Quỹ phòng hộ lớn nhất thế giới: Hãy chuẩn bị cho kịch bản chứng khoán giảm mạnh, suy thoái ập đến
Giám đốc đầu tư của Bridgewater Associates cho rằng tăng trưởng kinh tế có thể tốt hơn kỳ vọng, song thị trường vẫn đang quá lạc quan.
Trong phần lớn thời gian của năm ngoái, Bridgewater Associates ghi nhận hiệu quả đầu tư vượt trội nhờ đặt cược rằng chu kỳ tăng lãi suất nhanh nhất trong nhiều thập kỷ sẽ sớm đẩy nền kinh tế Mỹ vào suy thoái. Nhưng khi lợi suất trái phiếu bắt đầu sụt giảm và cổ phiếu tăng vào cuối năm ngoái, hiệu suất của quỹ phòng hộ lớn nhất thế giới cuối cùng lại tụt dốc.
Tuy nhiên, Greg Jensen, đồng Giám đốc đầu tư của Bridgewater Associates, nói rằng thị trường đang hiểu sai. Trong tập mới nhất của podcast Odd Lots, ông lập luận rằng các nhà đầu tư vẫn còn quá lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế và khả năng của Fed trong việc dập tắt áp lực lạm phát để quay trở lại mục tiêu 2%.
Ông nói: “Fed có vẻ thực tế hơn một chút so với những gì thị trường nghĩ. Để thị trường cổ phiếu tiếp tục tăng, Fed phải hạ lãi suất khá nhanh và lợi nhuận phải khả quan… Thị trường đang siêu lạc quan so với những gì chúng tôi đo lường được”.
Với Bridgewater, lợi nhuận tại quỹ Pure Alpha của họ đã giảm 13% và quỹ Pure Alpha II giảm hơn 20% trong quý 4 tính đến tháng 11/2022, khi các nhà đầu tư bắt đầu đặt cược rằng Fed sẽ giảm tốc độ thắt chặt tiền tệ.
“Tôi đã sai lầm rất nhiều thứ”, ông Jensen nói. “Mức độ thắt chặt diễn ra nhanh và mạnh hơn so với trước đây và so với bất kỳ chu kỳ thắt chặt nào như thế này đều dẫn đến suy thoái nghiêm trọng trong quá khứ, mặc dù độ trễ có phần thay đổi, song điều đó vẫn có thể đúng”.
Ông Jensen nói thêm: “Thông thường, chẳng hạn như năm ngoái, cổ phiếu giảm giá và lợi suất trái phiếu ngắn hạn tăng, công thức đó trong lịch sử luôn dẫn đến việc người dân tăng gửi tiết kiệm. Mọi người nhận thấy lãi suất cao hơn, giá tài sản giảm, thị trường nhà ở chậm lại… Mọi người tiết kiệm nhiều hơn, điều đó có nghĩa là doanh thu của các công ty ít hơn, có nghĩa là tình trạng sa thải gia tăng, cũng có nghĩa là lãi suất tiết kiệm tăng nhiều hơn khi việc làm thị trường suy yếu”.
Tuy nhiên, làn sóng kích thích tài khoá được tung ra trong đại dịch COVID-19 đã phá vỡ các mô hình kinh tế truyền thống này, khiến tác động của chu kỳ tăng lãi suất trở nên khó dự đoán hơn và diễn ra chậm hơn nhiều.
Ông Jensen nói: “Dòng tiền đó đã quay vòng theo cách khiến chu kỳ tăng lãi suất có tác động yếu hơn nhiều so với những gì tôi nghĩ và nếu nó xảy ra trước COVID-19 thì tác động sẽ lớn hơn”.
Tuy nhiên, các công ty lớn rồi sẽ cảm nhận được tác động của chu kỳ tăng lãi suất hiện tại. Khi đó, họ sẽ bị buộc phải cắt giảm nhân lực và đầu tư, trong khi người dân giảm bớt chi tiêu và tăng tiết kiệm. Tất cả sẽ diễn ra với tốc độ chậm hơn những gì Bridgewater dự báo vào thời điểm này năm ngoái.
“Quan điểm của tôi là chúng ta sẽ kết thúc năm nay với mức tăng trưởng kém hơn dự báo đôi chút và lạm phát ở mức cao hơn một chút. Kết cục có thể tồi tệ đối với trái phiếu và có thể hơi tệ đối với cổ phiếu, đồng thời, tăng trưởng kinh tế nói chung là yếu. Và nếu đà tăng trưởng yếu ớt kích thích tỷ lệ tiết kiệm tăng lên, chúng ta có thể dễ dàng suy thoái, và đó là một cuộc suy thoái sẽ rất khó giải quyết”, ông Jensen nói.
Tuy nhiên, theo ông, triển vọng vẫn còn tiêu cực, nhưng không cực đoan như vẻ ngoài của nó và đó là một quá trình diễn ra dần dần.
“Chúng tôi vẫn đang điều chỉnh để thích nghi với một thế giới mà lạm phát cao hơn và xuất hiện làn sóng phi toàn cầu hóa… Tôi nghĩ làn sóng phi toàn cầu hóa đã thay đổi lộ trình lạm phát dài hạn theo cách mà thị trường vẫn chưa hoàn toàn điều chỉnh theo kịp”, vị Giám đốc của Bridgewater nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận