bảo vệ quyền lợi. Đây cũng là một hành động tạo điều kiện cho ngành xuất bản tại Việt Nam nói chung có thể phát triển.

Sẽ đến thời của những tựa sách có chiều sâu như khoa học và tư duy

Có những ý kiến cho rằng người Việt đang tiêu thụ quá nhiều sách giải trí như tiểu thuyết, truyện ngôn tình hay loại sách dạy làm giàu…, mà bớt mặn mà dần với các dòng sách khác. Còn ông thì nhận thấy sao?

Bản thân tôi nghĩ là để phát triển văn hóa đọc thì trước hết là ta phải cổ vũ việc đọc đã. Tôi chưa vội xét đoán là mọi người đọc sách gì. Thực chất là chúng ta đọc quen rồi thì mới tăng dần độ tinh túy của sách.

Các bạn trẻ vẫn hay có xu hướng đọc sách truyện nhiều hơn. Nhưng theo tôi, các bạn là sinh viên hay mới đi làm thì nên tập thói quen đọc những cuốn sách viết về kỹ năng hay chuyên môn có liên quan đến công việc của các bạn.

Tôi may mắn được đi khá nhiều hội chợ sách của các nước. Ở Việt Nam hiện tại chưa có nhiều đầu sách về khoa học kỹ thuật. Nhưng khi tôi sang châu Âu, tôi thấy những tác phẩm liên quan đến khoa học xuất hiện tại rất nhiều nhà sách. Tôi nghĩ thế hệ những bạn sinh năm 2000 trở về sau sẽ dễ dàng tiếp cận và đọc được những dòng sách này, bởi các bạn ngày nay có nhiều điều kiện và được tiếp xúc sớm hơn với những điều tiên tiến.

Theo tôi, khoảng chừng năm đến mười năm nữa, ngành xuất bản Việt Nam sẽ thay đổi đáng kể, dần dần sẽ chú trọng đầu tư hơn vào những tựa sách có chiều sâu như khoa học và tư duy.

Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả