Quy mô thị trường CW còn rất nhỏ so với Thái Lan, Đài Loan, room tăng trưởng còn nhiều
“Hôm nay, nhìn lại sản phẩm CW nói lên gian nan vất vả của đội ngũ làm trong nghề, thăng trầm của các nhà đầu tư, không phải ai cũng thắng”, ông Trần Văn Dũng chia sẻ.
Ngày 3/7, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) đã tổ chức chương trình tổng kết hoạt động của Chứng quyền có bảo đảm (CW) sau 1 năm giao dịch.
Sau một năm chính thức triển khai giao dịch trên thị trường, CW đã có tác động tích cực lên thị trường cổ phiếu, góp phần gia tăng thanh khoản cho các cổ phiếu cơ sở.
Đến ngày 29/5/2020, đã có 134 mã CW được chào bán và niêm yết trên HoSE do 8 CTCK phát hành ứng với tổng khối lượng chào bán là 410,2 triệu chứng quyền.
Sau 11 tháng triển khai, tổng khối lượng giao dịch CW đạt trên 990,32 triệu CW, tương ứng tổng giá trị giao dịch đạt trên 1.481 tỷ đồng. Trong đó khối lượng giao dịch cao nhất là vào tháng 5/2020 (15,92 triệu CW) và giá trị giao dịch CW đạt cao nhất vào tháng 11/2019 (221,1 tỷ đồng).
Khối lượng giao dịch bình quân ngày là 4,3 triệu CW/ngày (tăng so với giai đoạn đầu chỉ 2,9 triệu CW/ngày), nước ngoài chiếm 13%, chủ yếu là phần tạo lập thị trường của tổ chức phát hành là CTCK KIS.
Theo bà Hồ Ngọc Đoan Trang, Giám đốc Phòng nghiên cứu phát triển sản phẩm HoSE, giao dịch phòng ngừa rủi ro chiếm 0,8% so với toàn thị trường, đóng góp vào thanh khoản toàn thị trường. Sau 1 năm vận hành, ghi nhận sự tăng trưởng về số lượng mã chào bán, thanh khoản và hoạt động quản lý vận hành khá an toàn. Với tổ chức phát hành các mã đáo hạn đều trả được tiền cho nhà đầu tư khá tốt, các hoạt động phòng ngừa rủi ro tuân thủ đúng quy định.
Đánh giá về quy mô của thị trường CW, bà Nguyễn Thị Việt Hà, thành viên HĐQT nhìn nhận quy mô tại thị trường Việt còn rất nhỏ so với một số thị trường như Thái Lan, quy mô CW chiếm 2-3% toàn thị trường chứng khoán, Đài Loan cao hơn, còn Hongkong lên 20-30% toàn thị trường.
Sẽ tới ngày chấp nhận giao dịch CW 2 chiều
Tham dự buổi tổng kết về sản phẩm CW, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch UBCKNN đã chia sẻ không chỉ riêng về sản phẩm CW mà còn về sự phát triển của thị trường chứng khoán sau 20 năm vận hành.
Ông Dũng cho biết, ngày 20/7/2000 thị trường chứng khoán Việt Nam ra đời. Lịch sự phát triển của HoSE gắn liền với sự phát triển của thị trường và đằng sau mỗi câu chuyện đều nhiều trăn trở với những bước đi khó khăn.
“Khi tôi được phân công vào làm Tổng giám đốc của HoSE, tôi chứng kiến anh em của sở đã nghiên cứu sản phẩm CW mất 3 năm, mất thêm gần 1 năm nữa trình ra Uỷ ban để trình Bộ Tài chính. Đến cuối năm 2016, tính từ khi nghiên cứu đến khi ra được Thông tư 107 mất khoảng 4 năm, sau đó đến thời gian chuẩn bị mất hơn nửa năm mới ra đời sản phẩm CW. Như vậy, một sản phẩm ra đời mất khoảng 4 -5 năm”, Chủ tịch UBCK nói.
Dẫn chứng thêm, ông Dũng cho biết, nhìn lại lịch sử phát triển thị trường chứng khoán, UBCK ra đời năm 1996 và đến năm 2000 ra đời TTCK. Thị trường UPCoM khởi sự năm 2006 đến 2009 thực hiện được. Thị trường trái phiếu chính phủ khởi sự năm 2005 và ra đời cuối năm 2009. Còn sản phẩm ETF khởi sự cuối năm 2009 ở HoSE và ra đời năm 2014. TTCK phái sinh cũng mất 4-5 năm…
“Hôm nay, nhìn lại sản phẩm CW nói lên gian nan vất vả của đội ngũ làm trong nghề, thăng trầm của các nhà đầu tư, không phải ai cũng thắng, doanh nghiệp huy động được vốn”, ông Dũng chia sẻ.
Theo lãnh đạo ngành chứng khoán, lúc thị trường chứng khoán ra đời không ai nghĩ có doanh nghiệp tỷ USD. Nhưng hiện có hơn 20 doanh nghiệp tỷ USD như VIC, VNM… đang thể hiện tốt vai trò, vị trí của mình.
“Thị trường có thăng trầm nhưng có nhiều kết quả đáng tự hào. Sắp tới, sẽ có những cải thiện dần về hệ thống phát hành, những câu chuyện về quản trị rủi ro, sẽ tới ngày chấp nhận giao dịch CW 2 chiều”, Chủ tịch UBCKNN cho biết.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận