Quỹ tỷ USD do Dragon Capital quản lý tăng tỷ trọng tiền mặt lên ngưỡng kỷ lục
Báo cáo cập nhật tại ngày 27/10, tỷ trọng tiền mặt trong quỹ Vietnam Enterprise Investment Limited (VEIL) là 9,49%, đây là ngưỡng cao nhất trong nhiều năm gần đây của quỹ.
Lần gần đây nhất, VEIL đưa tỷ trọng lên mức kỷ lục vào trung tuần tháng 5/2022 khi VN-Index trong nhịp điều chỉnh mạnh sau khi thiết lập vùng đỉnh trên 1.500 điểm đầu tháng 4. Trong năm 2021, VEIL đưa tỷ trọng lên ngưỡng cao nhất vượt 5% vào tháng 7 khi làn sóng dịch COVID-19 lần 4 bùng phát và tác động mạnh đến nền kinh tế Việt Nam.
Còn ở thời điểm dịch bắt đầu bùng nổ trên toàn cầu, quỹ lớn nhất thị trường đưa tỷ trọng tiền mặt lên ngưỡng cao nhất 6,38% vào trung tuần tháng 5/2020.
Theo dõi hoạt động giao dịch của VEIL, quỹ đã liên tiếp bán ròng kể từ tuần cuối tháng 9 khi thị trường chứng khoán Việt Nam điều chỉnh sâu, VN-Index mất ngưỡng 1.200 điểm và có thời điểm rơi xuống mốc 1.000 điểm.
Với quy mô tài sản ròng (NAV) tại ngày 27/10 đạt gần 1.553 tỷ đồng, ước tính lượng tiền mặt tại quỹ VEIL chờ giải ngân trở lại thị trường là hơn 147 triệu USD (3.655 tỷ đồng). Tổng giá trị bán ròng trong đợt này của quỹ là 133 triệu USD (3.307 tỷ đồng).
So sánh với lần kỷ lục trước đó là 184,5 triệu USD (hơn 4.500 tỷ đồng) vào tháng 5, lượng tiền mặt của quỹ VEIL có phần thấp hơn bởi quy mô NAV đã giảm đáng kể khi thị trường điều chỉnh.
Đầu tháng 4/2022, giá trị tài sản ròng của VEIL đạt mức đỉnh gần 2,63 tỷ USD. Như vậy, tổng giá trị danh mục đầu tư của quỹ giảm gần 1 tỷ USD. Hai lý do chính là giá cổ phiếu suy giảm và nhà đầu tư rút quỹ làm giảm số lượng chứng chỉ quỹ lưu hành của VEIL.
Trong những lần trước đó, quỹ VEIL thường giải ngân trở lại trên thị trường sau khi đưa ngưỡng tỷ trọng tiền mặt trên thị trường vượt 5%. Việc bán ròng mạnh trong thời điểm này có thể là đợt cơ cấu danh mục đầu tư của quỹ và sẽ trở lại giải ngân sớm sau đó.
Về hiệu quả đầu tư của VEIL, cập nhật mới nhất đến ngày 2/11, tỷ suất lợi nhuận của VEIL là -39%, trong khi mức giảm của VN-Index là 33,4%. Nguyên nhân kết quả đầu tư của quỹ trở nên cách xa hơn mức giảm của thị trường chung là giá một số mã có tỷ trọng lớn trong danh mục của VEL giảm sâu trong giai đoạn này như HPG, VHM.
Tại ngày 27/10, ba mã có tỷ trong lớn nhất của VEIL là ACB, VPB và MWG. Cổ phiếu HPG của Hòa Phát rơi xuống vị trí thứ 7 với tỷ trọng 3,87%. Cổ phiếu VHM của Vinhomes ở vị trí thứ 9 với tỷ trọng 3,73%.
Những mã khác có trong Top10 khoản đầu tư lớn nhất của VEIL là BCM, PNJ, GAS, FPT và VCB.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận