Quỹ phụ huynh ngày càng biến tướng
Những khoản thu và đóng góp mang tên "tự nguyện" trong trường học ngày càng biến tướng và tận thu bất chấp đang khiến dư luận bức xúc, trong khi ngành giáo dục vẫn chưa có giải pháp để dẹp nạn lạm thu.
Ngày 28-9, sau bài viết phản ánh của Báo Người Lao Động về khoản thu quỹ phụ huynh lên tới 310 triệu đồng của một lớp học tại Trường Tiểu học Hồng Hà (quận Bình Thạnh, TP HCM), Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) quận Bình Thạnh bước đầu kết luận các khoản thu chi tại lớp 1/2 Trường Tiểu học Hồng Hà đều sai quy định và yêu cầu ban đại diện phụ huynh phải trả lại tiền cho phụ huynh.
Đóng cho 5 năm nhưng xài hết trong 1 năm!
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra đó là còn bao nhiêu trường hợp tương tự như lớp 1/2 Trường Tiểu học Hồng Hà? Chỉ mới là một lớp trong một trường tiểu học nhưng vì sao lại có thể thu số tiền khủng khiếp như vậy?
Một phụ huynh của lớp 1/2 Trường Tiểu học Hồng Hà, cho biết lớp 1/2 là lớp tích hợp, có thể nói phụ huynh cũng có điều kiện mới có thể tham gia những lớp này. Tuy nhiên, không biết có mục đích gì mà lớp 1/2 trước đây là nhà kho ẩm mốc và rất bẩn. "Điều này lãnh đạo nhà trường chắc chắn có biết và mục đích khi xếp lớp học phải chăng cũng là để phụ huynh sẵn sàng chi tiền cho các khoản chi sửa chữa cơ sở vật chất" - phụ huynh này cho biết.
Các khoản thu khiến phụ huynh phản ứng tại Trường THCS Tứ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội. (Ảnh phụ huynh cung cấp)
Các phụ huynh cho biết năm học trước, mỗi phụ huynh đóng 8 triệu nhưng năm học này theo gợi ý, mỗi phụ huynh đóng 10 triệu vì số học sinh ít hơn năm ngoái, tại cuộc họp phụ huynh ai đồng ý giơ tay và cô có chụp hình lại. "Chúng tôi có đồng ý đóng quỹ và nghĩ sẽ dùng trong 5 năm nhưng không biết chỉ trong một năm đã dùng hết số tiền trên. Là do mập mờ trong cách thực hiện của giáo viên chủ nhiệm và ban đại diện ngay từ đầu" - một phụ huynh khác của lớp 1/2 cho biết.
Anh T. một phụ huynh bình luận: "Tôi chưa từng thấy khoản thu nào mang tên... tiền thuê máy lạnh, tiền hòa mạng internet, tiền rèm cửa, tiền... nhưng thực tế đã xảy ra ở chính lớp con mình với chi phí mỗi em 100.000 đồng/tháng. Vậy chắc trước đây, nhà trường không có internet. Khi phụ huynh thắc mắc khoản thuê máy lạnh thì giáo viên tỏ ý giận lẫy nói rằng nếu đóng tiền mua máy lạnh thì phụ huynh lại kiện"
Nhìn vào danh mục những khoản thu của lớp 1/2, nhiều phụ huynh cũng đã thốt lên, có nhiều khoản… na ná như các khoản thu tại trường của con em mình. Dù là dưới tên gọi này hay tên gọi khác thì cũng là rút từ ví phụ huynh. Chị H., phụ huynh lớp 7 một trường THCS tại quận Bình Thạnh, cho biết trong cuộc họp phụ huynh, ban đại diện thông báo đóng quỹ phụ trường 400.000 đồng/người nhưng quỹ này sử dụng mục đích gì thì phụ huynh cũng không được biết. Đó là quỹ trường, còn quỹ lớp thì cao hơn, với lý do chăm sóc trực tiếp cho học sinh trong lớp, tiền bồi dưỡng cho các con khi tham gia các hội thi, phong trào...
Sững sờ với hàng chục khoản thu lạ
Mới đây, sau cuộc họp phụ huynh đầu năm học 2023-2024 của Trường THPT Chu Văn An, quận Tây Hồ, Hà Nội, Ban Phụ huynh lớp 12 Văn đã thu của mỗi phụ huynh học sinh 4,5 triệu đồng/học kỳ tiền quỹ phụ huynh. Bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay Ban Giám hiệu nhà trường đã yêu cầu giáo viên chủ nhiệm lớp, Ban Đại diện cha mẹ học sinh lớp 12 Văn trả lại toàn bộ khoản tiền đã thu cho từng phụ huynh. Nhà trường cũng tổ chức cuộc họp bất thường, triệu tập giáo viên chủ nhiệm của các lớp để rà soát tình hình thực hiện các khoản thu ở từng lớp, đồng thời, quán triệt một lần nữa các văn bản hướng dẫn, quy định liên quan đến việc thu chi tới giáo viên chủ nhiệm, yêu cầu nghiêm túc chấp hành. Cá nhân, tập thể nào để xảy ra vi phạm, tùy mức độ sẽ bị xử lý nghiêm khắc.
Mạng xã hội đang lan truyền thông tin của phụ huynh cho hay hàng chục khoản thu lạ xuất hiện trong bảng thu chi kinh phí hoạt động của Ban Đại diện cha mẹ học sinh năm học 2023 - 2024 Trường THCS Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Các khoản này gồm kinh phí cho học sinh học bồi dưỡng tại Chu Văn An (10.000.000 - 15.000.000 đồng); kinh phí họp trưởng ban các lớp, các trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh toàn trường sơ kết học kỳ 1, tổng kết năm học (12.000.000 - 15.000.000 đồng); hỗ trợ tổ chức trung thu cho học sinh toàn trường (32.000.000 - 39.000.000 đồng)... Tổng dự kiến chi trong năm học lên đến hơn 500 triệu đồng!
Trao đổi với báo chí, bà Bùi Thị Hải Lý, Hiệu trưởng Trường THCS Tứ Hiệp (Thanh Trì, Hà Nội), cho biết nhà trường đã nắm bắt được phản ánh của phụ huynh. Nhà trường sẽ làm việc với ban đại diện cha mẹ học sinh và thông tin tới báo chí trong vài ngày tới. Liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Văn Ngát, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Thanh Trì, cho hay Phòng GD-ĐT huyện Thanh Trì đang yêu cầu tổ công tác xác minh, kiểm tra và sẽ có báo cáo kết luận.
Trường THCS Nguyễn Trãi, TP Chí Linh, Hải Dương cũng bị phụ huynh phản ứng khi thông báo 16 khoản thu đầu năm học, trong đó có nhiều khoản thu vô lý, không nằm trong danh mục các khoản thu theo quy định. Cụ thể, các khoản thu theo danh sách phụ huynh ghi chép lại ngay sau buổi họp phụ huynh của trường gồm: tiền gửi xe đạp 90.000 đồng; tiền ghế, cờ 25.000 đồng; tiền vệ sinh trường 162.000 đồng; tiền kỹ năng sống 432.000 đồng; photocopy đề kiểm tra 200.000 đồng; mua tivi 300.000 đồng; mua bổ sung bàn ghế 40.000 đồng; hỗ trợ cơ sở vật chất 168.000 đồng; mua loa đài 15.000 đồng; hỗ trợ xe đưa học sinh giỏi đi thi 50.000 đồng… Trưởng phòng GD-ĐT TP Chí Linh ông Lương Quang Phương đã có văn bản yêu cầu Trường THCS Nguyễn Trãi thực hiện nghiêm các khoản đầu năm học.
Chưa có giải pháp xử lý thỏa đáng
Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng đến nay không thiếu những quy định để chống lạm thu, từ các quy định của bộ đến quy định của riêng mỗi địa phương. Ngay tại TP HCM, Nghị quyết 04 của HĐND thành phố quy định 26 khoản thu dịch vụ được phép thực hiện trong trường học cũng được xem là biện pháp mạnh chống lạm thu. Vậy vì sao vẫn có những trường hợp lách luật, lách quy định để thu?
Một thành viên ban đại diện phụ huynh tại quận Bình Thạnh - TP HCM, cho biết thông thường với những khoản liên quan đến ủng hộ cơ sở vật chất cho trường, nguyện vọng của phụ huynh là thực hiện theo hình thức "chìa khóa trao tay", nghĩa là phụ huynh báo cáo với nhà trường, sau đó tự phụ huynh thỏa thuận, thống nhất với nhau hoàn thiện công trình và bàn giao cho lớp, cho trường. "Tuy nhiên, có những trường hợp nhà trường và giáo viên lớp can thiệp quá sâu, tự bàn bạc với ban đại diện và quyết định, chia đều mức đóng góp lên phụ huynh mới khiến mọi người bức xúc" - vị này cho biết.
Theo Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT, ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện; các khoản không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh như bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh, vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường...
Các chuyên gia giáo dục cho rằng quy định là thế nhưng trên thực tế, lạm thu đang tồn tại ngày càng ngang nhiên và trắng trợn trong các nhà trường, dưới danh nghĩa ban phụ huynh, đặc biệt vào dịp đầu năm học mà chưa có biện pháp xử lý thỏa đáng.
Không nên để giáo viên tham gia thu tiền
Phó hiệu trưởng một trường tiểu học tại quận 1, TP HCM cho biết một phương án để tránh lạm thu hiệu quả là nhà trường yêu cầu giáo viên chủ nhiệm các lớp tách bạch hẳn, không can thiệp vào hoạt động ban đại diện. Rất nhiều hoạt động ở trường, ở lớp, chúng tôi mời phụ huynh cùng tham dự. Ở đó, phụ huynh cảm thấy có thể hỗ trợ thêm gì để có lợi cho các con, phù hợp với mục tiêu giáo dục của nhà trường thì chấp nhận. "Để giáo viên tham gia chuyện tiền bạc với ban đại diện là không nên" - vị này cho biết.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận